(LSVN) - Theo pháp luật Việt Nam, giám định thương tật là hoạt động nhằm xác định mức độ tổn thương cơ thể của một người do hậu quả của các hành vi phạm tội, tai nạn, hoặc sự kiện bất ngờ khác. Kết quả giám định thương tật là cơ sở để xác định quyền lợi và trách nhiệm pháp lý trong các vụ việc dân sự, hình sự, cũng như trong các trường hợp yêu cầu bồi thường, bảo hiểm hoặc xử lý vi phạm.
Ảnh minh họa.
Quy định của pháp luật về giám định thương tật
Căn cứ theo Điều 206 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2021 giám định bắt buộc phải được thực hiện khi cần xác định các trường hợp dưới đây:
- Tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ; tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc bị hại khi có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức, khả năng khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án;
- Tuổi của bị can, bị cáo, bị hại nếu việc đó có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án và không có tài liệu để xác định chính xác tuổi của họ hoặc có nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó;
- Nguyên nhân chết người;
- Tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ hoặc khả năng lao động;
- Chất ma túy, vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, tiền giả, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ;
- Mức độ ô nhiễm môi trường.
Như vậy, quy định về giám định trong Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thể hiện sự chi tiết và chặt chẽ, với nhiều điểm đáng chú ý. Trước hết, việc yêu cầu giám định trong các trường hợp nghi ngờ về tình trạng tâm thần, tuổi tác, và nguyên nhân tử vong giúp bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan, đồng thời bảo đảm sự khách quan trong quá trình tố tụng. Việc giám định mức độ thương tật, tổn hại sức khỏe còn hỗ trợ xác định hậu quả pháp lý và trách nhiệm bồi thường. Quy định này giúp cung cấp căn cứ pháp lý vững chắc, đảm bảo sự công bằng, chính xác trong quá trình xét xử và bảo vệ lợi ích hợp pháp của các bên liên quan trong hoạt động tố tụng.
Quyền yêu cầu giám định
Căn cứ vào Điều 207 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2021 quy định về yêu cầu giám định như sau:
- Đương sự hoặc người đại diện của họ có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, cơ quan tiến hành tố tụng phải xem xét, ra quyết định trưng cầu giám định. Trường hợp không chấp nhận đề nghị thì thông báo cho người đã đề nghị giám định biết bằng văn bản và nêu rõ lý do. Hết thời hạn này hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì người đề nghị giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định.
- Người yêu cầu giám định có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật giám định tư pháp.
Như vậy, đương sự hoặc người đại diện của họ có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ, ngoại trừ các vấn đề liên quan đến trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội. Cơ quan tiến hành tố tụng phải xem xét và ra quyết định trưng cầu giám định trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị. Nếu không chấp nhận đề nghị, cơ quan phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối. Sau thời hạn này, hoặc sau khi nhận được thông báo từ chối, người đề nghị giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định.
Đồng thời, người yêu cầu giám định cũng phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Giám định tư pháp, bao gồm việc cung cấp thông tin và tài liệu cần thiết và tuân thủ các quy định trong quá trình giám định. Các quy định này nhằm bảo đảm quyền lợi của đương sự, đồng thời đảm bảo rằng việc giám định được thực hiện một cách công bằng và hiệu quả.
Thời hạn giám định thương tật
Căn cứ vào Điều 208 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2021 quy định về thời hạn giám định như sau :
Thời hạn giám định đối với trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định:
- Không quá 03 tháng đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 206 của Bộ luật này;
- Không quá 01 tháng đối với trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 6 Điều 206 của Bộ luật này;
- Không quá 09 ngày đối với trường hợp quy định tại các khoản 2, 4 và 5 Điều 206 của Bộ luật này.
Thời hạn giám định đối với các trường hợp khác thực hiện theo quyết định trưng cầu giám định.
Trường hợp việc giám định không thể tiến hành trong thời hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì tổ chức, cá nhân tiến hành giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho cơ quan trưng cầu, người yêu cầu giám định.
Thời hạn giám định quy định tại Điều này cũng áp dụng đối với trường hợp giám định bổ sung, giám định lại.
Quy định về thời hạn giám định trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thể hiện tính rõ ràng và hợp lý, khi xác định thời gian cụ thể cho từng loại giám định dựa trên tính chất của vụ việc.Như vậy, việc giám định thương tật được thực hiện không quá 09 ngày đối với trường hợp thuộc khoản 2,4,5 Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2021. Nhìn chung, quy định này góp phần quan trọng trong việc tối ưu hóa quy trình tố tụng và bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan.
Trình tự, thủ tục yêu cầu giám định thương tật
Hồ sơ chuẩn bị
Căn cứ vào Điều 26 Luật giám định tư pháp 2012 sửa đổi, bổ sung 2020 quy định về yêu cầu giám định tư pháp trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, vụ án hình sự thì hồ sơ cần chuẩn bị khi yêu cầu giám định bao gồm:
- Văn bản yêu cầu giám định;
- Đối tượng giám định, các tài liệu, đồ vật có liên quan (nếu có);
Bản sao giấy tờ chứng minh mình là đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ.
Văn bản yêu cầu giám định tư pháp phải có các nội dung sau đây:
- Tên tổ chức hoặc họ, tên người yêu cầu giám định;
- Nội dung yêu cầu giám định;
- Tên và đặc điểm của đối tượng giám định;
- Tên tài liệu có liên quan hoặc mẫu so sánh gửi kèm theo (nếu có);
- Ngày, tháng, năm yêu cầu giám định và thời hạn trả kết luận giám định;
- Chữ ký, họ, tên người yêu cầu giám định.
Trình tự thủ tục
Bước 1: Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định hoặc người có quyền yêu cầu giám định thương tật
Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định khi tiến hành xác minh vụ việc thuộc trường hợp quy định tại Điều 206 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2021 đã trình bày phía trên.
Trường hợp, người yêu cầu giám định có quyền gửi văn bản yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định. Nếu sau 07 ngày, khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng không chấp nhận yêu cầu, kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định.
Bước 2: Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám định tiếp nhận và thực hiện giám định theo yêu cầu
Tiếp nhận yêu cầu giám định
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được đơn đề nghị co quan tiến hành tố tụng phải xem xét, ra quyết định trưng cầu giám định.
Trường hợp không chấp nhận đề nghị thì thông báo cho người đã đề nghị giám định biết bằng văn bản và nêu rõ lí do. Hết thời hạn này hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì người đề nghị giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định ( khoản 1 Điều 207 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2021).
Thực hiện giám định
Việc giám định có thể tiến hành tại cơ quan giám định hoặc tại nơi tiến hành điều tra vụ án ngay sau khi có quyết định trưng cầu, yêu cầu giám định. Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, người yêu cầu giám định có thể tham dự giám định nhưng phải báo trước cho người giám định biết ( Căn cứ Điều 209 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021).
Khi tiến hành giám định thương tật, cơ quan thực hiện việc giám định phải đảm bảo tuân thủ các quy định tại Thông tư 22/2019/TT-BYT.
Nguyên tắc giám định phải tuân theo Điều 2 Thông tư 22/2019/TT-BYT.
Nguyên tắc xác định tỉ lệ phần trăm tổn thương cơ thể được quy định tại Điều 3 Thông tư 22/2019/TT-BYT.
Phương pháp xác định tỉ lệ phần trăm tổn thương cơ thể quy định tại Điều 4 của Thông tư 22/2019/TT-BYT.
Bước 3: Gửi kết quả giám định cho cơ quan đã trưng cầu hoặc người yêu cầu giám định
Kết luận giám định phải ghi rõ kết quả giám định đối với những nội dung đã được trưng cầu, yêu cầu và những nội dung khác theo quy định của Luật Giám định tư pháp.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra kết luận giám định, tổ chức, cá nhân đã tiến hành giám định phải gửi kết luận giám định cho cơ quan đã trưng cầu, người yêu cầu giám định.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được kết luận giám định, cơ quan đã trưng cầu, người yêu cầu giám định phải gửi kết luận giám định cho Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra.
(Căn cứ Điều 213 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2021)
Chi phí thực hiện thủ tục giám định thương tật
Căn cứ vào Điều 36 Luật giám định thương tật 2012 sửa đổi, bổ sung 2020 quy định về chi phí giám định thương tật như sau : “Người trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có trách nhiệm trả chi phí giám định tư pháp cho cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp theo quy định của pháp luật về chi phí giám định tư pháp”.
Căn cứ tính chất của đối tượng và nội dung giám định cụ thể, chi phí giám định bao gồm một hoặc một số chi phí sau đây:
Chi phí tiền lương và các khoản thù lao cho người thực hiện giám định;
Chi phí vật tư tiêu hao;
Chi phí sử dụng dịch vụ;
Chi phí khấu hao máy móc, phương tiện, thiết bị;
Các chi phí khác theo quy định của pháp luật.
Chi phí giám định quy định căn cứ theo Điều 9 của Pháp lệnh 02/2012/UBTVQH13 quy định về chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, phiên dịch trong tố tụng do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành và quy định chi tiết tại Nghị định 81/2014/NĐ – CP quy định chi tiết một số điều của pháp lệnh chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng.
Một số câu hỏi liên quan
Giám định thương tật ở đâu?
Theo khoản 1 Điều 207 Bộ luật TTHS năm 2015, đương sự hoặc người đại diện của họ có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Tại Điều 12 Luật Giám định tư pháp 2012, sửa đổi bổ sung năm 2020, các cơ quan công lập có thẩm quyền tiến hành việc giám định xác định về tỷ lệ thương tật bao gồm:
Trong lĩnh vực pháp y: Viện pháp y của Bộ y tế, Bộ quốc phòng, Trung tâm giám định pháp y cấp tỉnh hoặc của Viện khoa học hình sự (Bộ Công an);
Trong lĩnh vực pháp y tâm thần: Viện pháp y tâm thần trung ương, Trung tâm pháp y tâm thần khu vực;
Trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự: Viện khoa học hình sự của Bộ Công an, Phòng giám định kỹ thuật hình sự của Bộ Quốc phòng, Công an cấp tỉnh;
Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND Tối cao thực hiện giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử;
Căn cứ vào nhu cầu và điều kiện thực tế của địa phương, Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh có giám định viên pháp y thực hiện giám định pháp y tử thi.
Như vậy, khi một cá nhân bị thương tích, bị tổn hại sức khỏe do hành vi của người khác gây ra muốn xác định về tỷ lệ thương tật cần phải đến một trong những tổ chức trên theo quy định của pháp luật.
Khi nào được tiến hành giám định lại?
Căn cứ vào Điều 211 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2021 quy định về việc tiến hành giám định lại như sau:
Việc giám định lại được thực hiện khi có nghi ngờ kết luận giám định lần đầu không chính xác. Việc giám định lại phải do người giám định khác thực hiện.
Cơ quan trưng cầu giám định tự mình hoặc theo đề nghị của người tham gia tố tụng quyết định việc trưng cầu giám định lại. Trường hợp người trưng cầu giám định không chấp nhận yêu cầu giám định lại thì phải thông báo cho người đề nghị giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trường hợp có sự khác nhau giữa kết luận giám định lần đầu và kết luận giám định lại về cùng một nội dung giám định thì việc giám định lại lần thứ hai do người trưng cầu giám định quyết định. Việc giám định lại lần thứ hai phải do Hội đồng giám định thực hiện theo quy định của Luật giám định tư pháp.”
Trong Điều 29 Luật Giám định tư pháp 2012 sửa đổi bổ sung 2020 quy định về giám định bổ sung, giám định lại như sau:
Việc giám định bổ sung được thực hiện trong trường hợp nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc khi phát sinh vấn đề mới liên quan đến tình tiết của vụ án, vụ việc đã được kết luận giám định trước đó. Việc trưng cầu, yêu cầu giám định bổ sung được thực hiện như giám định lần đầu.
Việc giám định lại được thực hiện trong trường hợp có căn cứ cho rằng kết luận giám định lần đầu không chính xác hoặc trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 30 của Luật này.
Người trưng cầu giám định tự mình hoặc theo đề nghị của người yêu cầu giám định quyết định việc trưng cầu giám định lại. Trường hợp người trưng cầu giám định không chấp nhận yêu cầu giám định lại thì phải thông báo cho người yêu cầu giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Như vậy, việc giám định lại được thực hiện trong trường hợp có căn cứ cho rằng kết luận giám định lần đầu không chính xác hoặc chưa rõ ràng, chưa đầy đủ cần giám định lại bổ sung. Ngoài ra, việc giám định lại phải do người giám định khác thực hiện. Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt, khi có căn cứ cho rằng kết luận giám định lần đầu không chính xác, hoạt động giám định lại sẽ do Viện trưởng VKSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao sẽ quyết định việc giám định lại sau khi đã có kết luận của Hội đồng giám định.Tóm lại, hoạt động thực hiện việc giám định lại khi kết luận giám định lần đầu có căn cứ cho rằng không chính xác. Việc thực hiện giám định sẽ do cơ quan trưng cầu giám định thực hiện hoặc theo đề nghị của người tham gia tố tụng.
Khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định lại
Công tác giám định lại là một phần quan trọng trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hình sự, hành chính nhằm đảm bảo tính chính xác và công bằng giữa các kết luận giám định. Tuy nhiên, công tác này còn vướng nhiều khó khăn và bất cập từ quy định pháp luật đến thực tiễn thực hiện.
Thứ nhất, sự mâu thuẫn giữa kết quả giám định ban đầu và kết quả giám định lại. Khi giám định lại, có thể xẩy ra tình trạng kết quả giám định lại không như kết quả ban đầu. Sự mâu thuẫn này gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng trong việc đanh giá và sử dụng kết quả giám định, dẫn đến tranh cãi về chứng cứ. Tuy nhiên, việc giải quyết mâu thuẫn giữa các kết quả này chưa có quy định cụ thể, gây khó khăn cho cơ quan tố tụng trong việc xử lý. Cần phải có cơ chế để đảm bảo không xảy ra mâu thuẫn giữa các kết quả giám định
Thứ hai, thiếu quy định rõ ràng về quy trình giám định lại. Luật Giám định tư pháp 2012 sửa đổi, bổ sung 2020 chỉ quy định chung về thẩm quyền, điều kiện để tiến hành giám định lại, nhưng không có hướng dẫn cụ thể về quy trình, phương pháp giám định, hay tiêu chuẩn đánh giá kết quả giám định lại. Điều này dẫn đến việc các cơ quan giám định thực hiện giám định lại thiếu sự đồng nhất trong quá trình thực hiện. Vì vậy, Nhà nước cần ban hành các quy định yêu cầu cụ thể về quy trình, phương pháp thực hiện và tiêu chuẩn đánh giá kết quả giám định lại để quá trình này diễn ra đồng bộ hơn.
Thứ ba, giám định lại thường kéo dài thời gian giải quyết vụ án, đặc biệt là khi cần mời chuyên gia hoặc tổ chức giám định có năng lực từ các tỉnh, thành phố khác. Điều này có thể làm tăng chi phí tố tụng, gây khó khăn cho các bên liên quan, nhất là các vụ án có yêu cầu khẩn cấp. Như vậy, đối với giám định lại, chi phí có thể tăng lên đáng kể, tạo gánh nặng tài chính cho người trưng cầu giám định và người yêu cầu.
Thứ tư, một khó khăn phổ biến trong công tác giám định lại là trường hợp đương sự không đồng ý với việc giám định lại và muốn bảo vệ kết quả giám định ban đầu. Đương sự có thể cho rằng kết quả ban đầu đã đủ rõ ràng và chính xác, hoặc họ lo ngại rằng giám định lại sẽ mang lại kết quả bất lợi cho mình. Trong khi đó, Tòa án hoặc cơ quan tố tụng có thể yêu cầu giám định lại do kết quả ban đầu chưa rõ ràng hoặc cần được bổ sung,vì vậy tạo ra sự mâu thuẫn giữa các bên. Điều này có thể làm chậm tiến độ xử lý vụ án, gây căng thẳng giữa đương sự và Tòa án, và ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên liên quan. Khi đương sự không đồng ý với việc giám định lại nhưng Tòa án vẫn quyết định tiến hành, điều này có thể làm gia tăng chi phí tố tụng, kéo dài thời gian giải quyết vụ án, và làm suy yếu mối quan hệ giữa các bên. Đương sự có thể không tin tưởng vào kết quả giám định lại, dẫn đến việc họ tiếp tục kháng cáo hoặc yêu cầu giám định thêm lần nữa. Sự khác biệt về quan điểm giữa đương sự và Tòa án cũng có thể gây áp lực tâm lý cho các bên tham gia, làm tăng thêm sự phức tạp và căng thẳng trong quá trình giải quyết vụ án.
Những khó khăn, bất cập này đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng từ phía Tòa án, nhằm đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan, đồng thời không làm ảnh hưởng đến quá trình tố tụng và tính chính xác của việc giải quyết vụ án. Vấn đề giám định lại là một trong những vấn đề nóng, mang tính cấp thiết, làm thay đổi bản chất của vụ án. Có rất nhiều vụ việc đã thay đổi bản chất trong quá trình giám định lại (giám định tài sản, giám định tâm thần, giám định thương tật,…) như vụ án.
Luật sư TRẦN XUÂN TIỀN
Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
Hoàn thiện quy định về giám sát đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi