Ảnh minh họa.
Tư vấn về vấn đề trên, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, PGĐ Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, Điều 19, Luật Căn cước công dân 2014 đã quy định rõ:
"1. Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ CCCD.
2. Số thẻ CCCD là số định danh cá nhân".
Như vậy, từ đủ 14 tuổi là người dân được làm thẻ CCCD. Đồng thời căn cứ theo Điều 5, Thông tư 59/2019/TT-BTC, khi làm CCCD lần đầu, người dân sẽ không phải nộp lệ phí cấp.
Căn cứ Điều 21, Luật Căn cước công dân, thẻ CCCD chỉ có hiệu lực trong một khoảng thời gian nhất định. CCCD cấp lần đầu có hiệu lực đến khi đủ 25 tuổi thì phải đi làm lại. Tương tự, các lần sau sẽ phải làm lại vào năm đủ 40 tuổi, 60 tuổi.
Trường hợp CCCD được cấp/đổi/cấp lại trong thời hạn 02 năm trước độ tuổi như trên thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.
Luật Căn cước công dân không có yêu cầu bắt buộc phải làm căn cước ngay khi 14 tuổi. Tuy nhiên, người đủ tuổi làm CCCD nên sắp xếp thời gian sớm nhất để làm thủ tục cấp thẻ căn cước.
Đủ tuổi nhưng không làm Căn cước công dân, xử lý thế nào?
Làm CCCD khi đủ tuổi vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của mỗi công dân. Bởi lẽ, CCCD là loại giấy tờ chứng minh nhân thân quan trọng, được sử dụng trong hầu hết các giao dịch và thủ tục hành chính tại Việt Nam.
Để quản lý việc sử dụng CCCD, Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định:
"1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:
a) Không xuất trình Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền;
b) Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân…".
Theo quy định trên, khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền nhưng không có CCCD/CMND, người bị kiểm tra có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 500.000 đồng.
Thông thường, các trường hợp bị kiểm tra Căn cước công dân chỉ xảy ra khi có hành vi vi phạm pháp luật hay nghi ngờ vi phạm.
Ngoài ra, một số người cho rằng, khi bị kiểm tra Căn cước công dân nhưng không có thì sẽ bị “bắt” - tạm giữ hành chính. Đây là nhận định chủ quan và không chính xác.
Theo Điều 16, Nghị định 142/2021/NĐ-CP, chỉ có 05 trường hợp bị tạm giữ hành chính là:
- Trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi gây rối trật tự, gây thương tích cho người khác.
- Trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
- Trường hợp thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng/cơ sở giáo dục bắt buộc/cơ sở cai nghiện bắt buộc.
- Trường hợp vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
- Trường hợp xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy.
Như vậy, ngoài các trường hợp nêu trên, người không mang CCCD sẽ không bị tạm giữ hành chính mà Công an chỉ mời về để xác minh nhân thân.
VŨ TRẦN
Niêm phong, mở niêm phong vật chứng cần đảm bảo những nguyên tắc nào?