/ Góc nhìn
/ Một số tồn tại, vướng mắc trong công tác cấp, huỷ số định danh và sai lệch thông tin giữa dữ liệu khai sinh với dữ liệu dân cư

Một số tồn tại, vướng mắc trong công tác cấp, huỷ số định danh và sai lệch thông tin giữa dữ liệu khai sinh với dữ liệu dân cư

13/06/2022 16:55 |

(LSVN) - Triển khai thực hiện Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân việc kết nối với Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch để cấp sổ định danh cá nhân đã được thực hiện theo mô hình mới, thông qua Trục NGSP của Bộ TT&TT. Có thể nói, việc triển khai kết nối này mang lại nhiều lợi ích cho cả Nhà nước và công dân, nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý dân cư một cách khoa học, chặt chẽ. Tuy nhiên, việc triển khai công tác cấp, hủy số định danh và việc sai lệch thông tin giữa dữ liệu khai sinh Bộ Tư pháp với dữ liệu dân cư thời gian qua đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc cần sớm tháo gỡ.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, thứ nhất, việc cấp số định danh trên hệ thống thường bị chậm, đồng thời, việc cấp số định danh đối với những trường hợp sinh từ 2008 - 2019 (dưới 14 tuổi), đã được khai sinh, trong cơ sở dữ liệu của Công an đã có số định danh. Khi công dân có yêu cầu cải chính, thay đổi, bổ sung hộ tịch, công chức hộ tịch cập nhật khai sinh trên hệ thống thì phần mềm không cập nhật số dịnh danh mà báo lỗi.

Do vậy, việc cải chính, bổ sung, thay đổi hộ tịch không thực hiện được trên phần mềm cơ sở dữ liệu hộ tịch. Mặt khác, nhiều trường hợp thực hiện tại phần mềm đăng ký khai sinh theo đúng quy định ban đầu trên hệ thống báo chờ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cấp số định danh nhưng sau đó lại báo lỗi. Nhiều trường hợp các đối tượng khác nhau về các thông tin nhưng bị cảnh báo lỗi trùng số định danh.

Thứ hai, một số trường hợp đã thay đổi cải chính hộ tịch, cụ thể là giới tính từ giới tính Nam thành giới tính Nữ hoặc ngược lại, nhưng mã định danh không thay đổi. Điều này gây khó khăn cho các công chức thực hiện đăng ký hộ tịch cũng như phiền hà cho người dân.

Hay như ở phần mềm cơ sở dữ liệu hộ tịch tại trường thông tin mục Dân tộc đúng, nhưng qua phần mềm cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư lại ra dân tộc khác. Chẳng hạn như dân tộc trong dữ liệu khai sinh của Bộ Tư pháp là “Ba Na”, nhưng thông tin trong dữ liệu dân cư của Bộ Công an dân tộc thành “sán chay”...

Thứ ba, rất nhiều trường hợp khai sinh chuyển qua làm thẻ BHYT cho trẻ dưới 06 tuổi. Mặc dù, phần mềm đã báo "xong" nhưng cơ quan BHXH vẫn không nhận được, trong khi đó danh sách chuyển qua cơ quan BHXH trên phần mềm hộ tịch đã hiển thị là đã chuyển. Thực trạng này chỉ phát hiện ra khi người dân đi làm thẻ BHYT phát hiện và yêu cầu thì bên cơ quan BHXH liên hệ với công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã để chuyển, nhưng trong danh sách thì đã chuyển xong.

Thứ tư, liên quan đến phần mềm cấp thẻ BHYT cho những trường hợp khai sinh, vẫn xuất hiện lỗi. Đó là trong phần mềm dữ liệu dân cư của Công an và phần mềm Hộ tịch thì số định danh của một trường hợp lại trùng với số định danh của một trường hợp khác ở xã khác thuộc huyện khác trong cùng tỉnh. Khi đối chiếu thì chỉ có phần mềm của cơ quan BHXH mới phát hiện, còn phần mềm cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và phần mềm Hộ tịch thì không thể hiện.

Ngoài ra, có trường hợp khi đăng ký khai sinh trên hệ thống dữ liệu khai sinh của Bộ Tư pháp có nhập thông tin "Quê quán" nhưng trong dữ liệu dân cư không hiện thị trường thông tin này.

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng có thẩm quyền cần sớm khắc phục các khó khăn, vướng mắc, bất cập cũng như các lỗi kỹ thuật nêu trên nhằm đảm bảo việc vận hành, kết nối các phần mềm dữ liệu được số hóa được đồng bộ, hiệu quả hơn. Điều này góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, giảm giấy tờ, thủ tục cũng như thúc đẩy hoạt động số hóa các lĩnh vực quản lý xã hội đạt được kết quả như trông đợi.

Thạc sĩ PHẠM VĂN CHUNG

Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum

Giới hạn thời gian sở hữu chung cư: Nên thận trọng!

Admin