/ Luật sư - Bạn đọc
/ Một số vấn đề pháp lý xung quanh hoạt động của các sàn ngoại hối trái phép

Một số vấn đề pháp lý xung quanh hoạt động của các sàn ngoại hối trái phép

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Không gian mạng nhộn nhịp là mảnh đất màu mỡ cho các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó có lừa đảo từ hoạt động các sàn ngoại hối trái phép.

Thời gian gần đây thị trường ngoại hối, hay còn gọi là các sàn forex hoạt động rầm rộ trên không gian mạng, nhiều người tham gia đầu tư nhưng không hiểu rõ về loại hình này, có người quan niệm tham gia như một trò đánh bạc, như một dạng mô hình đa cấp biến tướng, bên cạnh đó có những người vì lợi nhuận đã quảng cáo, giới thiệu trái phép hoạt động ngoại hối này.

Thị trường ngoại hối (Forex, FX, hoặc thị trường tiền tệ) là một thị trường phi tập trung toàn cầu cho việc trao đổi các loại tiền tệ. Nó cũng hỗ trợ đầu cơ trực tiếp trong giá trị của các tiền tệ, và carry trade, một dạng đầu cơ dựa trên sự chênh lệch lãi suất giữa hai loại tiền tệ.

Hoạt động được thực hiện thông qua các sàn giao dịch mà ở đó hoạt động mua, bán diễn ra nhộn nhịp. Về bản chất thì Forex (ngoại hối) – là sự trao đổi tiền tệ trên thị trường tài chính toàn cầu (viết tắt của từ tiếng Anh - FOReign EXchange). Khởi điểm của thị trường Forex là vào năm 1976 sau khi nền kinh tế toàn cầu đã chuyển mình từ "tiêu chuẩn vàng" sang trao đổi tự do tiền tệ. Bước tiến này được xuất phát từ nhu cầu thực tế về việc cần thiết của việc luân chuyển tiền tệ tự do giữa các quốc gia với nhau. Mục đích ban đầu của Forex – chỉ là trao đổi tiền tệ, nhưng theo thời gian mọi người đã học được cách kiếm tiền trên sự khác biệt của tỷ giá hối đoái và những sự đầu tư này đã trở thành nguồn thu nhập không nhỏ đối với nhiều người. Đơn giản vì tỷ giá hối đoái là rất không ổn định, làm cho việc mua và bán các loại tiền tệ là rất có lợi nhuận. Quan trọng hơn hết là thực hiện giao dịch tại một sàn Forex uy tín và lâu năm trên thị trường tài chính thế giới.

Đây là một lĩnh vực đặc thù, là một loại hình kinh doanh có điều kiện, có sự quản lý của nhà nước. Trong lĩnh vực này hiệu quả kinh doanh phụ thuộc nhiều vào trình độ công nghệ, sự hiểu biết thị trường tài chính quốc tế đặc biệt là tính nhanh nhạy trong các quyết định kinh doanh, vì thế, mảng Forex ở nước ta hiện nay mới chỉ được NHNN cấp phép cho các tổ chức tín dụng, trong đó các tổ chức tài chính lớn như ngân hàng nước ngoài, các công ty tài chính quốc tế là những tổ chức hoạt động hiệu quả nhờ có nhiều thế mạnh về trình độ và kỹ thuật. Đối với các tổ chức tín dụng trong nước, chỉ có một vài cái tên có kết quả kinh doanh mang lại hiệu quả cao trong lĩnh vực này là Vietcombank, STB...

Thế nhưng, ở Việt Nam hiện nay rất nhiều đối tượng thực hiện hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng đã chuyển sang lĩnh vực này, mua các trang Web của nước ngoài, hướng dẫn người chơi tham gia các sàn Forex này. Họ hứa hẹn lợi nhuận khủng, cam kết bảo toàn vốn và thường xuyên đăng tải những thông tin về những người chơi thành công, mua nhà, mua xe, lợi nhuận mỗi tháng vài chục phần trăm. Các đối tượng đầu tư thuê những mặt bằng rộng, huy động hàng trăm nhân viên để thực hiện các hoạt động marketing, tìm kiếm khách hàng và tạo một vỏ bọc hào nhoáng cho mọi người tin tưởng đây là một loại hình kinh doanh mới, đa quốc gia và siêu lợi nhuận. Các đối tượng đưa ra thông tin gian dối là các đồng tiền kĩ thuật số mà người chơi bỏ tiền ra mua có thể đổi lại thành đô la Mỹ hoặc tiền mặt Việt Nam đồng. Các đối tượng sử dụng mô hình kinh doanh đa cấp để phát triển hệ thống, lấy tiền của người vào sau, trả cho người vào trước. Mục đích là đánh vào sự nhẹ dạ cả tin và lòng tham của người chơi nên các đối tượng cho người chơi thắng những lần đầu, thành ham, cuối cùng can thiệp vào lệnh, can thiệp vào hệ thống để điều chỉnh kết quả chơi. Khi người chơi có nhiều tiền trong tài khoản thì các đối tượng can thiệp vào các lệnh khiến cho người chơi liên tục thua cho đến khi hết tiền. Khi chiếm đoạt được tiền của nhiều bị hại, đến một thời điểm nhất định thì các đối tượng đánh sập hệ thống, chiếm đoạt tiền rồi bỏ trốn.

Dưới góc độ pháp lý thì các tổ chức, cá nhân mua các trang Web của nước ngoài hoặc tự lập những trang Web của nước ngoài để thực hiện hoạt động ngoại hối, thực hiện việc mua bán trên các sàn Forex do họ tự lập là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này thiếu sự quản lý, cho phép của cơ quan chức năng nên được xác định là hành vi vi phạm pháp luật, nếu có yếu tố chiếm đoạt tiền của người tham gia thì người điều hành sàn Forex “giả” và các đối tượng có liên quan sẽ bị các định đây là hành lừa đảo chiếm đoạt tài sản (sử dụng mạng viễn thông, mạng internet để gian dối, chiếm đoạt tài sản của nhiều người với số tiền hàng trăm thậm chí hàng ngàn tỷ đồng) nên các đối tượng vi phạm sẽ bị xử lý về tội "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản của người khác" theo Điều 290 Bộ luật Hình sự năm 2015, cụ thể như sau:  

Điều 290. Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản 

1. Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử thực hiện một trong những hành vi sau đây, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 173 và Điều 174 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;

b) Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;

c) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;

d) Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản;

đ) Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Có tính chất chuyên nghiệp;

d) Số lượng thẻ giả từ 50 thẻ đến dưới 200 thẻ;

đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

e) Gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

c) Số lượng thẻ giả từ 200 thẻ đến dưới 500 thẻ.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên;

c) Số lượng thẻ giả 500 thẻ trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

Như vậy, đối với các đối tượng đã tự lập các sàn Forex giả, hoạt động không có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền, đưa ra những thông tin gian dối, sử dụng thủ đoạn gian dối để nhằm chiếm đoạt tiền của những người nhẹ dạ cả tin thì hành vi này sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 290 Bộ luật Hình sự năm 2015. Với số tiền chiếm đoạt từ 500.000.000 đồng trở lên thì đối tượng vi phạm sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm theo khoản 4, Điều 290 Bộ luật Hình sự năm 2015 nêu trên. Người phạm tội còn có thể bị phạt bổ sung là phạt tiền đến 100.000.000 đồng, cấm làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp.

Có thể nói rằng, những năm gần đây việc sử dụng thiết bị thông minh có kết nối internet, sử dụng các nền tảng công nghệ, nền tảng số khiến việc tiếp cận đối với mạng viễn thông, mạng internet rất dễ dàng, nhanh chóng và tiện lợi. Số lượng người sử dụng phương tiện điện tử thông minh có kết nối internet ngày càng nhiều. Cùng với việc quản lý không gian mạng vẫn còn nhiều sơ hở, việc sử dụng đồng tiền kĩ thuật số còn thiếu sự quản lý của nhà nước, việc mở tài khoản ngân hàng rất dễ dàng, việc quản lý thẻ game, thẻ cào chưa chặt chẽ khiến nhiều đối tượng đã lợi dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản.

Với khả năng kết nối nhanh của các phương tiện thông minh, hạ tầng internet phát triển nên việc kêu gọi mọi người tham gia vào hoạt động đầu tư này rất dễ dàng và nhanh chóng. Các đối tượng lại vận dụng nguyên lý kinh doanh đa cấp vào hoạt động lừa đảo nên quy mô đường dây phát triển theo cấp số nhân, trong thời gian ngắn có thể huy động được số lượng người rất lớn và số lượng tiền rất nhiều. Với lòng tham, sự nhẹ dạ cả tin, thêm vào đó là bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều người muốn có thu nhập thêm nên đã tìm kiếm cơ hội việc làm, cơ hội đầu tư trên mạng Internet. Nhiều bạn trẻ muốn khẳng định mình ở trong những lĩnh vực, môi trường mới khiến cho cơ hội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đối tượng trên mạng internet nói chung và hoạt động lừa đảo thông qua sàn ngoại hối nói riêng rất thuận lợi. 

Thực tế cho thấy, rất nhiều đối tượng cầm đầu các đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức này trình độ nhận thức không cao nhưng rất mạnh có kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh đa cấp và biết cách thu hút nhân lực và vận dụng, điều hành các trang Web thực hiện hoạt động lừa đảo này. Bởi vậy, việc đấu tranh với tội phạm công nghệ cao nói chung và đối với loại tội phạm sử dụng sản ngoại hối để lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một việc cấp bách cần phải xử lý nhanh chóng, kịp thời ở nhiều địa phương để giảm bớt những thiệt hại cho người bị hại, giữ gìn an ninh, an toàn trên không gian mạng.

Hoạt động quảng cáo, giới thiệu, tiếp tay cho các hoạt động lừa đảo có thể được xác định là đồng phạm hoặc sẽ bị xử phạt hành chính và bồi thường thiệt hại

Đối với một số nghệ sĩ, những người nổi tiếng đã đứng ra quảng cáo, giới thiệu hoạt động của các sàn ngoại hối này mà biết rõ sàn này không được phép hoạt động, không có sự quản lý nhà nước nhưng vẫn thực hiện hoạt động quảng cáo thì đây là hành vi giúp sức cho hành vi vi phạm pháp luật. Người giúp sức trong trường hợp này cũng sẽ bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm về tội danh "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, thương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản" theo Điều 290 Bộ luật Hình sự năm 2015 với vai trò giúp sức.

Trường hợp người thực hiện các hành vi quảng cáo không biết đây là sàn ngoại hối hoạt động trái phép, không biết mục đích chiếm đoạt tài sản của các đối tượng nhưng vẫn thực hiện hoạt động quảng cáo trái quy định thì hành vi này vi phạm quy định của luật quảng cáo và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính có thể lên đến 70.000.000 đồng theo Nghị định số 38/2021/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, đồng thời có thể phải bồi thường thiệt hại do hành vi quảng cáo trái quy định gây ra đối với các nạn nhân.

Nghị định quy định phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Quảng cáo thuốc lá; quảng cáo rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên... quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo khác (đánh bạc, lô đề...).

Bởi vậy, trường hợp vụ việc được cơ quan chức năng xác định là vi phạm pháp luật, hành vi quảng cáo sai quy định thì người quảng cáo sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 38/2021/NĐ-CP nêu trên, đồng thời những người vì nội dung quảng cáo mà đã tham gia vào sàn ngoại hối này và mất tiền có thể yêu cầu người quảng cáo trái phép phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG

Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp

Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp theo quy định mới

Lê Minh Hoàng