Ảnh minh họa.
Cụ thể như sau:
Bố cục và sự phù hợp
Dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng gồm 92 điều, 13 chương. Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Pháp lệnh, dự thảo Pháp lệnh quy định các chi phí tố tụng trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, tố tụng hình sự và trong thủ tục xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; áp dụng các biện pháp xử lý hành chính quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Pháp lệnh số 01/2022/UBTVQH15, Pháp lệnh số 03/2022/UBTVQH15.
Tác giả cơ bản đồng ý với cơ quan chủ trì soạn thảo về sự cần thiết ban hành và việc phù hợp với đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn thi hành. Bố cục của dự thảo tương đối hợp lý.
Tuy nhiên, hình thức và nội dung cần chỉnh sửa một vài điểm nhỏ nhằm hoàn thiện và phù hợp tình hình thực tiễn hiện nay.
Hình thức và nội dung
Theo đó, tại phần đầu căn cứ ban hành Pháp lệnh không lặp lại nhiều lần từ "Căn cứ" mà chỉ sử dụng một từ cho các văn bản.
Tại Điều 3 về áp dụng Pháp lệnh Chi phí tố tụng và pháp luật có liên quan, quy định và diễn đạt rất chung chung, khó hiểu, khó áp dụng trong thực tiễn. Cụ thể, quy định tại Khoản 2 là không phù hợp với nguyên tắc áp dụng pháp luật. Trường hợp luật quy định khác thì có áp dụng Pháp lệnh này không vì Luật có giá trị pháp lý cao hơn?
Tại Điều 4, Khoản 5, tác giả cho rằng cần thay cụm từ "Do Tòa án chỉ định" bằng cụm từ "Do cơ quan tiến hành tố tụng chỉ định" để phù hợp với Luật Luật sư cũng như các luật tố tụng khác liên quan đồng thời bao hàm được cả quá trình tố tụng.
Tại Điều 8 quy định về giảm tiền tạm ứng chi phí, theo tác giả, quy định này còn chung chung khó thực hiện, thủ tục rườm rà, phức tạp cho đối tượng được hưởng.
Bên cạnh đó, tại Điều 51 về xác định chi phí cho Luật sư, tác giả kiến nghị cần quy định ngay trong Danh mục kèm theo Pháp lệnh này để thống nhất áp dụng và phù hợp thực tiễn, bãi bỏ các quy định khác không còn phù hợp.
Chi phí thù lao cho Luật sư ít nhất tương đương phải bằng phụ cấp xét xử cho Hội thẩm nhân dân là 900.000 VNĐ/người/ngày bởi công việc tương đồng nhau.
Nếu vẫn áp dụng thù lao cho Luật sư theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng quy định tại Điều 57 Luật Luật sư và Điều 19 Nghị định 123/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư thì thù lao cho Luật sư là quá thấp và quá lạc hậu, đã trên 10 năm áp dụng.
Quy định này bằng 0,4 lần mức lương cơ sở cho một ngày, tính ra vẫn thấp hơn phụ cấp xét xử cho Hội thẩm nhân dân (Mức lương cơ sở hiện hành từ 01/7/2023 theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP ngày 14/5/2023 là 1.800.000 VNĐ/tháng), tức là 720.000 VNĐ/ngày/Luật sư. Dự thảo cần quy định hợp lý điểm này.
Tại Điều 85 quy định về trách nhiệm chi trả, nghĩa vụ chịu chi phí sao chụp tài liệu, Khoản 2 Điều này của dự thảo sửa chỉ quy định người bào chữa yêu cầu sao tài liệu thì mới chịu chi phí còn chụp thì không.
Điều 92 dự thảo cần sửa là tổ chức thực hiện thay cho tổ chức thi hành để phù hợp nội hàm điều luật. Nội dung điều luật này cần đưa cả cơ quan điều tra bởi liên quan cả chi phí tố tụng cho giai đoạn này.
Đề xuất, kiến nghị
Từ những bất cập trên tác giả kiến nghị các đại biểu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, xem xét kỹ những góp ý hợp lý và sớm thông qua.
Bên cạnh đó, cần tính toán tới quy định thù lao của Luật sư theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng cho phù hợp. Đồng thời, nội dung thông qua cần đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của Pháp lênh này với quy định tại các văn bản pháp luật khác liên quan.
Luật sư LÊ ĐĂNG TÙNG
Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
Dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng: Đề nghị bổ sung thêm quy định về thù lao Luật sư