Ảnh minh họa.
Xét về bản chất, chứng cứ là những thông tin, tài liệu hay những gì có thật được cơ quan tiến hành tố tụng thu thập, kiểm tra và đánh giá theo quy định của pháp luật nhằm mục đích giải quyết đúng đắn vụ án hình sự. Theo đó, chứng cứ cần được thu thập kịp thời, đầy đủ, được mô tả đúng thực trạng vào biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án. Trong trường hợp chứng cứ không thể đưa vào hồ sơ vụ án thì phải chụp ảnh và có thể ghi hình để đưa vào hồ sơ vụ án. Vật chứng phải được bảo quản nguyên vẹn, không để mất, lẫn lộn và hư hỏng. Tuy nhiên, trên thực tế khi thực hiện hoạt động thu thập chứng cứ, không ít người tiến hành tố tụng do bất cẩn đã làm mất, hư hỏng thậm chí họ cố tình đánh tráo, cất giấu hoặc huỷ hoại những vật chứng quan trọng nhằm làm sai lệch hồ sơ vụ án. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xác định sự thật vụ án, không ít trường hợp đã làm oan người vô tội, để lọt tội phạm.
Quá trình giải quyết vụ án hình sự, xác định sự thật khách quan, để kết luận đúng hành vi phạm tội đã xãy ra thì cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải có tài liệu, chứng cứ để chứng minh. Chứng cứ là phương tiện của việc chứng minh, xác định các sự kiện có ý nghĩa để giải quyết vụ án hình sự. Thông qua các tài liệu, chứng cứ các sự kiện thực tế được xác định, khẳng định và đồng thời cũng phủ định, loại trừ các sự kiện không xãy ra trong thực tế. Rõ ràng vai trò, giá trị của chứng cứ là rất quan trọng, là cơ sở duy nhất, là phương tiện để chứng minh trong vụ án hình sự, tất cả các sự kiện và tình tiết của vụ án phải phù hợp với hiện thực khách quan. Như vậy, mọi giai đoạn của tố tụng hình sự được mở ra, xuất phát từ chứng cứ và kết thúc từ vấn đề chứng cứ. Vì vậy, chứng cứ là một trong những vấn đề có vị trí đặc biệt quan trọng trong hoạt động tố tụng hình sự.
Ngoài việc thu thập chứng cứ là vật chứng, việc thu thập lời khai của bị can, bị cáo và những người khác biết về những tình tiết liên quan đến vụ án cũng đóng vai trò rất quan trọng. Yếu tố quan trọng hàng đầu những lời khai này phải được thu thập hợp pháp. Như chúng ta đã biết, lời khai nhận tội của bị can không phải lúc nào cũng trở thành chứng cứ, nó chỉ là chứng cứ khi được thu thập hợp pháp, phản ánh đúng sự thật khách quan và phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. Bởi lẽ, không ít trường hợp bị cáo khai nhận tội là nhằm che giấu một tội phạm khác, nhận tội thay cho người khác. Đây chỉ được coi là chứng cứ khi nó phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án.
Vì vậy, có những chứng cứ tuy có thể tin chắc một phần nào nhưng nếu không được đánh giá, tổng hợp trong hệ thống chứng cứ của vụ án thì vẫn không thể dùng để kết tội bị cáo được. Do đó, trong vụ án hình sự, lời khai nhận tội của bị can, bị cáo liệu có thể coi là chứng cứ tốt nhất để kết tội bị cáo hay không? Nếu họ bị ép buộc, vì muốn được giảm nhẹ tội hay vì những nguyên nhân khác mà khai một cách không chính xác thì không thể coi lời khai của họ là hoàn toàn đáng tin cậy? Trong không ít vụ án, lời khai của người làm chứng không thống nhất với nhau, do đó cần được so sánh đối chiếu với các chứng cứ khác trong vụ án để tìm ra những lời khai phù hợp có khả năng chứng minh một hay nhiều vấn đề cần giải quyết trong vụ án.
Thông thường một vụ án hình sự bao giờ cũng để lại dấu vết và những dấu vết đó được thể hiện dưới những hình thức khác nhau, mà những dấu vết này có ý nghĩa quan trọng nhằm xác định có hay không có hành vi phạm tội. Các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ căn cứ vào những dấu vết đã thu thập để khởi tố, truy tố, xét xử một người đã có hành vi phạm tội, những dấu vết đó được gọi là chứng cứ. Theo quy định tại Điều 86 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự do Bộ luật này quy định mà cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và Tòa án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác có ý nghĩa cho việc giải quyết vụ án”.
Chứng cứ được xác định bằng: Vật chứng; Lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; Dữ liệu điện tử; Kết luận giám định, định giá tài sản; Biên bản về hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác và các tài liệu, đồ vật khác. Theo quy định trên thì trong tố tụng hình sự, một thông tin, tài liệu chỉ được coi là chứng cứ của vụ án khi có đủ các thuộc tính sau:
Tính khách quan: Những thông tin, tài liệu đó phải có thật và phản ánh trung thực những tình tiết của vụ án đã xãy ra.
Tính liên quan: Những thông tin, tài liệu đó phải là cơ sở để xác định sự tồn tại hay không tồn tại những vấn đề cần phải chứng minh.
Tính hợp pháp: Những thông tin, tài liệu phải được thu thập, kiểm tra, đánh giá theo quy định của pháp luật và phải được chứng minh bằng các loại phương tiện chứng minh quy định tại khoản 1 Điều 87 BLTTHS.
Trong quá trình tố tụng, không chỉ cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thu thập, sử dụng chứng cứ chứng minh mà những người tham gia tố tụng cũng có quyền đưa ra chứng cứ, sử dụng chứng cứ nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, đảm bảo sự thật khách quan. BLTTHS quy định cụ thể quyền của bị can, bị cáo, người bào chữa, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc đưa ra chứng cứ để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình.
Thực tiễn tố tụng hình sự thời gian qua cho thấy, nhiều sai lầm, thiếu sót trong việc đánh giá và sử dụng chứng cứ đã dẫn đến việc giải quyết vụ án không đúng, xét xử còn oan sai, những sai sót này do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó thu thập chứng cứ không hợp pháp là nguyên nhân làm cho việc đánh giá và sử dụng chứng cứ không chính xác.
Trong các giai đoạn tố tụng hoạt động sử dụng chứng cứ gắn liền với hoạt động đánh giá chứng cứ; đánh giá chứng cứ và sử dụng chứng cứ có mối quan hệ chặt chẽ không thể tách rời. Đánh giá chứng cứ là tiền đề, là điều kiện cho sử dụng chứng cứ. Sử dụng chứng cứ là sự kiểm nghiệm, xác định lại kết qủa của hoạt động đánh giá chứng cứ. Đánh giá chứng cứ không đúng, tất yếu dẫn đến kết quả sai lầm, ngược lại việc sử dụng chứng cứ sai mục đích, không phù hợp làm hạn chế kết quả của hoạt động đánh giá chứng cứ. Để đảm bảo việc sử dụng chứng cứ trong quá trình chứng minh vụ án hình sự hiệu quả, cần nắm được mục đích của việc sử dụng chứng cứ, đó là:
Chứng cứ đã thu thập được trong vụ án dùng để nghiên cứu, kiểm tra và đánh giá tài liệu, chứng cứ mới và ngược lại. Trong một vụ án, các chứng cứ có thể được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, song đều có mối quan hệ với nhau bởi những mối liên hệ lô gich, biện chứng. Để xác định giá trị của từng chứng cứ không thể không xem xét đến toàn bộ chứng cứ, không thể không so sánh giá trị giữa các chứng cứ với nhau và phải kiểm tra giá trị của chúng, việc kiểm tra được tiến hành từ chứng cứ mới thu thập dùng để kiểm tra chứng cứ đã thu thập trước đó. Ví dụ, sử dụng dấu vân tay của kẻ phạm tội để lại ở hiện trường, cùng lời khai của người làm chứng để phủ định, bác bỏ lời khai về việc không có mặt tại hiện trường của người phạm tội.
Để việc sử dụng chứng cứ đạt được mục đích, dựa trên cơ sở, yêu cầu của pháp luật và thực tiễn tiến hành hoạt động chứng minh, chủ thể tiến hành tố tụng cần phải quán triệt một số vấn đề mang tính nguyên tắc trong sử dụng chứng cứ đó là: Chấp hành nguyên tắc khách quan toàn diện và đầy đủ trong tố tụng hình sự. Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng chỉ được sử dụng những chứng cứ đã được phát hiện, thu thập theo đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Các tài liệu, chứng cứ thu thập được qua biện pháp điều tra, trinh sát phải được chuyển hóa thành chứng cứ hợp pháp mới được sử dụng. Những tài liệu, chứng cứ phải được kiểm tra, xác minh đầy đủ, đảm bảo đủ ba thuộc tính của chứng cứ mới sử dụng được, tuyệt đối không sử dụng chứng cứ chưa qua kiểm tra, xác minh.
Khi sử dụng chứng cứ không được định kiến, chủ quan, thiên lệch, coi trọng chứng cứ này mà bỏ qua chứng cứ kia, chỉ coi trọng chứng cứ gốc, chứng cứ trực tiếp mà bỏ qua, coi nhẹ những cứ sao chép, chứng cứ thuật lại, chứng cứ gián tiếp, không chỉ sử dụng chứng cứ buộc tội mà sử dụng cả chứng cứ gỡ tội và ngược lại. Khi ra một quyết định tố tụng kết luận bất cứ vấn đề gì hay toàn bộ mọi vấn đề trong vụ án, người tiến hành tố tụng phải sử dụng tổng hợp mọi chứng cứ trong vụ án.
Khi sử dụng chứng cứ phải tuân theo những quy định của pháp luật tố tụng hình sự, đặc biệt với những chứng cứ là lời khai của những người tham gia tố tụng, do đặc điểm của những chứng cứ này bị xen lẫn yếu tố chủ quan, dễ bị sai lệch. Vì vậy, khi sử dụng các lời khai của người tham gia tố tụng ở các tư cách khác nhau phải tuân theo đúng những quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự. Chẳng hạn khi sử dụng lời khai của bị can, bị cáo làm chứng cứ thì phải hết sức thận trọng vì “…Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án, không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội” khoản 2 Điều 98 BLTTHS; trong trường hợp người bị tạm giữ, bị can là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi hoặc là người chưa thành niên có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc trong trường hợp cần thiết khác, thì khi lấy lời khai, hỏi cung những người này phải có mặt đại diện gia đình, trừ trường hợp đại diện gia đình cố ý vắng mặt mà không có lý do chính đáng.
Sử dụng chứng cứ phải đảm bảo tính kịp thời. Sau khi phát hiện, thu thập chứng cứ, cơ quan tiến hành tố tụng cần tiến hành nghiên cứu, kiểm tra, đánh giá ngay để sử dụng nhằm đảm bảo tính nhanh chóng, kịp thời, vừa đảm bảo thời gian đã được quy định đối với hoạt động điều tra, truy tố, xét xử vừa đảm bảo yêu cầu của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, ngăn chặn tội phạm có thể xãy ra, hạn chế những thiệt hại, bắt giữ ngay kẻ phạm tội không cho chúng có thời gian lẩn trốn, tiêu hủy tài sản, chứng cứ tang vật, xóa dấu vết hoặc tiếp tục gây án. Sử dụng đúng gía trị chứng minh của chứng cứ cho phép người tiến hành tố tụng xác định đúng sự thật khách quan, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm.
Trong mọi trường hợp, khi vụ án chưa giải quyết xong, chưa có quyết định xử lý vật chứng theo quy định của pháp luật thì vật chứng phải được bảo quản, gìn giữ nguyên vẹn giá trị chứng minh và cả giá trị kinh tế của vật chứng, phải đảm bảo cho vật chứng có giá trị chứng minh được sử dụng nhiều lần cho đến khi kết thúc vụ án. Đặc biệt phải thận trọng khi sử dụng vật chứng là công cụ, hung khí, vũ khí, chất nổ, những vật dễ vỡ, dễ bị xóa dấu vết, những tài liệu chỉ có một bản là chứng cứ gốc chứng minh hành vi phạm tội của bị can, bị cáo.
Tóm lại, sử dụng chứng cứ chứng minh trong giải quyết vụ án hình sự phải tuân thủ nguyên tắc khách quan, toàn diện và đầy đủ. Chỉ sử dụng các chứng cứ được phát hiện thu thập theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và các chứng cứ đó phải được kiểm tra đầy đủ, đảm bảo ba thuộc tính của chứng cứ và phải phù hợp với thực tế khách quan. Quá trình tiến hành tố tụng, không chỉ cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng được sử dụng chứng cứ để chứng minh mà tất cả những người tham gia tố tụng, các tổ chức xã hội và mọi công dân đều có quyền đưa ra chứng cứ, sử dụng chứng cứ để làm sáng tỏ sự thật khách quan.
Tuy nhiên muốn sử dụng chứng cứ một cách hiệu quả, đạt mục đích thì phải nhận thức đầy đủ về chứng cứ. Đối với những người tham gia tố tụng có nhận thức đúng về chứng cứ mới có thể sử dụng chứng cứ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của mình. Đối với những người tiến hành tố tụng có nhận thức đúng về chứng cứ thì quá trình chứng minh, giải quyết vụ án mới đúng, nếu nhận thức sai về chứng cứ sẽ dẫn tới việc sử dụng chứng cứ, giải quyết vụ án sai, bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội.
Thạc sĩ LÊ ĐÌNH NGHĨA
Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 5
Áp dụng ‘án treo’: Khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị