Tiến sĩ, Luật sư Lê Ngọc Khánh, Hãng Luật TGS.
Mới đây, Công an phường Bình Chuẩn, TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương cho biết, đang củng cố hồ sơ chuyển công an thành phố xử lí đối tượng Lê Hoài Nam (29 tuổi, quê TP. HCM) về hành vi bạo hành trẻ em. Đây là người đàn ông đánh đập dã man bé trai trong video lan truyền mạng xã hội vào tối ngày 04/8.
Cụ thể, đoạn video dài 4 phút 7 giây quay lại cảnh một người đàn ông đánh đập dã man bé trai không mặc quần áo. Người đàn ông này liên tục dùng tay, chân để tát và đá đứa bé mặc cho cháu la khóc, van xin cầu cứu mẹ. Không dừng lại, người đàn ông còn có hành vi nắm đứa bé, quăng lên quăng xuống nệm.
Trong video còn xuất hiện một người phụ nữ nhưng người này không đến can ngăn. Đến gần cuối đoạn video mới thấy chị ta đến can ngăn, ôm đứa bé song người đàn ông liền xông vào đòi đánh tiếp.
Về sự việc này, Tiến sĩ, Luật sư Lê Ngọc Khánh, Hãng Luật TGS cho biết hành vi bạo hành đứa trẻ mới 5 tuổi của người cha dượng là hành vi rất đáng bị lên án. Theo khoản 6 Điều 4 Luật Trẻ em 2016, bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.
Theo Điều 6 Luật Trẻ em 2016, một trong những hành vi bị cấm là bạo hành, bạo lực trẻ em. Do đó, người cha dượng có hành vi bạo lực đối với bé trai sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Tùy theo động cơ, mục đích và mức độ nghiêm trọng của hậu quả để lại, người thực hiện hành vi bạo hành trẻ em có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử phạt hành chính
Khoản 2 Điều 27 của Nghị định 144/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em quy định, phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với các hành vi xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em; Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, sao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em; Dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em làm trẻ em tổn thương, đau đớn về thể xác, tinh thần. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm.
Về truy cứu trách nhiệm hình sự
Căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành, bé trai bị bạo hành dù có bị thương hay không thì vẫn đủ yếu yếu tố để truy cứu trách nhiệm hình sự người đã đánh đập bé. Tuy nhiên, trước hết cơ quan điều tra cần cho cháu bé đi thăm khám, giám định thương tích để xác định hậu quả thương tích mà kẻ bạo hành đã gây ra. Từ đó, có căn cứ để định danh đúng người, đúng tội theo quy định của pháp luật.
Trường hợp giám định em bé có thương tích (dù dưới 11%) thì người cha dượng vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" theo Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 vì các tình tiết như: cố ý gây thương tích đối với người dưới 16 tuổi; có tính chất côn đồ… Tùy vào mức độ thương tích mà người cha dượng sẽ phải chịu hình phạt theo các khung khoản mà điều luật này đã quy định.
Trường hợp cha dượng không gây ra thương tích cho cháu bé, giữa hai người không có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng vì cha và mẹ bé không thuộc mối quan hệ hôn nhân gia đình thì người cha dượng cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Hành hạ người khác" theo Điều 140, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Còn với trường hợp người bạo hành và cháu bé có mối quan hệ cha con thì người cha dượng có thể bị xử lý hình sự về tội "Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình" theo Điều 185, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Tuy nhiên, dù người cha dượng trong trường hợp này bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì tội danh gì thì đây cũng là hành vi rất tàn bạo và đáng lên án, cần được xử lý kịp thời và nghiêm minh.
Người mẹ trong vụ việc có bị xử lý không?
Có thể thấy trong vụ việc trên người mẹ đã biết và nhìn thấy hành vi ngược đại, bạo hành của người cha đối với con mình trong thời gian qua nhưng không tố giác hay trình báo với cơ quan chức năng. Liên quan đến vấn đề này, tại khoản 1 Điều 390 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định như sau: “Người nào biết rõ… một trong các tội phạm quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm".
Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 19 của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: “Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.
Do đó trong trường hợp này người phụ nữ là vợ của người phạm tội nên sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Không tố giác tội phạm".
Tuy nhiên, xét dưới góc độ đạo đức, thấy người chồng hành hạ ngược đãi con trai mình như vậy mà người mẹ không hề can ngăn thì đây là hành vi không thể chấp nhận được và cần phải lên án.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ, Luật sư Lê Ngọc Khánh, Hãng Luật TGS cho rằng trẻ em là đối tượng được pháp luật và xã hội đặc biệt bảo vệ. Luật Trẻ em năm 2016, Luật Hôn nhân và gia đình, và các văn bản pháp luật liên quan đều đã quy định trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội đối với việc chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em. Tuy nhiên, trong xã hội vẫn xuất hiện rất nhiều trường hợp trẻ em bị bạo hành, có những trường hợp xuất phát từ chính những người thân trong gia đình. Điều đó đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng, danh dự và tinh thần của trẻ.
Vì vậy, các cơ quan chức năng cần phải phối hợp với nhau để ngăn chặn nạn bạo hành trẻ em xảy ra trong xã hội, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp bạo hành trẻ. Một mặt để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, mặt khác răn đe các đối tượng đang nhen nhóm tư tưởng bạo hành trẻ em. Đồng thời, các cơ quan, tổ chức bảo vệ trẻ em cũng cần thực hiện các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, sử dụng phương pháp tư vấn tại cơ sở hoặc cộng đồng đến các gia đình trong xã hội về tinh thần trách nhiệm, chăm sóc, dạy bảo con em của mình. Việc ngăn chặn nạn bạo hành trẻ em không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà là trách nhiệm của mỗi người dân, vì vậy, mọi người cũng cần tích cực lên án và đấu tranh, trình báo ngay với các cơ quan chức năng khi phát hiện, chứng kiến sự bạo hành trẻ em ở bất cứ đâu để kịp thời ngăn chặn, xử lý. Có như vậy, chúng ta mới có thể ngăn chặn được hành vi bạo hành trẻ em, đảm bảo không đứa trẻ nào trở thành nạn nhân của nạn bạo hành, tạo môi trường phát triển lành mạnh cả về thể xác lẫn tinh thần cho con trẻ.
NGỌC LINH
Bàn về tội "Vi phạm chế độ một vợ, một chồng" theo quy định của Bộ luật Hình sự