/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Một số vấn đề về thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành theo Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

Một số vấn đề về thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành theo Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

09/12/2024 06:59 |

(LSVN) - Mọi bản án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành đầy đủ, chính xác và kịp thời theo trình tự, thủ tục mà pháp luật đã quy định chặt chẽ, nhất là đối với bản án tử hình. Do đó, Bộ luật Tố tụng hình sự đã đặt ra vấn đề xem xét bản án tử hình trước khi đưa ra thi hành. Đây là thủ tục cần thiết, thể hiện rõ ràng tính nhân văn, nhân đạo trong lĩnh vực pháp luật hình sự. Tuy nhiên, quy định về thủ tục này còn tồn tại một số bất cập cần được hoàn thiện để bảo đảm chặt chẽ và đem lại hiệu quả trong quá trình thực hiện.

Thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành được quy định tại Điều 367 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Khi bản án tử hình có hiệu lực pháp luật, thay vì đưa ra thi hành thì phải trải qua thủ tục để các chủ thể có thẩm quyền xem xét kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm và xem xét đơn xin ân giảm. Khi trải qua thủ tục này và đáp ứng điều kiện, bản án tử hình mới được đưa ra thi hành.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ. 

Một số bất cập

Trong quy định về thủ tục này, tác giả nhận thấy một số bất cập như sau:

Thứ nhất, về thời gian và chủ thể gửi hồ sơ, bản án tử hình có hiệu lực pháp luật cho Chánh án Toà án nhân dân Tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. Điểm a khoản 1 Điều 367 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định “sau khi bản án tử hình có hiệu lực pháp luật, hồ sơ vụ án phải được gửi ngay cho Chánh án Toà án nhân dân Tối cao và bản án phải được gửi ngay cho Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao”. Quy định này nêu rõ đối tượng cần gửi và chủ thể tiếp nhận đối tượng cần gửi, nhưng chưa rõ ràng trong việc quy định chủ thể gửi và thời hạn gửi. Về chủ thể gửi, trong trường hợp đơn giản, Tòa án xét xử ban hành bản án tử hình có hiệu lực sẽ có trách nhiệm gửi hồ sơ vụ án cho Chánh án Toà án nhân dân Tối cao. Nhưng trường hợp Tòa án cấp trên hay cơ quan khác yêu cầu cung cấp hồ sơ (theo quy định pháp luật cho phép) và trong thời gian đó thì bản án có hiệu lực, hoặc Tòa án xét xử sơ thẩm đã chuyển hồ sơ cho Tòa án phúc thẩm nhưng sau đó căn cứ xét xử phúc thẩm không còn, vậy cơ quan nào là chủ thể có trách nhiệm phải gửi hồ sơ cho Chánh án Toà án nhân dân Tối cao. Nếu chủ thể có trách nhiệm gửi vẫn là Tòa án đã ban hành bản án tử hình thì liệu quá trình thu lại hồ sơ và gửi đi có bảo đảm yêu cầu “ngay” như quy định hay không, rõ ràng điều này là rất khó. Về thời hạn gửi, quy định sử dụng từ “ngay”, nhưng quy định trong lĩnh vực pháp luật hình sự lại không có giải thích về thời hạn “ngay”. Chưa kể khoảng cách giữa chủ thể gửi và chủ thể nhận trong nhiều trường hợp là rất xa, quy định chung chung như vậy sẽ dễ dẫn đến tình trạng chủ quan, lựa chọn cách thức gửi không thật sự “ngay”, thậm chí là việc áp dụng tùy nghi trên thực tế.

Thứ hai, về việc lưu trữ hồ sơ sau khi trải qua thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành. Việc chuyển hồ sơ cho Chánh án Toà án nhân dân Tối cao là nhằm phục vụ cho việc xem xét quyết định kháng nghị đối với bản án tử hình đã có hiệu lực pháp luật. Quá trình này, các chủ thể có thẩm quyền có thể quyết định kháng nghị hoặc không kháng nghị. Trường hợp kháng nghị thì vụ án được giải quyết theo thủ tục tố tụng tương ứng. Nếu không có chủ thể nào kháng nghị, thì hồ sơ vụ án sẽ được lưu trữ ở đâu? Liệu Toà án nhân dân Tối cao sẽ trực tiếp lưu trữ hay hồ sơ sẽ được trả về cho chủ để đã gửi hồ sơ đi ban đầu? Thông thường, hồ sơ vụ án sau khi xét xử sẽ được chuyển lên Tòa án cấp trên thực hiện lưu trữ. Việc lưu trữ như vậy thể hiện sự hợp lý, bảo đảm trách nhiệm rõ ràng và trong trường hợp cần thiết có thể dễ dàng yêu cầu cơ quan bảo quản cung cấp hồ sơ.

Thứ ba, về thẩm quyền kháng nghị sau khi xem xét hồ sơ vụ án. Chánh án Toà án nhân dân Tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao là hai chủ thể có quyền kháng nghị. Tuy nhiên, thẩm quyền của hai chủ thể này là không giống nhau. Cả Chánh án Toà án nhân dân Tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đều có quyền kháng nghị giám đốc thẩm, nhưng chỉ có Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao có quyền kháng nghị tái thẩm. Trong khi đó, điểm c khoản 1 Điều 367 Bộ luật Tố tụng hình sự lại quy định “Trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Chánh án Toà án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phải quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm”. Quy định như vậy là không phù hợp với quy định về thẩm quyền kháng nghị tái thẩm.

Thứ tư, về việc giải thích quyền gửi đơn xin ân giảm cho người bị kết án tử hình. Người bị kết án tử hình có quyền gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Đây là quyền của họ, nhưng không phải lúc nào họ cũng có thể biết đến quyền này, thậm chí số người không biết nhiều hơn số người biết. Nhưng theo nội dung trình tự phiên tòa, chủ tọa phiên tòa có giải thích cho bị cáo về quyền và nghĩa vụ của bị cáo nhưng việc này chỉ dừng lại ở phạm vi quyền và nghĩa vụ của bị cáo quy định tại Điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự mà không hề giải thích về quyền làm đơn ân giảm trong trường hợp bị kết án tử hình. Dẫn đến việc người bị kết án tử hình không thực hiện được đầy đủ quyền của mình, bỏ lỡ cơ hội ân giảm của họ.

Thứ năm, trường hợp có kháng nghị nhưng không được chấp nhận, giữ nguyên bản án tử hình. Trường hợp này, Toà án nhân dân Tối cao phải thông báo ngay cho người bị kết án biết để họ làm đơn xin ân giảm hình phạt tử hình. Thời hạn “ngay” tiếp tục được quy định trong điều luật này, gây ra sự không rõ ràng trong thời hạn thông báo. Đồng thời, quy định này cũng không nêu rõ thời hạn để người bị kết án làm đơn xin ân giảm. Có quan điểm cho rằng, thời hạn này đã được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 367 là 7 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, nếu áp dụng quy định này sẽ gây ra bất lợi cho người bị kết án. Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm là những quyết định có hiệu lực ngay kể từ ngày ra quyết định. Từ thời điểm ban hành quyết định đến thời điểm người bị kết án được thông báo hoặc nhận được quyết định tồn tại khoảng thời gian. Khoảng thời gian này có thể ngắn, nhưng cũng có thể dài bởi thời hạn này hiện còn bỏ ngỏ, chưa kể trong quá trình thực hiện còn phát sinh các vấn đề khác tác động. Do đó, nếu tính thời hạn là 07 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật thì sẽ không phù hợp và có phần bất lợi cho người bị kết án tử hình.

Thứ sáu, về thời hạn xem xét đơn xin ân giảm của Chủ tịch nước. Trường hợp người bị kết án tử hình có đơn xin ân giảm thì bản án tử hình được thi hành sau khi Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm. Vậy, thời hạn để Chủ tịch nước xem xét ân giảm hay bác đơn ân giảm là bao lâu thì hiện chưa có quy định. Trường hợp Chánh án Toà án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao quyết định không kháng nghị, người bị kết án tử hình có đơn xin ân giảm thì phải chờ quyết định của Chủ tịch nước sau khi xem xét đơn thì mới tiến hành thi hành bản án. Trong khi đó, việc thi hành án cũng đặt ra các yêu cầu về thời hạn, thời hiệu. Do đó, việc bỏ ngỏ thời hạn xem xét của Chủ tịch nước trong một số trường hợp sẽ gây ảnh hưởng đến việc thi hành án.

Một số đề xuất, kiến nghị

Trên cơ sở một số bất cập nêu trên, tác giả kiến nghị, đề xuất một số nội dung sau:

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung một số quy định về thời hạn, thẩm quyền vào khoản 1 Điều 367 Bộ luật Tố tụng hình sự, như sau:

“Điều 367. Thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành

1. Thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành được thực hiện:

a, Sau khi bản án tử hình có hiệu lực pháp luật, trong thời hạn 24 giờ hồ sơ vụ án phải được gửi cho Chánh án Toà án nhân dân Tối cao, bản án phải được gửi cho Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao

...

c, Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Chánh án Toà án nhân dân Tối cao phải quyết định kháng nghị hoặc không kháng nghị giám đốc thẩm; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phải quyết định kháng nghị hoặc không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm

...

đ,...Trường hợp bản án tử hình bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm mà Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm Toà án nhân dân Tối cao quyết định không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án tử hình thì trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ban hành quyết định, Toà án nhân dân Tối cao phải thông báo cho người bị kết án biết. Trong thời hạn 07 ngày kể từ khi được thông báo, người bị kết án có quyền làm đơn xin ân giảm hình phạt tử hình

...

g, Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày nhận được đơn, Chủ tịch nước phải xem xét quyết định chấp nhận hoặc bác đơn xin ân giảm của người bị kết án tử hình”.

Thứ hai, cần có hướng dẫn của cơ quan trung ương về các nội dung: Chủ thể nào có trách nhiệm gửi hồ sơ vụ án cho Chánh án Toà án nhân dân Tối cao, gửi bản án cho Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; việc lưu trữ hồ sơ vụ án trong trường hợp Chánh án Toà án nhân dân Tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao quyết định không kháng nghị được thực hiện như thế nào.

Thứ ba, cần bổ sung quy định về giải thích quyền cho người bị kết án tử hình theo hướng: “Sau khi tuyên án, Chủ tọa phiên tòa phải giải thích cho người bị kết án tử hình về quyền làm đơn xin ân giảm khi bản án có hiệu lực pháp luật theo quy định tại Điều 367 Bộ luật Tố tụng hình sự”.

VĂN LINH

Tòa án quân sự khu vực Quân chủng Hải quân

 

Các tin khác