/ Trao đổi - Ý kiến
/ Một số vấn đề pháp lý liên quan đến đình chỉ thi hành án dân sự

Một số vấn đề pháp lý liên quan đến đình chỉ thi hành án dân sự

27/01/2021 15:48 |

(LSVN) - Thuật ngữ "đình chỉ" có nghĩa là chấm dứt, không tiếp tục một công việc nhất định. Trong thi hành án dân sự, khái niệm "đình chỉ thi hành án" được hiểu là việc cơ quan Thi hành án dân sự mà cụ thể là Thủ trưởng cơ quan bằng một quyết định cụ thể làm chấm dứt một quan hệ thi hành án cụ thể hay nói cách khác là chấm dứt vai trò của Chấp hành viên đối với việc thi hành án đó khi có một trong các căn cứ do pháp luật quy định.

Trong một số trường hợp, việc đình chỉ thi hành án chỉ làm chấm dứt một quan hệ pháp luật thi hành án mà không làm thay đổi hay chấm dứt các quyền, nghĩa vụ đã được ấn định trong bản án, quyết định.

Về cơ sở pháp lý, các căn cứ để Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định đình chỉ thi hành án được quy định tại Điều 50 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014:

"1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định đình chỉ thi hành án trong các trường hợp sau đây:

a) Người phải thi hành án chết không để lại di sản hoặc theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế;

b) Người được thi hành án chết mà theo quy định của pháp luật quyền và lợi ích của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế hoặc không có người thừa kế;

c) Đương sự có thoả thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự không tiếp tục việc thi hành án, trừ trường hợp việc đình chỉ thi hành án ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba;

d) Bản án, quyết định bị hủy một phần hoặc toàn bộ;

đ) Người phải thi hành án là tổ chức đã bị giải thể, không còn tài sản mà theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của họ không được chuyển giao cho tổ chức khác;

e) Có quyết định miễn hoặc giảm một phần nghĩa vụ thi hành án;

g) Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với người phải thi hành án;

h) Người chưa thành niên được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định đã thành niên.

2. Thời hạn ra quyết định đình chỉ thi hành án là 05 ngày làm việc, kể từ ngày có căn cứ đình chỉ thi hành án theo quy định tại khoản 1 Điều này".

Thứ nhất, người phải thi hành án chết không để lại di sản hoặc theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế.

Đối với cả các nghĩa vụ có thể chuyển giao hay không thể chuyển giao cho người khác, chỉ cần xác định được người phải thi hành án đã chết (về mặt pháp lý nhất thiết phải có giấy chứng tử của UBND cấp xã nơi người phải thi hành án chết cấp) mà không có di sản để lại thì hồ sơ thi hành án chỉ cần thu thập được giấy chứng tử và biên bản xác minh tài sản của Chấp hành viên là hoàn toàn có đủ căn cứ ra quyết định đình chỉ thi hành án.

Trong trường hợp đặc thù của loại nghĩa vụ mà người phải thi hành án phải thực hiện được pháp luật quy định nghĩa vụ đó chỉ gắn với người phải thi hành án mà không ai được thực hiện thay. Ví dụ: khoản 1 Điều 50 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: "... nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác". Dù người phải thi hành án chết có để lại di sản đi nữa thì trên thực tế điều này cũng không có giá trị, cơ quan thi hành án dân sự có đủ căn cứ để ra quyết định đình chỉ thi hành án.

Thứ hai, người được thi hành án chết mà theo quy định của pháp luật quyền và lợi ích của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế hoặc không có người thừa kế

Pháp luật đã có quy định quyền và lợi ích của người được thi hành án theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người khác. Tương tự như quy định ở trên, trường hợp quyền và lợi ích chỉ được trao cho một người nhất định, người khác không thể thụ hưởng thay khi người đó chết đi. Trong quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì khi người được cấp dưỡng chết thì quyền được cấp dưỡng cũng mất và quan hệ cấp dưỡng cũng sẽ chấm dứt.

Bên cạnh đó, khi quyền và lợi ích của người được thi hành án có thể chuyển giao cho người khác nhưng lại không có người thừa kế thụ hưởng quyền này thì để đình chỉ thi hành án thuộc trường hợp này, sau khi xác định người được thi hành án đã chết còn phải xác định rõ có hay không có những người thừa kế theo quy định tại Chương 23 và 24 Bộ luật Dân sự 2014.

Mặt khác, theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC quy định vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự do Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành thì:

"Đối với trường hợp đình chỉ thi hành án do người được thi hành án chết mà không có người thừa kế thì phải xác minh qua chính quyền địa phương, cơ quan quản lý hộ khẩ, nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được thi hành án. Kết quả xác minh thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương để người có quyền, nghĩa vụ liên quan biêt và bảo về lợi ích của họ. Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo công khai hợp lệ mà không có người khiếu nại thì được coi là có căn cứ đình chỉ thi hành án".

Như vậy, nếu rơi vào trường hợp này, mặc dù đã xác định qua các cơ quan có thẩm quyền rằng người được thi hành án không có người thừa kế thì cũng không thể vội vàng đề xuất ra quyết định đình chỉ thi hành án được mà phải thực hiện việc thông báo công khai nội dung xác minh trên đài, báo ở Trung ương và phải đợi ít nhất là 30 ngày kể từ ngày thông báo hợp lệ mà không có người khiếu nại thì mới có thể coi là có căn cứ đình chỉ được.

Thứ ba, đương sự có thoả thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự không tiếp tục việc thi hành án, trừ trường hợp việc đình chỉ thi hành án ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba

Bản chất đây là một trường hợp thoả thuận trong thi hành án dân sự nên nội dung và hình thức thoả thuận cũng phải tuân thủ các quy định chung về thoả thuận thi hành án theo quy định của pháp luật. Cần lưu ý là dù nội dung thoả thuận thế nào thì cũng phải thể hiện được ý kiến thống nhất của cả người được thi hành án và người phải thi hành án là yêu cầu cơ quan thi hành án không tiếp tục việc thi hành án nữa. Chỉ khi có nội dung này thì cơ quan thi hành án mới có thể đình chỉ thi hành án mà không vướng phải những vấn đề phát sinh sau này do các bên thay đổi ý kiến đã thoả thuận.

Thực tiễn thi hành đã xảy ra trường hợp đương sự cùng nhau đến cơ quan thi hành án yêu cầu lập biên bản thoả thuận thi hành án. Trong nội dung thoả thuận đã ghi nhận trong biên bản là giữa các bên đã thống nhất được với nhau về việc thi hành án, theo đó bên phải thi hành án sẽ tự giác thực hiện nghĩa vụ theo đúng bản án. Tuy nhiên, trong nội dung thỏa thuận không ghi nhận ý kiến của các bên là yêu cầu cơ quan thi hành án không tiếp tục tổ chức thi hành án nữa. Sau đó một thời gian, người được thi hành án lại khiếu nại quyết định đình chỉ vì không có căn cứ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Trong tình huống này, cần giải thích rõ cho đương sự biết nếu các bên đã thực sự thống nhất với nhau để tự thi hành thì phải thể hiện rõ quan điểm là yêu cầu cơ quan thi hành án không tiếp tục việc thi hành án nữa thì mới có thể đình chỉ.

Trong trường hợp người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án không tiếp tục tổ chức thi hành nữa, trừ trường hợp việc đình chỉ thi hành án ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba. Ở đây chỉ cần ý kiến đơn phương bằng văn bản của người được thi hành án mà không cần phải là ý kiến thống nhất của cả hai bên đương sự. Nội dung cần thâu tóm trọng tâm vẫn phải là việc yêu cầu cơ quan thi hành án không tiếp tục tổ chức thi hành nữa.

Thứ tư, bản án, quyết định bị hủy một phần hoặc toàn bộ

Đối với bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật (hoặc bản án, quyết định sơ thẩm được đưa ra thi hành ngay theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014 và bản án, quyết định phúc thẩm, cơ quan thi hành án dân sự đang tổ chức thi hành mà có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì nếu bản án chưa được thi hành xong một phần hoặc toàn bộ (thường kèm theo Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm) sẽ có nội dung tạm đình chỉ thi hành án. cơ quan thi hành án dân sự phải thực hiện theo đúng quy định tại Điều 49 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014. Sau khi có Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm quyết định huỷ một phần hay toàn bộ bản án mà cơ quan thi hành án dân sự đang tổ chức thi hành thì cơ quan thi hành án sẽ áp dụng căn cứ nêu trên để ra quyết định đình chỉ thi hành án.

Như vậy cần lưu ý căn cứ vào quy định bản án, quyết định đã bị huỷ một phần hoặc toàn bộ để đình chỉ thi hành án chỉ trong trường hợp bản án, quyết định đó chưa được tổ chức thi hành xong toàn bộ và cơ quan thi hành án chỉ ra quyết định đình chỉ thi hành án đối với phần bản án, quyết định chưa được thi hành hoặc toàn bộ bản án, quyết định nếu bản án, quyết định đó chưa thi hành được phần nào.

Thứ năm, người phải thi hành án là tổ chức đã bị giải thể, không còn tài sản mà theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của họ không được chuyển giao cho tổ chức khác

Việc giải thể đối với tổ chức và xác định khi nào thì tổ chức được coi là giải thể được thực hiện theo các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động hoặc tại Điều lệ hoạt động của chính tổ chức đó. Khi tổ chức thi hành án đối với trường hợp này, Chấp hành viên cần nghiên cứu các quy định tại Luật Doanh nghiệp, Luật Các tổ chức tín dụng... và điều lệ của tổ chức đó để xác định và thu thập căn cứ chứng minh tổ chức đó đã bị giải thể.

Thông thường, trong quyết định hoặc thông báo giải thể, tổ chức bị giải thể bao giờ cũng có kế hoạch để xử lý các khoản nợ. Chấp hành viên cần nhanh nhạy trong việc nắm bắt kịp thời các thông tin này và liên hệ trực tiếp với bộ phận phụ trách giải quyết nợ của tổ chức đó để có thể giải quyết nghĩa vụ mà tổ chức đó phải thực hiện theo bản án, quyết định hoặc xác minh về các tài sản của tổ chức đó sau khi giải thể để làm căn cứ xử lý tiếp theo.

Bên cạnh đó, tuỳ thuộc vào từng loại nghĩa vụ cụ thể theo bản án, quyết định để Chấp hành viên xác định nghĩa vụ đó có thể được chuyển giao cho tổ chức khác thực hiện hay không hoặc cũng cần phải xác định có tổ chức nào có thể tiếp nhận nghĩa vụ của tổ chức đã bị giải thể hay không. Nếu nghĩa vụ có thể chuyển giao và cũng có tổ chức được chuyển giao nghĩa vụ thì Chấp hành viên cần căn cứ quy định tại điểm d khoản 1 Điều 54 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014 thực hiện chứ không thể đình chỉ thi hành án được.

Thứ sáu, có quyết định miễn hoặc giảm một phần nghĩa vụ thi hành án

Căn cứ này tương đối rõ ràng và Chấp hành viên cũng chỉ cần căn cứ quyết định miễn, giảm thi hành án của Toà án để đề xuất đình chỉ thi hành án đối với toàn bộ nghĩa vụ được miễn hoặc phần nghĩa vụ được giảm.

Việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án hiện nay khi thực hiện căn cứ vào các quy định tại Nghị quyết số 24/2008/QH12 về việc thi hành Luật Thi hành án dân sự do Quốc hội ban hành, Điều 61, 62, 63 và 64 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014.

Thứ bảy, Toà án ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với người phải thi hành án

Căn cứ này áp dụng đối với người phải thi hành án là doanh nghiệp và hợp tác xã, trình tự, thủ tục phá sản đối với các đối tượng này chịu sự điều chỉnh của Luật Phá sản năm 2014.

Toà án khi thụ lý yêu cầu tuyên bố phá sản không thể biết rằng doanh nghiệp, hợp tác xã đó đang phải thực hiện nghĩa vụ theo bản án, quyết định khác do đó không thể thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự biết. Chấp hành viên cần tận dụng mọi nguồn và kênh thông tin liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã đang là đối tượng phải thi hành án. Có thể thông qua cơ quan quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã và cả đối với Toà án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã đó để kịp thời nắm bắt thông tin sau đó xử lý theo đúng quy định.

Cũng cần lưu ý, Chấp hành viên cần thu thập được quyết định của Toà án về việc mở thủ tục phá sản đối với người phải thi hành án để lưu vào hồ sơ thi hành án, tránh trường hợp nghe thấy thông tin chưa phản ánh vào hồ sơ thi hành án đã đề xuất ra quyết định đình chỉ thi hành án không triệt để.

Thứ tám, người chưa thành niên được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định đã thành niên

Về việc thi hành nghĩa vụ giao người chưa thành niên nuôi dưỡng có những đặc thù và khó khăn nhất định. Do đó, Luật Thi hành án dân sự đã dự liệu đến tình huống việc kéo dài thời gian tổ chức thi hành nghĩa vụ giao người chưa thành niên cho người khác nuôi dưỡng là điều tất yếu và cơ chế để cơ quan thi hành án dân sự có thể kết thúc việc thi hành án này là đình chỉ thi hành án khi người được giao nuôi dưỡng đã thành niên.

Trong thực tiễn hiện nay có một số Chấp hành viên và cơ quan thi hành án dân sự lúng túng trong việc áp dụng căn cứ này khi rơi vào trường hợp nghĩa vụ theo bản án, quyết định là giao người chưa thành niên cho một người nuôi dưỡng, vụ việc đang trong giai đoạn tổ chức thi hành thì người chưa thành niên chết. Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn hiện nay không có quy định nào để giải quyết trường hợp này.

Sau khi thu thập được một trong các căn cứ đã nêu ở trên, Chấp hành viên cần lưu ý thời hạn đã được quy định để đề xuất Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định đình chỉ thi hành án trong thời hạn tối đa 05 ngày làm việc, kể từ ngày Chấp hành viên xác minh, thu thập được những thông tin là căn cứ để đình chỉ thi hành án.

Ngoài căn cứ pháp lý để đình chỉ thi hành án được quy định tại Điều 50 Luật Thi hành án dân sự còn một số quy định rải rác tại các điều Luật khác liên quan đến đình chỉ thi hành án như Điều 132 Luật Thi hành án dân sự quy định chi tiết về trình tự, thủ tục đình chỉ thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Toà án. Cụ thể sẽ được phân tích trong bài viết về thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

YÊN CHI

Vi phạm quy định bầu cử sẽ bị xử lý như thế nào? 

Lê Minh Hoàng