/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Một số vấn đề về người làm chứng cho việc lập di chúc

Một số vấn đề về người làm chứng cho việc lập di chúc

05/01/2021 18:07 |

Di chúc có thể được hiểu một cách khái quát nhất là phương tiện ghi nhận ý chí của cá nhân về việc định đoạt tài sản của mình sau khi chết. Người làm chứng cho việc lập di chúc là người hỗ trợ cho người để lại di sản trong quá trình lập di chúc, là người chứng kiến cho quá trình lập di chúc, thông qua đó, họ sẽ xác nhận năng lực nhận thức của người lập di chúc và bảo đảm nội dung di chúc là ý nguyện thực của người để lại di sản thông qua việc ký tên hay điểm chỉ vào bản di chúc.

Về những loại di chúc yêu cầu phải có người làm chứng: Bên cạnh di chúc do người lập di chúc tự viết tay và ký tên là hợp pháp thì pháp luật quy định một số loại di chúc yêu cầu phải có sự hỗ trợ của người làm chứng mới được xem là hợp pháp như: Di chúc do người lập di chúc tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hộ hoặc đánh máy bản di chúc; di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ và di chúc miệng. Điều kiện để các loại di chúc này phát sinh hiệu lực là phải được làm chứng bởi ít nhất hai người làm chứng đủ điều kiện theo luật định.

Ảnh minh họa.

Điều kiện về người làm chứng cho việc lập di chúc

Di chúc là hình thức thể hiện ý chí của chủ sở hữu về việc định đoạt tài sản của mình sau khi chết. Thời điểm di chúc phát sinh hiệu lực là người lập di chúc đã chết nên không thể xác minh được nội dung di chúc có phải là ý chí thực sự của họ và được lập khi người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hay không. Do đó, trong một số trường hợp nhất định, để bảo đảm tính khách quan, chính xác và phản ánh đúng ý chí của người lập di chúc, pháp luật đòi hỏi phải có người làm chứng cho việc lập di chúc theo luật định. Người làm chứng là một trong những yếu tố quan trọng để di chúc có thể phát sinh hiệu lực trên thực tế, nếu người làm chứng không đáp ứng điều kiện thì sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý là di chúc vô hiệu. Để làm chứng cho việc lập di chúc đòi hỏi người làm chứng cũng phải thỏa mãn những điều kiện cơ bản sau:

Thứ nhất, người làm chứng không phải là người thừa kế:

Pháp luật loại trừ quyền làm chứng của những người thừa kế (khoản 1 Điều 632 Bộ luật Dân sự năm 2015) để bảo đảm tính khách quan của di chúc, tránh trường hợp những người này chỉnh sửa, giả mạo di chúc hoặc làm cho di chúc vô hiệu. Người thừa kế bao gồm người thừa kế theo di chúc và người thừa kế theo pháp luật.

Đối với người thừa kế theo di chúc thì việc không cho phép họ làm chứng về việc định đoạt tài sản cho chính bản thân mình là điều hoàn toàn hợp lý, vì việc làm chứng để định đoạt tài sản cho chính mình của họ không bảo đảm tính khách quan, độ tin cậy.

Tuy nhiên, đối với quy định người làm chứng không phải là người thừa kế theo pháp luật thì còn chưa hợp lý vì người thừa kế theo pháp luật gồm ba hàng thừa kế là rất rộng, nhưng trong một số trường hợp khẩn cấp, việc tìm kiếm một người làm chứng rất khó khăn.

Ví dụ như đối với loại di chúc miệng được lập trong tình trạng “khẩn cấp” thì rất khó để tìm người làm chứng đủ điều kiện. Thiết nghĩ, nếu pháp luật hạn chế quyền làm chứng của tất cả những người thừa kế theo pháp luật thuộc ba hàng thừa kế thì quá rộng, thông thường, người thừa kế được hưởng di sản thường dừng lại ở hàng thừa kế thứ hai, do đó, có lẽ nên xem xét cân nhắc để hàng thừa kế thứ ba được làm chứng bởi lẽ có những trường hợp người lập di chúc không thể tìm được hai người làm chứng có đủ điều kiện làm chứng cho việc lập di chúc miệng. Trong trường hợp này, người lập di chúc thường lập dưới dạng lời dặn dò những người thân trước khi chết, những người này lại không đủ điều kiện trở thành người làm chứng nên làm cho di chúc vô hiệu mặc dù họ rất khách quan, mong muốn thực hiện đúng di chỉ của người chết.

Vì vậy, pháp luật nên sửa đổi là trong một số trường hợp thì người thừa kế theo pháp luật cũng có thể trở thành người làm chứng nếu có căn cứ cho rằng họ khách quan khi làm chứng cho di chúc.

Thứ hai, người làm chứng không phải là người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc:

Người có quyền và nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc không được quyền làm chứng có thể là những chủ thể như người nhận thế chấp di sản; người thuê mướn di sản; con nợ, chủ nợ của người lập di chúc… nếu cho họ làm chứng có thể làm di chúc không khách quan, thay đổi nội dung di chúc theo hướng có lợi cho họ (ví dụ như nhằm trốn tránh nghĩa vụ) nên không cho phép những người này làm chứng cho việc lập di chúc là hợp lý.

Bên cạnh đó, pháp luật về thừa kế một số nước có quy định không cho phép vợ và chồng cùng làm chứng cho một di chúc (Điều 980 Bộ luật Dân sự Cộng hòa Pháp), vì theo pháp luật dân sự về thừa kế, tất cả loại di chúc yêu cầu người làm chứng tối thiểu là hai người làm chứng để họ có thể kiểm soát việc lập di chúc, đối chất với nhau khi cần thiết. Thế nhưng vợ, chồng là mối quan hệ hôn nhân và gia đình rất khăng khít, nên việc họ cùng làm chứng cho một di chúc dễ dẫn đến việc họ thống nhất ý chí, bảo vệ nhau nếu một trong hai bên làm sai, do đó, pháp luật thừa kế Việt Nam nên tiếp thu kinh nghiệm về vấn đề này.

Đặc biệt, đối với hình thức di chúc miệng được lập trong tình trạng nguy cấp của người lập di chúc, có thể sau khi “trăn trối” thì người lập di chúc chết và người làm chứng phải ghi chép lại di chúc, công chứng hoặc chứng thực di chúc. Vì vậy, nếu chỉ có hai vợ chồng họ có mặt tại thời điểm lập di chúc và cùng ghi chép lại, mang di chúc đi công chứng hoặc chứng thực thì khó thuyết phục những người liên quan.

Tuy nhiên, đối với trường hợp di chúc miệng thì về quy định người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc không được làm chứng cũng cần được xem xét nghiên cứu cho phù hợp. Bởi lẽ, trong trường hợp lập di chúc miệng thì rất khan hiếm khi tìm người làm chứng, hơn nữa, có những trường hợp mà bản thân người làm chứng cũng không biết mình là người có quyền hay nghĩa vụ tài sản.

Thứ ba, người làm chứng không phải là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi:

Quy định điều kiện về độ tuổi và nhận thức của người làm chứng có sự khác biệt giữa Bộ luật Dân sự năm 2005 và Bộ luật Dân sự năm 2015.

Quy định tại khoản 3 Điều 632 Bộ luật Dân sự năm 2015 có sự tiến bộ khi không cho phép “người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi” làm chứng cho việc lập di chúc. Quy định như vậy là hợp lý vì những chủ thể này có vấn đề trong nhận thức nên việc làm chứng của họ không chính xác và độ tin cậy kém.

Tuy nhiên, quy định này vẫn còn thiếu trường hợp người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và người khiếm khuyết về thể chất ảnh hưởng đến khả năng nhận thức (như mù, câm, điếc...) hay người nước ngoài không thành thạo tiếng Việt, những người không nghe, nói, đọc, viết được tiếng dân tộc của nhau thì không nên làm chứng cho một loại ngôn ngữ mà mình không thành thạo, việc hạn chế quyền làm chứng của những người đó là hợp lý vì khả năng xác nhận, kiểm tra việc lập di chúc và nội dung di chúc của họ thiếu khả thi.

Thứ tư, người làm chứng cho di chúc miệng phải là người biết chữ:

Hiện nay chưa có bất kỳ một khái niệm chính xác nào về “người biết chữ” trong tiếng Việt. Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu về “người biết chữ” theo phương pháp loại trừ trong cuốn “Từ điển tiếng Việt”, đó là từ “mù chữ” được giải thích là tình trạng “không biết đọc, biết viết (tuy ở tuổi đáng lẽ đã được học)”[1]. Vậy “biết chữ” là khái niệm ngược lại với “mù chữ”, ta có thể khái quát: Người biết chữ là người có khả năng đọc, hiểu và khả diễn đạt ý chí bằng cách viết.

Đối với di chúc miệng thì người làm chứng có nghĩa vụ sau khi nghe di nguyện của người chết phải ghi chép lại bằng văn bản thì di chúc mới có thể hợp pháp, nên đòi hỏi người làm chứng phải biết chữ mới diễn đạt lại ý chí người lập di chúc thông qua chữ viết. Tuy nhiên, pháp luật dân sự không quy định rõ điều kiện này mà chỉ được rút ra từ việc suy luận quy định về di chúc miệng tại khoản 5 Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo quan điểm tác giả, điều kiện đó là hoàn toàn hợp lý vì tính chất của di chúc là chỉ có hiệu lực khi người lập di chúc chết, không thể đối chất nên đòi hỏi người làm chứng phải có khả năng xác nhận nội dung bản di chúc bằng khả năng nhận thức của mình.

Từ những phân tích trên, tác giả kiến nghị bổ sung những đối tượng sau đây không được làm chứng cho việc lập di chúc:

- Người bị hạn chế về thể chất đến mức ảnh hưởng đến khả năng nhận thức, quá trình truyền đạt và thu nhận thông tin dẫn đến hạn chế khả năng xác nhận, kiểm tra việc lập di chúc hoặc ghi chép lại di chúc;

- Người nước ngoài không đọc, nói, viết thành thạo tiếng Việt (nếu di chúc được lập bằng tiếng Việt) và người không đọc, nói, viết được tiếng dân tộc khác (nếu di chúc được lập bằng tiếng dân tộc thiểu số);

- Người không biết chữ không được phép làm chứng cho việc lập di chúc. Đối với di chúc miệng thì điều kiện người làm chứng phải biết chữ mới có thể ghi chép lại di chúc miệng mặc dù trong tình trạng khẩn cấp. Trong điều kiện thông thường thì việc tìm kiếm một người làm chứng biết chữ dễ dàng hơn, người làm chứng biết chữ mới có thể tự đọc lại bản di chúc và xác minh nó đúng với những gì mình nghe. Vì vậy, cần bổ sung yêu cầu về người làm chứng cho di chúc phải là người biết chữ;

- Cả hai vợ chồng không được cùng làm chứng cho một di chúc. Pháp luật dân sự yêu cầu đối với loại di chúc phải có người làm chứng thì phải có ít nhất là hai người làm chứng nhằm mục đích tránh sai lệch nội dung di chúc, những người làm chứng này sẽ kiểm soát hành vi của nhau bảo đảm tính khách quan của di chúc. Tuy nhiên, vợ chồng là mối quan hệ mật thiết, gần gũi với nhau, nên dễ dẫn đến thống nhất ý chí và bao che cho nhau nếu một trong hai bên có sai sót.

Một số ví dụ thực tế về trường hợp di chúc có người làm chứng không đủ điều kiện luật định:

Ví dụ 1: Tranh chấp về hiệu lực của di chúc bằng văn bản và di chúc miệng[2]
Tóm tắt nội dung vụ án: Cụ T có ba người con là bà N, bà M, ông Q. Năm 1993, cụ T lập tờ di chúc để lại căn nhà cho cháu là chị H (con của bà N) có bà G làm chứng và di chúc đã được công chứng. Ngày 08/10/1994, cụ T chết. Ngày 21/10/1994, ông Q lập “tờ đồng thuận” có nội dung là trước khi chết, cụ T căn dặn để lại căn nhà cho cháu nội là anh B thờ cúng. “Tờ đồng thuận” có bà M ký tên đồng ý, còn chị H thì ký xác nhận đang giữ giấy chủ quyền căn nhà trên. Năm 1997, chị H khởi kiện yêu cầu được thừa kế theo tờ di chúc, buộc anh B giao nhà. Tại Tòa, chị H thừa nhận cụ T có căn dặn căn nhà trên để lại cho anh B quản lý thờ cúng nhưng chị cho rằng chị mới là chủ sở hữu theo tờ di chúc có công chứng, còn ông Q thì cho rằng anh Bình là chủ sở hữu theo “tờ đồng thuận”. Bản án dân sự phúc thẩm chấp nhận “tờ đồng thuận” hay di chúc miệng có hiệu lực.

Ví dụ 2: Công nhận di chúc miệng: Tóm tắt nội dung vụ án: Năm 1952, vợ chồng ông B và bà H có một căn nhà chung. Sau đó, bà H bỏ sang Campuchia sống. Ông B chung sống với bà T trên nhà và đất trên. Năm 1970, bà T đứng tên mua thêm căn nhà liền kề. Hiện tại cả hai phần nhà cùng mang chung số nhà. Năm 1962, bà T nhận anh K là cháu ruột về nuôi. Năm 1992, bà T chết. Anh K cho rằng bà T đã di chúc miệng cho anh nhà và đất tạo lập năm 1970 (căn nhà mua liền kề). Ông B thừa nhận bà T có ý nguyện để lại tài sản là một phần căn nhà cho anh K.

Tại tờ di chúc lập ngày 12/8/1993, ông B xác nhận: “Tr­ước khi chết, vợ tôi là T có trăn trối cho cháu trai của bà là K, 31 tuổi (nuôi từ bé) một phần căn nhà đứng ngoài nhìn vào phía bên trái (sát vách nhà ông M­) được hưởng phần căn nhà đó”. Quan điểm của Tòa án cho rằng có căn cứ xác định bà T­­ có di chúc miệng để anh K hưởng thừa kế phần nhà, đất tạo lập năm 1970 nên đã chấp nhận di chúc miệng.

Như vậy, trong hai ví dụ trên thì di chúc miệng được lập khi Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 đang có hiệu lực, Pháp lệnh không yêu cầu di chúc miệng phải có người làm chứng và ghi chép lại.

Vì vậy, Tòa án nhân dân tối cao đã chấp nhận di chúc miệng vì cho rằng có căn cứ để xác định di chúc miệng là có thật. Chứng cứ để xác định di chúc miệng trên đúng với ý nguyện người chết là “tờ đồng thuận” và “tờ di chúc” được những người làm chứng lập lại và các bên đã thừa nhận tại phiên tòa. Mặc dù việc xét xử dựa vào Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 nhưng chúng ta có thể bình luận một số vấn đề liên quan về người làm chứng cho di chúc miệng như sau: Trong di chúc miệng tại ví dụ 1 thì người làm chứng gồm ông Q, bà M (đều là người thừa kế theo hàng thừa kế thứ nhất) và chị H (người thừa kế theo di chúc bằng văn bản) ký xác nhận vào di chúc.

Trong ví dụ 2 thì người làm chứng cho việc lập di chúc là ông B - người thừa kế theo hàng thừa kế thứ nhất. Nếu xét điều kiện về người làm chứng theo Điều 632 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì tất cả những người làm chứng trên đều không đủ điều kiện làm chứng vì họ đều là người thừa kế. Quan điểm của Tòa án trong trường hợp này chấp nhận di chúc miệng có giá trị pháp lý. Hướng xét xử của Tòa án theo tác giả là rất hợp lý, vì thông qua lời khai của người làm chứng có thể dễ dàng chứng minh có tồn tại bản di chúc miệng và việc làm chứng của những người làm chứng rất khách quan. Thêm vào đó, các bên tranh chấp cũng đã thừa nhận nội dung di chúc miệng là có thật tại Tòa.

Qua đó có thể thấy, mặc dù những người làm chứng trên không đủ điều kiện để làm chứng nhưng việc làm chứng của họ rất khách quan và đáng tin cậy. Vì vậy, đối với di chúc miệng được lập trong điều kiện cấp bách, người lập di chúc trong tình trạng nguy kịch, họ không thể tự mình tìm kiếm được người làm chứng đủ điều kiện thì để bảo vệ quyền lập di chúc miệng thì nhà làm luật nên mở rộng hơn chủ thể được làm chứng cho di chúc miệng.

Chi phí cho người làm chứng cho việc lập di chúc miệng

Trong các loại di chúc có người làm chứng thì đối với di chúc miệng, vai trò của người làm chứng rất quan trọng và những công việc họ phải làm để di chúc miệng phát sinh hiệu lực khá phức tạp và tốn kém về thời gian, công sức, tiền bạc. Họ là người trực tiếp nghe, thấy, chứng kiến việc người lập di chúc miệng tuyên bố ý nguyện, đồng thời phải ghi chép lại nội dung di chúc, ra cơ quan công chứng, chứng thực để làm thủ tục công chứng, chứng thực đảm bảo tính hợp pháp, có hiệu lực của di chúc miệng. Do đó, người làm chứng cho di chúc miệng cần được hưởng một khoản phí hợp lý tương xứng với thời gian, công sức mà họ bỏ ra để làm chứng.

Vì vậy, pháp luật cần bổ sung điều khoản về chủ thể yêu cầu công chứng, chứng thực di chúc miệng và khoản phí mà người yêu cầu công chứng, chứng thực nhận, khoản phí đó bao gồm những chi phí cần thiết (như phí di chuyển tàu xe, ngày công lao động bị mất, phí công chứng, chứng thực, những chi phí liên quan khác), một khoản thù lao cho việc làm chứng và thực hiện nhiệm vụ công chứng, chứng thực di chúc miệng. Khoản phí này sẽ được trích từ di sản của người lập di chúc miệng.

Bên cạnh đó, cũng cần bổ sung khoản phí này vào Điều 658 Bộ luật Dân sự năm 2015 về thứ tự thanh toán và phân chia di sản theo thứ tự thanh toán tương đương vị trí với chi phí bảo quản di sản. Theo đó, bổ sung khoản 3 Điều 658 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau: “Chi phí cho việc bảo quản di sản; chi phí cho việc làm chứng cho việc lập di chúc miệng”.

Thạc sĩ NGUYỄN THỊ HỒNG VÂN
Đại học Đồng Tháp
(Tạp chí DC&PL)
_____________________
[1]. Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học (1992), tr. 642.
[2]. Tưởng Bằng Lượng (2002), Di chúc bằng văn bản hay di chúc miệng có hiệu lực pháp lý, Tạp chí Tòa án nhân dân số 02/2002.
/tham-quyen-cua-toa-an-viet-nam-doi-voi-vu-viec-dan-su-co-yeu-to-nuoc-ngoai.html