/ Thư viện pháp luật
/ Các điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Các điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp

25/01/2021 02:58 |

(LSVN) – Có thể nói, thất nghiệp là vấn nạn chung của toàn cầu nhất là sau sự xuất hiện của đại dịch Covid-19. Chính vì vậy, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Việc triển khai chính sách BHTN góp phần ổn định cuộc sống cho người lao động khi bị mất việc làm; đồng thời cũng đưa ra các giải pháp để người lao động tái nhập thị trường lao động.

Ảnh minh họa.

Theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm 2013 và Điều 11 Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BHTN, điều kiện để người lao động bị thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp yêu cầu trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm. Người lao động đang đóng bảo hiểm bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật. Người lao động đang đóng BHTN được hiểu là người có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã đóng BHTN và được tổ chức bảo hiểm xã hội xác nhận.

Như vậy, những trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật, bị xử lý kỉ luật theo hình thức sa thải hoặc buộc thôi việc theo quy định của pháp luật hoặc bị kết án tù giam theo quyết định của Tòa án, chết hoặc mất tích theo tuyên bố của Tòa án sẽ không được hưởng trợ cấp BHTN. Việc đưa ra quy định như trên nhằm nâng cao ý thức, tinh thần, trách nhiệm của người lao động trong quá trình làm việc. Đồng thời, tránh tình trạng người lao động ỷ lại vào BHTN mà không coi trọng đối với công việc mà mình đang có.

Bên cạnh quy định về cách tính thời gian đóng BHTN để được hưởng trợ cấp, quy định mới còn nhấn mạnh việc đóng phí phải được tổ chức bảo hiểm xã hội xác nhận. Điều này nhằm mục đích phòng ngừa, hạn chế sự gian lận khi làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Người lao động phải tham gia đóng BHTN đủ thời gian theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, thời gian phải từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi thất nghiệp đối với trường hợp ký kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc có xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn; đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi thất nghiệp đối với người lao động ký kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn đủ 03 tháng đến dưới 36 tháng (khoản 2 Điều 49 Luật Việc làm 2013).

Theo đó, người lao động muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp phải có trách nhiệm đóng phí BHTN trong một khoảng thời gian nhất định trước khi bị mất việc làm. Việc đóng góp là cần thiết, phòng khi rủi ro xảy đến cho cả hai bên. Lợi ích này không chỉ có người lao động mà chính người sử dụng lao động cũng được hưởng.

Như vậy, để được hưởng quyền lợi của BHTN  thì người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm phải có trách nhiệm đóng phí để tạo quỹ. Do đó, nếu người sử dụng lao động không tự giác đóng thì người lao động sẽ không được tham gia chế độ và khi thất nghiệp sẽ không được hưởng quyền lợi. Ngoài ra, khi tham gia BHTN, người sử dụng lao động có quyền được sử dụng quỹ để chi trả cho việc đào tạo lại, đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động. Bên cạnh đó, để đảm bảo anh sinh xã hội, giải quyết hậu quả của việc ban hành những chính sách gây bất lợi ảnh hưởng tới vấn đề việc làm, Nhà nước cũng phải có một phần trách nhiệm trong việc hình thành quỹ.

Hơn nữa, ngoài mục đích duy trì sự tồn tại của quỹ BHTN, việc đóng phí còn là cơ sở đảm bảo thanh toán quyền lợi của người tham gia. Vì vậy, quy định này được đặt ra nhằm tránh tình trạng ỷ lại vào Nhà nước, gây thâm hụt quỹ bảo hiểm do chậm hoặc không đóng phí từ phía người sử dụng lao động và người lao động. Đặc biệt, đây cũng là biện pháp ngăn ngừa trường hợp người lao động cố tình làm mất việc để trục lợi bảo hiểm.

Căn cứ vào điều kiện cụ thể mà mỗi quốc gia có quy định riêng về khoảng thời gian đóng phí trước khi hưởng trợ cấp thất nghiệp. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, tùy  vào từng loại hợp đồng mà thời hạn này là đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng hoặc 36 tháng trước khi người lao động thất nghiệp. Tháng đóng BHTN của người lao động được tính nếu người sử dụng lao động và người lao động đã thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và đã đóng BHTN. Tuy nhiên, để được hưởng quyền lợi bảo hiểm thì họ phải có thời gian đóng phí tối thiểu là 12 tháng trong khoảng thời gian 36 tháng trước khi họ thất nghiệp.

Để hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động thất nghiệp phải nộp hồ sơ tại Trung tâm dịch vụ việc làm ở địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.

Trước đây, theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Thông tư số 04/2013/TT- BLĐTBXH thì trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày người lao động bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, nếu người lao động chưa có việc làm mà có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp thì phải đăng ký thất nghiệp. Còn nay, cũng trong thời hạn nêu trên, người lao động thất nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là được hưởng trợ cấp (khoản 1 Điều 17 Nghị định 28/2015/NĐ-CP). Như vậy, việc bỏ quy định về đăng ký thất nghiệp là một hướng mới trong cải cách thủ tục hành chính. Quy định này sẽ tạo điều kiện cho người mất việc thuận lợi hơn trong quá trình giải quyết quyền lợi bảo hiểm.

Hơn nữa, việc đăng ký thất nghiệp sẽ tạo ra nhiều rào cản hơn đối với người lao động có nhu cầu đăng ký thất nghiệp tại Trung tâm giới thiệu việc làm không phải là nơi đã làm việc trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Bởi theo quy định cũ, để được hưởng trợ cấp họ phải có xác nhận về việc chưa đăng ký thất nghiệp của Trung tâm giới thiệu việc làm nơi đã làm việc trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Điều này gây khó khăn, rắc rối cho người đăng ký, vì thế, rất khó để có được chính xác số lượng người thất nghiệp. Do vậy, việc giải quyết tình trạng thất nghiệp cũng mang lại hiệu quả không cao. Để khắc phục điều này, Luật Việc làm 2013 và Nghị định 28/2015/NĐ-CP đã cho phép người lao động thất nghiệp được nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp ở Trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp.

 Người lao động chưa tìm được việc làm sau 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN tới Trung tâm dịch vụ việc làm, trừ các trường hợp quy định tại khoản  4 Điều 49 Luậ Việc làm 2013.

Ngày thứ nhất trong 15 ngày được hiểu làm việc đầu tiên sau khi người lao động thất nghiệp đăng ký hưởng BHTN tới Trung tâm dịch vụ việc làm, tính từ ngày thứ hai đến hết ngày thứ sáu hàng tuần. Như vậy, đối với những trường hợp thất nghiệp ngắn ngày sẽ không nhận được các chế độ của BHTN. Đồng thời quy định rõ những trường hợp không được hưởng trợ cấp để tránh xảy ra tình trạng người lao động lạm dụng chính sách, cũng như giúp cơ quan BHXH nắm được về số lượng cũng như tình trạng của người thất nghiệp.

Tuy nhiên, hết thời gian này mà người lao động thất nghiệp vẫn chưa tìm được việc mới thì họ sẽ được hỗ trợ giới thiệu việc làm. Nếu sau hai lần được giới thiệu việc mới phù hợp với ngành nghề, trình độ của người lao động thất nghiệp đã được đào tạo hoặc việc làm mà người lao động thất nghiệp đó đã từng làm mà vẫn từ chối, họ sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp (điểm đ khoản 1 Điều 21 Nghị định 28/2015/NĐ-CP). Quy định này nhằm tránh trường hợp người lao động thất nghiệp ỷ lại vào chế độ, không chịu tìm kiếm việc làm.

Tuy nhiên, trên thực tế, có không ít người lao động thất nghiệp mặc dù đã tìm được việc làm mới nhưng lại không thông báo cho cơ quan chức năng. Điều này xuất phát từ việc chúng ta quản lý chưa chặt chẽ đối với tình trạng việc làm của người lao động mà phụ thuộc hoàn toàn vào sự chủ động thông báo từ phía họ. Mặt khác, quy định này cùng với quy định về thời điểm tính hưởng BHTN còn tạo ra bất cập không phù hợp với thực tiễn. Để khắc phục điều này khoản 4 Điều 49 Luật Việc làm 2013 quy định: “Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN” và “thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động được tính từ ngày thứ 16 theo ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp”. Theo đó, kể từ ngày nhận được hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp cho đến ngày thứ 15 mà người lao động thất nghiệp vẫn chưa tìm được việc mới, cơ quan quản lý về lao động sẽ duyệt hồ sơ để họ được hưởng quyền lợi bảo hiểm từ ngày thứ 16. Quy định như vậy đã giải quyết bất cập, không thể thực hiện được trong quy định trước đây, giải tỏa được tâm lý hoang mang của người lao động thất nghiệp  khi làm thủ tục hưởng bảo hiểm, góp phần củng cố niềm tin cho người lao động thất nghiệp.

NGỌC ANH

Hoàn thiện quy định hỗ trợ kinh phí thực hiện các chính sách về trợ giúp pháp lý giai đoạn 2021 - 2026

Lê Minh Hoàng