/ Trao đổi - Ý kiến
/ Vấn đề về xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án của Tòa án quy định tại Điều 252 BLTTHS

Vấn đề về xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án của Tòa án quy định tại Điều 252 BLTTHS

11/10/2021 16:51 |

(LSVN) - Thu thập chứng cứ là một giai đoạn của quá trình chứng minh. Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định Tòa án có thẩm quyền xác minh, thu thập và bổ sung chứng cứ nhằm đảm bảo cho vụ án hình sự được giải quyết một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, tránh làm oan người vô tội và bỏ lọt tội phạm. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng quy định này trên thực tế còn nhiều hạn chế và hiệu quả chưa cao do chưa có văn bản của cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể.

Ảnh minh họa.

Điều 252 BLTTHS năm 2015 quy định: “Tòa án tiến hành việc xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ bằng các hoạt động: 

1. Tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp;

2. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án;

3. Xem xét tại chỗ các vật chứng không thể đưa đến phiên tòa;

4. Xem xét tại chỗ nơi đã xảy ra tội phạm hoặc địa điểm khác có liên quan đến vụ án;

5. Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản ngoài các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định, cần định giá tài sản quy định tại Điều 206 và Điều 215 của Bộ luật này; trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại; yêu cầu định giá lại tài sản;

6. Trường hợp Tòa án đã yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung chứng cứ nhưng Viện kiểm sát không bổ sung được thì Tòa án có thể tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án”.

Như vậy, theo quy định của luật, việc Tòa án xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ được quy định cụ thể tại Điều 252 BLTTHS năm 2015. Theo đó, để xác định sự thật khách quan của vụ án, Tòa án thực hiện một trong các hoạt động xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ quy định tại Điều này; trong đó có quy định trường hợp Tòa án đã yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung chứng cứ nhưng Viện Kiểm sát không bổ sung được, nếu Tòa án xét thấy cần thiết thì có thể tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án. Đây là quy định bảo đảm quyền độc lập của Tòa án nói chung và Hội đồng xét xử nói riêng, Tòa án hoàn toàn có thẩm quyền xác minh, thu thập hoặc bổ sung chứng cứ nếu thấy cần thiết không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của Cơ quan Điều tra hay Viện Kiểm sát. 

Tuy nhiên, trên thực tế vấn đề Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án trên thực tế hiện nay còn tồn tại hai quan điểm: 

Quan điểm thứ nhất: Tòa án tiến hành hoạt động thu thập chứng cứ là độc lập không phụ thuộc vào việc Tòa án đã trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát hay chưa, theo đó các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đều bình đẳng trong việc thu thập chứng cứ, việc thu thập chứng cứ là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng nhằm làm sáng tỏ nội dung vụ án. 

Quan điểm thứ hai: Tòa án chỉ được tiến hành các hoạt động thu thập chứng cứ khi đã trả hồ sơ yêu cầu Viện Kiểm sát bổ sung chứng cứ nhưng Viện Kiểm sát không bổ sung được hoặc không thực hiện. Như vậy, điều kiện tiên quyết trước khi tiến hành hoạt động thu thập chứng cứ là Tòa án phải trả hồ sơ điều tra bổ sung và Viện Kiểm sát không bổ sung được chứng cứ mà Tòa án yêu cầu thì Tòa án mới được quyền tiến hành các hoạt động thu thập chứng cứ. 

Nghiên cứu các quy định của BLTTHS nhận thấy, hoạt động thu thập chứng cứ của Tòa án quy định từ khoản 1 đến khoản 5 Điều 252 BLTTHS được cụ thể hóa tại Điều 253 (Tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án), Điều 284 (Yêu cầu Viện Kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ), khoản 1 Điều 312 (Xem xét vật chứng), Điều 314 (Xem xét tại chỗ), khoản 4 Điều 316 (Hỏi người giám định, người định giá tài sản). Tại đoạn 4, khoản 3 của Điều 280 quy định: “Trường hợp Viện kiểm sát không bổ sung được những vấn đề mà Toà án yêu cầu và vẫn giữ nguyên quyết định truy tố thì Toà án tiến hành xét xử vụ án”. 

Theo tác giả, quy định tại khoản 6 Điều 252 BLTTHS cần được hiểu Tòa án chỉ tiến hành các hoạt động thu thập chứng cứ khi đã trả hồ sơ yêu cầu Viện Kiểm sát bổ sung nhưng Viện Kiểm sát không bổ sung được hoặc không thực hiện, bởi vì khoản 1 Điều 102 Hiến pháp đã quy định rõ Toà án nhân dân là cơ quan xét xử. Do đó, nếu hiểu như quan điểm thứ nhất cho Toà án chức năng điều tra (thu thập chứng cứ) là không phù hợp với chức năng xét xử của Tòa án. Mặt khác, quá trình thu thập bổ sung chứng cứ đã được Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát tiến hành theo trình tự, thủ tục chặt chẽ theo quy định của pháp luật, nếu trong giai đoạn điều tra, truy tố mà Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát không bổ sung được thì Tòa án cũng rất khó có thể thực hiện được đầy đủ trừ một vài trường hợp như Tòa án cấp trên yêu cầu Tòa án cấp dưới xác minh làm rõ thêm các chứng cứ có trong hồ sơ khi xem xét lại bản án của Tòa án cấp dưới. Đồng thời, việc xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ của Tòa án trong một số trường hợp còn phát sinh chi phí tố tụng, làm ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ chung của Tòa án. 

Do đó, cơ quan có thẩm quyền cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể về phân cấp trách nhiệm, vai trò của Tòa án và Viện Kiểm sát trong hoạt động này không sẽ dẫn đến sự đùn đẩy trách nhiệm khi cho rằng Tòa án có quyền bổ sung, thu thập chứng cứ nên Viện Kiểm sát không thực hiện việc điều tra bổ sung theo yêu cầu của Tòa án.

HỒ NGUYỄN QUÂN

Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 4

Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị không cách ly tập trung với hành khách đi máy bay

Lê Minh Hoàng