/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Hoàn thiện quy định hỗ trợ kinh phí thực hiện các chính sách về trợ giúp pháp lý giai đoạn 2021 - 2026

Hoàn thiện quy định hỗ trợ kinh phí thực hiện các chính sách về trợ giúp pháp lý giai đoạn 2021 - 2026

22/01/2021 08:19 |

(LSVN) - Trợ giúp pháp lý là một trong những chính sách được triển khai thực hiện trong các chương trình giảm nghèo. Bài viết đã phân tích việc hỗ trợ kinh phí thực hiện các chính sách về trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình; kết quả đạt được, hạn chế, tồn tại và trên cơ sở đó, đề xuất hoàn thiện chính sách này trong giai đoạn 2021 - 2026 nhằm bảo đảm sự hỗ trợ mang tính liên tục cho các vụ việc trợ giúp pháp lý, bảo đảm tối đa quyền người được trợ giúp pháp lý, nâng cao chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý.

 

Xóa đói giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội là một quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta, đã được cụ thể bằng chính sách, pháp luật và chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước qua các thời kỳ. Trợ giúp pháp lý (TGPL) là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. Đây cũng là một trong những chính sách được triển khai thực hiện trong các chương trình giảm nghèo theo Nghị quyết số 76/2014/QH13 ngày 24/6/2014 của Quốc hội về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo, Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020.

Triển khai thực hiện chính sách TGPL trong các chương trình giảm nghèo này, Bộ Tư pháp đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành 03 quyết định, trong đó có Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình (Quyết định số 32/2016/Đ-TTg). Theo đó, ngân sách trung ương bổ sung cho các địa phương chưa tự cân đối ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước để thực hiện hỗ trợ thực hiện vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình; hỗ trợ học phí cho viên chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước (Trung tâm) tại các địa phương có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn đủ điều kiện tham gia khóa đào tạo nghề luật sư và cam kết làm việc trong lĩnh vực TGPL tại địa phương ít nhất 02 năm kể từ khi đi đào tạo về; tăng cường năng lực cho người thực hiện TGPL; thiết lập đường dây nóng về TGPL. Ngoài ra, để thực hiện các hoạt động theo Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg, ngân sách địa phương sẽ hỗ trợ thực hiện việc xây dựng, phát chuyên trang, chuyên mục về TGPL bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc trên đài truyền thanh xã; tổ chức các đợt truyền thông về TGPL ở cơ sở.

1. Kết quả hỗ trợ kinh phí thực hiện các chính sách về trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình giai đoạn 2016 - 2020

- Hỗ trợ thực hiện các vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình

Từ năm 2016 đến hết tháng 04/2020, các địa phương được ngân sách trung ương hỗ trợ đã thực hiện 13.071 vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình cho 12.965 người được TGPL, trong đó có 1.727 người nghèo, 6.890 người dân tộc thiểu số, 1.822 trẻ em, 640 người có công với cách mạng và 1.886 đối tượng khác. Đối với các địa phương tự cân đối được ngân sách, ngân sách địa phương đã bảo đảm cho các Trung tâm thực hiện các vụ việc TGPL mà không phân biệt phức tạp, điển hình. Các địa phương đã tập trung thực hiện vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp, điển hình với số lượng ngày càng tăng, cụ thể: Năm 2017 là 2.917 vụ việc, năm 2018 là 3.909 vụ việc (tăng 34% so với năm 2017), năm 2019 là 4.805 vụ việc (tăng 23% so với năm 2018 và 65% so với năm 2017).

Nhìn chung, các vụ việc TGPL đều đạt chất lượng tốt, đáp ứng được các yêu cầu theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và các văn bản hướng dẫn. Nhiều vụ việc tham gia tố tụng do người thực hiện TGPL thực hiện đạt hiệu quả, có nhiều vụ án được tuyên mức án nhẹ hơn hoặc chuyển tội danh hay thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị trong cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân, đặc biệt có những vụ việc được tuyên trắng án, qua đó, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL.

- Hỗ trợ học phí cho viên chức của Trung tâm tại các địa phương có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn tham gia khóa đào tạo nghề luật sư

Nhằm nâng cao số lượng, chất lượng trợ giúp viên pháp lý, nhất là ở các địa phương có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, ngân sách trung ương đã hỗ trợ 171 viên chức của Trung tâm tham gia khóa đào tạo nghề luật sư với cam kết làm việc trong lĩnh vực TGPL tại Trung tâm ít nhất 02 năm kể từ khi đi đào tạo về, trong đó đã bổ nhiệm được 41 trợ giúp viên pháp lý từ những người đi học về, góp phần tạo nguồn phát triển đội ngũ người thực hiện TGPL để cung cấp dịch vụ TGPL kịp thời cho người được TGPL trên địa bàn. Số viên chức còn lại chưa được bổ nhiệm do đang trong thời gian tập sự TGPL hoặc đang chờ thi hết tập sự để hoàn thiện hồ sơ bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý theo quy định.

- Tăng cường năng lực cho người thực hiện TGPL tại các địa phương có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn

Để nâng cao năng lực cho đội ngũ người thực hiện TGPL, với sự hỗ trợ của ngân sách trung ương từ năm 2016 đến nay, Trung tâm ở các tỉnh có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc diện ngân sách trung ương hỗ trợ đã tổ chức 159 lớp tập huấn với 15.640 người tham dự nhằm trang bị cho đội ngũ người thực hiện TGPL nói chung các kiến thức chuyên sâu về pháp luật TGPL cũng như kỹ năng TGPL trong các lĩnh vực tố tụng hình sự, dân sự, hành chính và kỹ năng thực hiện TGPL cho một số đối tượng đặc thù như người khuyết tật, người nghèo, trẻ em... Giảng viên cũng đã đưa ra nhiều tình huống để các học viên trao đổi, thảo luận nhằm rút kinh nghiệm khi áp dụng trong thực tế. Bên cạnh đó, các tỉnh tự cân đối được ngân sách có các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn không thuộc diện ngân sách trung ương hỗ trợ cũng bảo đảm kinh phí cho các Trung tâm tổ chức 18 lớp tập huấn với 355 người tham dự nhằm tăng cường năng lực cho đội ngũ người thực hiện TGPL trên địa bàn.

- Truyền thông về TGPL tại các địa phương có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn

+ Thiết lập đường dây nóng về TGPL: Đến nay, hầu hết các địa phương có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn đã thiết lập đường dây nóng về TGPL. Số lượng các cuộc gọi yêu cầu giúp đỡ qua đường dây nóng đến nay đã tiếp nhận 6.812 lượt người dân gọi đến để phản ánh những khó khăn, vướng mắc về pháp luật phát sinh trong cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm đối tượng yếu thế tiếp cận pháp luật, tạo công bằng cho người dân khi thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định pháp luật và tiết kiệm được thời gian, công sức.

+ Xây dựng, phát chuyên trang, chuyên mục về TGPL bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc trên Đài truyền thanh xã: Bằng nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương, theo báo cáo chưa đầy đủ, các địa phương có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn đã xây dựng, phát hơn 20.000 chuyên trang, chuyên mục về TGPL bằng tiếng Việt và tiếng dân tộc trên đài truyền thanh xã. Đây là phương thức truyền thông giúp người dân biết về quyền được TGPL, thủ tục yêu cầu TGPL nhanh nhất. Để tháo gỡ khó khăn cho một số địa phương ở vùng sâu, vùng xa khi hệ thống đài truyền thanh xã chưa về tận thôn, bản, Bộ Tư pháp đã có hướng dẫn về việc sử dụng hệ thống đài truyền thanh huyện bảo đảm đúng quy định của pháp luật và bảo đảm quyền được tiếp cận dịch vụ TGPL của người dân.

+ Tổ chức các đợt truyền thông về TGPL ở cơ sở: Để triển khai hoạt động này, các tỉnh, thành phố có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn đã bố trí kinh phí cho các Trung tâm tổ chức 6.090 đợt truyền thông về TGPL ở cơ sở với 409.129 người tham dự.

Kết quả thực hiện chính sách TGPL trong các chương trình giảm nghèo đã có những tác động tích cực đến đời sống chính trị, kinh tế - xã hội cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Hàng trăm nghìn người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đã được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi có tranh chấp, vướng mắc pháp luật, qua đó nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật; góp phần thực thi quyền con người, quyền công dân; qua đó, khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước về xóa đói, giảm nghèo toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Thông qua hoạt động TGPL còn tích cực góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thức đẩy kinh tế - xã hội, phát triển.

2. Khó khăn, vướng mắc

Trong quá trình triển khai Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg, các địa phương vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, cụ thể như sau:

 - Nhận thức về TGPL của một số người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thường sinh sống tại vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Bên cạnh đó, hiệu quả công tác truyền thông về quyền được TGPL còn chưa cao, do đó vẫn còn ít người biết về dịch vụ TGPL và thông tin để liên hệ khi cần.

- Một số cơ quan, ban, ngành và chính quyền cơ sở còn chưa nhiệt tình phối hợp thực hiện các hoạt động TGPL. Sự phối hợp giữa Trung tâm và các cơ quan, tổ chức chưa thực sự hiệu quả nên việc giới thiệu và chuyển gửi vụ việc tham gia tố tụng chưa được thực hiện đầy đủ; sự phối hợp với cơ quan tài chính địa phương trong việc phân bổ kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương chưa thực sự nhịp nhàng, hiệu quả.

- Có địa phương được hỗ trợ kinh phí thực hiện vụ việc TGPL có tính chất phức tạp hoặc điển hình nhưng vẫn không đủ kinh phí để chi trả kịp thời cho người thực hiện TGPL hoặc cũng có nơi chưa được bố trí đủ số kinh phí do ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện vụ việc TGPL có tính chất phức tạp, điển hình mà số kinh phí này được điều chuyển để thực hiện các nhiệm vụ khác của địa phương. Trong giai đoạn đầu triển khai Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg vẫn còn có địa phương hiểu chưa đúng về quy định hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp, điển hình cho các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách, do đó không đề xuất hỗ trợ, trong khi đó kinh phí tại địa phương chưa bảo đảm được nên đã ảnh hưởng đến thù lao, bồi dưỡng cho người thực hiện TGPL, khó huy động họ tham gia các vụ việc TGPL có tính chất phức tạp, điển hình. Khâu dự toán vụ việc và kinh phí chưa sát với thực tế hoặc được bố trí chậm nên việc triển khai thực hiện và quyết toán phù hợp năm ngân sách chưa đáp ứng yêu cầu… Chưa có sự gắn kết trong việc đánh giá hiệu quả thực hiện hoạt động hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp, điển hình với tình hình hỗ trợ kinh phí nên hiệu quả chưa thực sự cao.

- Một số hoạt động chưa phù hợp với thực tiễn của địa phương nên khó triển khai trên địa bàn như: Hỗ trợ truyền thông về TGPL ở cơ sở 2.000.000đ/xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn 01 lần/năm, chưa phù hợp cho các địa bàn xa trung tâm; số lượng viên chức của Trung tâm được hỗ trợ học phí tham gia khóa đào tạo nghề luật sư mỗi năm chỉ được hỗ trợ tối đa là 02 người/Trung tâm; chưa có quy định về duy trì, bảo trì đường dây nóng cũng như cơ chế trực 24/24 theo đúng mục tiêu khi thiết lập đường dây nóng về TGPL nên số cuộc gọi đến đường dây nóng còn hạn chế trong thời gian qua…

- Ngân sách địa phương còn khó khăn, nên chưa hỗ trợ đủ kinh phí để thực hiện hoạt động truyền thông về TGPL ở cơ sở, xây dựng, phát chuyên trang, chuyên mục về TGPL bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc trên đài truyền thanh xã tại tất cả các xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg, do đó, hoạt động này chưa được thực hiện đồng bộ tại một số địa phương.

- Một số địa phương tự cân đối ngân sách có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn chưa bố trí kinh phí riêng hoặc bố trí kinh phí chưa đầy đủ để triển khai toàn bộ các hoạt động đặc thù theo Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg trên địa bàn.

3. Đề xuất, kiến nghị

Điều 4 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định: Nhà nước có chính sách để bảo đảm quyền được TGPL phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, trong khi đó TGPL là hoạt động hoàn toàn không có thu, người được TGPL hoàn toàn được miễn phí. Đến nay, việc triển khai các hoạt động theo Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg sắp kết thúc theo giai đoạn. Căn cứ ban hành Quyết định này cũng sắp được sửa đổi, thay thế (bao gồm Nghị quyết số 76/2014/QH13, Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, Nghị quyết số 80/NQ-CP) để chuẩn bị chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn mới. Trong các Báo cáo tổng kết thực hiện chính sách TGPL trong các Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2011- 2020 của các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách đều đề xuất tiếp tục hỗ trợ trong giai đoạn 2021 - 2026. Vì vậy, cần tiếp tục hoàn thiện quy định hỗ trợ kinh phí thực hiện chính sách về TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình giai đoạn 2021 - 2026 nhằm bảo đảm sự hỗ trợ mang tính liên tục cho các vụ việc TGPL bảo đảm tối đa quyền người được TGPL, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hoạt động TGPL theo hướng chất lượng, hiệu quả. Qua đó, thực hiện chủ trương giảm nghèo bền vững, yêu cầu của cải cách tư pháp, cải cách hành chính và phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập.

Để thực hiện mục tiêu đó, tác giả đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây:

- Nghiên cứu, xây dựng và sớm ban hành Nghị quyết về giảm nghèo cho giai đoạn sau năm 2020 để tạo cơ sở pháp lý cho các bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng và trình ban hành chính sách giảm nghèo thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước, bảo đảm tính liên tục của chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, trong đó có chính sách TGPL.

- Ban hành chính sách TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn sau 2020 theo hướng duy trì các hoạt động còn phù hợp và sửa đổi, bổ sung các hoạt động của Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg đã không còn phù hợp với thực tiễn, bảo đảm hiệu quả của công tác TGPL.

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn tiếp tục tạo điều kiện và quan tâm tới công tác TGPL, bảo đảm nguồn lực (nhân lực và kinh phí) nhằm kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích của người được TGPL theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017.

- Tiếp tục nghiên cứu và đổi mới để phát huy tốt mọi nguồn lực của xã hội cho hoạt động TGPL, làm tăng sự cạnh tranh giữa tổ chức thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân trong xã hội tham gia TGPL. Đặc biệt, chú trọng đến sự tham gia và chất lượng dịch vụ do các tổ chức tham gia TGPL cung cấp.

- Tăng cường vai trò chỉ đạo, quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về TGPL: Bộ Tư pháp tiếp tục giữ vai trò chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện; tổng hợp dự toán do các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách đề nghị và lập phương án phân bổ ngân sách nhà nước hỗ trợ. Vai trò Sở Tư pháp đối với công tác TGPL tại địa phương cần được phát huy tối đa hơn nữa trong việc dự toán kinh phí; trong việc phối hợp với cơ quan tài chính tại địa phương triển khai, theo dõi việc thực hiện phân bổ, sử dụng kinh phí hỗ trợ và hiệu quả hoạt động hỗ trợ trên địa bàn. Tăng cường sự kết nối giữa trung ương - địa phương, cơ quan quản lý nhà nước - tổ chức thực hiện TGPL, cơ quan cấp kinh phí - cơ quan nhận kinh phí - người thụ hưởng chính sách.

- Phối hợp nhịp nhàng với cơ quan tài chính tại địa phương để nâng cao nhận thức của họ trong việc phân bổ kinh phí cho hoạt động TGPL.

- Cải cách thủ tục hành chính về TGPL, trong đó có cải cách về thủ tục thanh toán thực hiện vụ việc TGPL cần theo hướng bảo đảm minh bạch, công khai và đơn giản hóa tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện TGPL.

- Trong bối cảnh đang xây dựng Chính phủ điện tử, cần tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin qua hệ thống quản lý tổ chức và hoạt động TGPL nhằm nắm bắt, theo dõi, lưu giữ, tra cứu và quản lý được toàn bộ các thông tin về tổ chức và hoạt động của 63 tỉnh, thành phố trong toàn quốc; nâng cấp hệ thống quản lý tổ chức và hoạt động TGPL liên thông với các vụ việc đang thực hiện của cơ quan tiến hành tố tụng để đánh giá chất lượng TGPL.

- Về lâu dài, khi đất nước ngày càng phát triển, các chương trình giảm nghèo không còn nữa, cần nghiên cứu giải pháp để quy định của khoản 2 Điều 5 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017: Đối với địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, ưu tiên bố trí ngân sách từ số bổ sung cân đối ngân sách hằng năm để hỗ trợ cho việc thực hiện vụ việc TGPL phức tạp, điển hình, đi vào thực tiễn.

Thạc sĩ TRỊNH THỊ THANH - Cục Trợ giúp pháp lý
Thạc sĩ ĐỖ ANH DŨNG - Học viện Cảnh sát nhân dân

 (Tạp chí Dân chủ và Pháp luật)

Tạp chí Luật sư Việt Nam chung tay ‘sưởi ấm’ Tết vùng cao

Lê Minh Hoàng