(LSVN) - Trong phạm vi bài viết này, tác giả trao đổi một số vướng mắc, bất cập khi áp dụng Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội "Mua bán người" và Điều 151 về tội "Mua bán người dưới 16 tuổi".
Ảnh minh họa.
Điều 150 và 151 là hai tội danh trong Bộ luật Hình sự (BLHS 2015) mới được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Trong đó, đối với Điều 150 BLHS năm 2015 đã phân tích làm rõ trong điều luật về thủ đoạn phạm tội "Mua bán người" là: “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc bằng thủ đoạn khác”… Nội dung mô tả hành vi khách quan tương đồng với quy định của các điều ước quốc tế về chống mua bán người. Ngoài ra Điều 150 BLHS còn bổ sung các tình tiết tăng nặng định khung như: Vì động cơ đê hèn; gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 31% đến 60%; làm nạn nhân chết hoặc tự sát; tái phạm nguy hiểm.
Đối với Điều 151 BLHS năm 2015 thì khoản 1 của điều luật cũ được chuyển thành cấu thành cơ bản; khoản 2, 3, 4 của điều luật cũ sửa thành khoản 1, 2, 3. Khoản 2 sửa điểm h “gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%” thành “gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 31% đến 60%” và gộp tình tiết h, I làm một tình tiết chung: “Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều này”. Khoản 3 sửa điểm c: “gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 46% trở lên” và bổ sung tình tiết: “Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên”.
Trong phạm vi bài viết này, tác giả trao đổi một số vướng mắc, bất cập khi áp dụng Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội "Mua bán người" và Điều 151 về tội "Mua bán người dưới 16 tuổi". Cụ thể, trong trường hợp sau khi mua bán người, người phạm tội thực hiện hành vi cố ý gây thương tích không thuộc trường hợp “đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân” thì người đó phạm 02 tội “Mua bán người” và “Cố ý gây thương tích” hay chỉ phạm 01 tội “Mua bán người”?
Ví dụ: Do bố mẹ giục hối thúc cần con dâu để phụng dưỡng tuổi già, Nguyễn Văn A. nảy sinh ý định mua một người phụ nữ về làm vợ. Ngày 15/10/2020 qua lời giới thiệu của B., A. đã đồng ý mua chị C. (chị C 20 tuổi) với giá 200 triệu đồng. Trong quá trình sinh sống với A., có một lần C. làm vỡ bình hoa nên bị A. đánh đập. C. phản kháng lại, chạy thoát được ra ngoài và được người dân gần đó cứu giúp. Sau khi biết được sự việc, cơ quan Công an bắt giữ A. và tiến hành điều tra. A. đã khai nhận toàn bộ hành vi mua bán và đánh đập chị C. với cơ quan điều tra. Tỷ lệ thương tích của chị C. khi giám định là 40%. Vậy A. phạm tội gì?
Xung quanh quá trình giải quyết còn có nhiều quan điểm khác nhau khi xác định tội danh của Nguyễn Văn A.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Nguyễn Văn A. phạm tội “Mua bán người” vì A. có hành vi mua chị C. với giá 200 triệu đồng và đã gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân với tỷ lệ 40%. Như vậy, đủ căn cứ để kết luận A. phạm tội “Mua bán người” theo điểm c khoản 2 Điều 150 BLHS 2015.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Nguyễn Văn A. phạm tội “Mua bán người” theo khoản 1 Điều 150 BLHS 2015 và tội “Cố ý gây thương tích”, điểm a khoản 2 Điều 134 BLHS. Trong vụ án này, A. đã thực hiện 2 hành vi và mỗi một hành vi đều đủ các yếu tố cứ cấu thành tội phạm riêng biệt. Vì hành vi mua bán người và cố ý gây thương tích là hai hành vi độc lập với nhau, xâm phạm đến 2 khách thể khác nhau được Bộ luật Hình sự bảo vệ, đó là quyền được bảo vệ thân thể, nhân phẩm của con người và xâm phạm đến sức khỏe của người khác. Nếu chỉ định tội danh một tội “mua bán người” thì không thể hiện hết tính nguy hiểm của hành vi phạm tội của A. và như vậy sẽ không bảo đảm nguyên tắc cá thể hoá hình phạt, không thể hiện tính nghiêm khắc đối với kẻ phạm tội và bỏ lọt tội phạm.
Do đó, cần truy cứu trách nhiệm hình sự đối với A. bằng 2 tội danh “Mua bán người” và “Cố ý gây thương tích”.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất: Trường hợp này A. phạm tội “Mua bán người theo điểm c khoản 2 Điều 150 BLHS. Vì điểm c khoản 2 Điều 150 BLHS quy định: “Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này”.
Điểm b khoản 3 Điều 150 quy định: “đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân”.
Như vậy, trong vụ án trên, hành vi của A. thông qua B. mua bán chị C. đã thỏa mãn tội “Mua bán người” theo quy định tại Điều 150 BLHS. Khi thực hiện hành vi cố ý gây thương tích cho chị C., A. không nhằm mục đích là lấy bộ phận cơ thể của chị C. Chị C. bị tổn thương cơ thể 40%. Như vậy hành vi của A. thỏa mãn điểm c khoản 2 Điều 150 BLHS.
Vậy trong trường hợp chị C. bị tổn thương cơ thể dưới 31% thì xử lý như thế nào? Trong trường hợp này tại Điều 8 Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn A. sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Mua bán người" và tội "Cố ý gây thương tích".
Trên đây là các quan điểm khác nhau về việc giải quyết vụ án, rất mong được sự trao đổi của bạn đọc.
NGUYỄN VŨ HOÀNG
Tòa án quân sự khu vực quân khu 3