/ Pháp luật - Đời sống
/ Niêm phong, mở niêm phong vật chứng cần đảm bảo những nguyên tắc nào?

Niêm phong, mở niêm phong vật chứng cần đảm bảo những nguyên tắc nào?

17/05/2022 10:23 |2 năm trước

(LSVN) - Niêm phong và mở niêm phong vật chứng là hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng. Vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, niêm phong, mở niêm phong vật chứng cần đảm bảo những nguyên tắc nào?

  Ảnh minh họa. 

Căn cứ theo Điều 89 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án. Theo đó, tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 127/2017/NĐ-CP, niêm phong vật chứng là việc bảo đảm tính nguyên vẹn của vật chứng bằng cách:

- Đưa vật chứng vào trạng thái được bảo vệ an toàn, bao gồm gói, đóng hộp, đưa vào thùng, chai, lọ và các hình thức khác (gọi là đóng gói, đóng kín) và dán giấy niêm phong đè lên những phần có thể mở để lấy, đổi vật chứng hoặc có thể tác động làm thay đổi tính nguyên vẹn của vật chứng;

- Đối với vật chứng có khối lượng, kích thước lớn hoặc không thể di chuyển được thì dán giấy niêm phong lên từng phần hoặc trên những bộ phận quan trọng của vật chứng;

- Đối với một số loại vật chứng có thể sử dụng khóa, kẹp dây chì, dây thép và các hình thức khác để bao bọc vật chứng sau đó dán giấy niêm phong.

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 127/2017/NĐ-CP, mở niêm phong vật chứng là gỡ giấy niêm phong và mở đóng gói hoặc đóng kín vật chứng đối với vật chứng được đóng gói hoặc đóng kín; gỡ giấy niêm phong đối với vật chứng không đóng gói hoặc không đóng kín hoặc không di chuyển được.

Về nguyên tắc niêm phong, mở niêm phong vật chứng, Điều 4 Nghị định 127/2017/NĐ-CP quy định như sau:

- Chỉ thực hiện niêm phong, mở niêm phong vật chứng khi có yêu cầu phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;

- Bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, hình thức, thẩm quyền theo quy định của pháp luật và quy định của Nghị định 127/2017/NĐ-CP;

- Bảo đảm nhanh chóng, kịp thời; bảo đảm tôn trọng lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

- Bảo đảm tính nguyên vẹn của vật chứng.

Ngoài ra, Điều 5 Nghị định 127/2017/NĐ-CP quy định, mọi vật chứng sau khi thu thập phải được niêm phong, trừ các trường hợp sau: Vật chứng là động vật, thực vật sống; Vật chứng là tài liệu được đưa vào hồ sơ vụ án; Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản; Những vật chứng khác mà cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng xét thấy không cần thiết phải niêm phong.

PV

Doanh nghiệp không xác nhận bảo hiểm thất nghiệp xử phạt thế nào?

Lê Minh Hoàng