/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Một số vấn đề về tội 'Hành hung đồng đội': Vướng mắc và kiến nghị

Một số vấn đề về tội 'Hành hung đồng đội': Vướng mắc và kiến nghị

26/08/2023 07:45 |

(LSVN) - Quân đội là lực lượng vũ trang nòng cốt, trọng yếu và đặc biệt quan trọng của nước ta. Được phục vụ, làm việc trong lực lượng quân đội là vinh dự to lớn của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, trong thời kỳ hòa bình trong quân đội vẫn phát sinh những hành vi vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của quân đội, pháp luật của Nhà nước làm ảnh hưởng tới hình ảnh, uy tín, sức mạnh chiến đấu của quân đội chính quy. Nhận thấy yêu cầu cấp thiết đó, Nhà nước đã có chế tài nhằm duy trì nghiêm kỷ luật của quân đội bằng việc pháp điển một chương riêng quy định về các loại tội danh xâm phạm nghiêm trọng tới kỷ luật, sức mạnh của quân đội trong đó có tội "Hành hung đồng đội" quy định tại Điều 398, Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành.

Ảnh minh họa.

Quy định của pháp luật

Tội "Hành hung đồng đội" được quy định tại Điều 398, Bộ luật Hình sự 2015 như sau:

"Điều 398. Tội "Hành hung đồng đội"

1. Người nào trong quan hệ công tác mà cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của đồng đội mà không thuộc trường hợp quy định tại Điều 135 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Là chỉ huy hoặc sỹ quan;

b) Đối với chỉ huy hoặc cấp trên;

c) Vì lý do công vụ của nạn nhân;      

d) Trong khu vực có chiến sự;

đ) Gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng".

Khách thể của tội phạm

Trong quân đội, mối quan hệ giữa đồng đội phạm trù phản ánh mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa lãnh đạo, chỉ huy và phục tùng. Tình đồng chí, đồng đội trong quân đội là một nội dung cơ bản biểu hiện bản chất cách mạng của quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó lãnh đạo, chỉ huy giữ vai trò quyết định. Từ đó, tội "Hành hung đồng đội" đã xâm phạm trực tiếp tới quan hệ đồng chí, đồng đội, đoàn kết, giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau giữa các quân nhân. Đồng thời, tội này còn xâm phạm trực tiếp tới tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, đạo đức của người quân nhân.

Mặt khách quan của tội phạm

Người phạm tội có hành vi cố ý gây thương tích, gây tổn hại tới sức khỏe của đồng đội mình trong quan hệ công tác.

Quan hệ công tác là quan hệ giữa các quân nhân cùng được biên chế trong một cơ quan đơn vị nhất định và giữa họ có người là chỉ huy hoặc cấp trên, có người là cấp dưới. Trường hợp họ không cùng được biên chế, tổ chức trong một cơ quan đơn vị nhất định thì họ phải là những người cùng thực hiện nhiệm vụ trong một thời gian nhất định.

Theo Điều 398 thì người phạm tội sẽ có hành vi phổ biến như: đấm, đá, chém, đâm, đốt,… làm đồng đội của mình bị thương tích, mặc dù các hành vi này có sự tương đồng với tội "Giết người" (Điều 123), tội "Cố ý gây thương tích" (Điều 134) tuy nhiên thì mức độ nguy hiểm thấp hơn nhiều và không làm nạn nhân chết, cũng không thuộc các trường hợp tại Điều 134 vì có đặc thù riêng.

Hậu quả của tội phạm là làm cho nạn nhân bị đau đớn, ảnh hưởng về mặt sức khỏe và tinh thần. Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, tội phạm sẽ hoàn thành kể từ khi chủ thể có hành vi hành hung đồng đội mình. Hậu quả đến đâu thì sẽ căn cứ để lượng hình cho phù hợp.

Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm là người đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, có năng lực trách nhiệm hình sự và thỏa mãn Điều 392, BLHS.

Mặt chủ quan của tội phạm.

Chủ thể thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý. Người phạm tội hoàn toàn nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng mong muốn thực hiện hành vi đó.

Một số vấn đề pháp lý

Theo như phân tích ở trên, hành vi gây thương tích của tội "Hành hung đồng đội" và tội "Cố ý gây thương tích" có sự tương đồng. Tại khoản 1, Điều 134, BLHS thì chỉ khởi tố trong những trường hợp nhất định hoặc có đơn yêu cầu của bị hại, hình phạt tại khoản 1, Điều 134 lại cao hơn so với hình phạt tại khoản 1, Điều 398. Tuy nhiên phải khẳng định rằng tội "Hành hung đồng đội" có mức độ nguy hiểm cao hơn, vì rõ ràng hành vi hành hung này ngoài việc xâm phạm tới sức khỏe của đồng đội thì còn xâm phạm tới kỷ luật quân đội, uy tín của lực lượng vũ trang xa hơn là xâm phạm tới an ninh chính trị của đất nước, vì rõ ràng người quân nhân phải là chủ thể luôn phải nêu cao nhất, gương mẫu nhất về vấn đề đạo đức, phẩm chất cao đẹp, gương mẫu trong mọi hành vi của mình.

Trong trường hợp, hành vi hành vi hành hung gây thương tích cấu thành tội "Hành hung đồng đội" nhưng lại thỏa mãn cả khoản 1, Điều 134, nếu bị hại có đơn yêu cầu khởi tố thì phải xử lý thế nào mà không có đơn yêu cầu khởi tố lại xử lý thế nào, chưa có một quy định cụ thể sẽ dễ dẫn đến việc áp dụng pháp luật mang tính tùy nghi, quy chụp cứ hành vi. Trên thực nhiều trường hợp áp dụng theo cách là có hành vi hành hung đồng đội thỏa mãn khoản 1, Điều 134 và có đơn yêu cầu khởi tố thì lại xử về tội "Cố ý gây thương tích" còn không có đơn yêu cầu lại xử về tội "Hành hung đồng đội" trong khi nếu xét về tính chất hành vi theo phân tích trên thì hoàn toàn không hợp lý.

Thứ hai, “quan hệ công tác” được hiểu là như thế nào, rõ ràng trên thực tế quy định về vấn đề này rất chung chung, quân đội là ngành công tác đặc thù hay có thể gọi là đặc biệt chứ không có một giờ giấc, quy chuẩn công tác cụ thể như các cơ quan dân sự mà là mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm, một số nhiệm vụ mang tính đặc biệt, bí mật, nếu cho rằng quan hệ công tác chỉ bó buộc trong một không gian đơn vị hoặc giờ hành chính thì là không đúng, tuy nhiên nếu có phát sinh hành vi hành hung đồng đội thì việc đánh giá đó có phải trong quan hệ công tác hay không lại là rất khó khăn từ đó lại quy sang tội "Cố ý gây thương tích" là không phù hợp.

Thứ ba,nếu chủ thể hành hung để nhằm mục đích làm nhục thì sẽ xử lý về tội làm nhục đồng đội hay tội "Hành hung đồng đội" hay là truy tố đối với chủ thể cả hai tội danh này thì cũng chưa có quy định cụ thể để hướng dẫn áp dụng.

Thứ tư, trong trường hợp mà hành hung đồng đội mà gây thương tích rất nặng giả sử khoảng 58% thì sẽ truy tố về tội "Cố ý gây thương tích" nhẹ thì truy tố về tội "Hành hung đồng đội" cũng không hợp lý, nếu như vậy thì rõ ràng là áp dụng tùy nghi, cứ gây thương tích nhẹ thì xử lý về tội "Hành hung đồng đội", thương tích nặng thì xử lý về tội "Cố ý gây thương tích". Do đó, theo tác giả cũng cần có văn bản hướng dẫn.

Thứ năm, hiểu thế là trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, rõ ràng chưa có một quy chuẩn được quy định về vấn đề này. Hậu quả trong trường hợp này là đối với nhiều vấn đề cần xem xét bao gồm đối với quân đội, đối với nhà nước, đối với an ninh chính trị, đối với xã hội, đối với dư luận,… vì như đã khẳng định quân đội là ngành đặc thù, tính chất công việc đặc biệt.

Kiến nghị

Các cơ quan có thẩm quyền cần có hướng dẫn áp dụng pháp luật trong các trường hợp trên. Trước hết theo tác giả cần phải nâng mức hình phạt tại khoản 1 lên để tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, tránh việc áp dụng tùy nghi và có nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến việc áp dụng không thống nhất.

Cơ quan có thẩm quyền cũng cần ra các hướng dẫn cụ thể trong các trường hợp trên để tránh sự tùy nghi trong việc áp dụng pháp luật, đảm bảo việc áp dụng pháp luật được thống nhất, tránh sai sót trong quá trình tiến hành tố tụng.

 VŨ VIỆT PHƯƠNG

Tòa án Quân sự Khu vực - Quân khu 1

Một số vướng mắc khi áp dụng pháp luật về tội “Làm nhục đồng đội” tại Điều 397 Bộ luật Hình sự 2015

Nguyễn Hoàng Lâm