Ảnh minh hoạ.
Theo Khoản 2 Điều 2 Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg ngày 30/6/2003 của Chính phủ đưa ra khái niệm tiền giả như sau: “Tiền giả là những loại tiền được làm giống như tiền Việt Nam nhưng không phải Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức in, đúc, phát hành”. Trong khi đó, khái niệm tiền giả tại điểm 3 Mục I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao có nội hàm rộng hơn, cụ thể là tiền giả bao gồm “Tiền Việt Nam đồng giả và ngoại tệ giả; ngân phiếu giả, công trái giả bao gồm ngân phiếu, công trái giả ngân phiếu, công trái của Việt Nam hoặc của nước ngoài phát hành, nhưng có giá trị thanh toán tại Việt Nam”. Khái niệm tiền giả gần đây được quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 28/2013/TT-NHNN ngày 05/12/2013 của Ngân hàng Nhà nước và gần như trùng khít với khái niệm tiền giả được quy định tại Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg ngày 30/6/2003.
Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 3 Thông tư số 28/2013/TT-NHNN còn quy định “Tiền giả loại mới là loại tiền giả chưa được Ngân hàng Nhà nước (hoặc Bộ Công an) thông báo bằng văn bản”. Như vậy, đây chính là các văn bản pháp luật quan trọng đưa ra khái niệm tiền giả và các văn bản còn hiệu lực pháp luật là cơ sở để cơ quan tố tụng áp dụng nhằm xử lý các hành vi “làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả”.
Định nghĩa trên cũng chưa thể hiện được tính đầy đủ về bản chất của tiền giả theo pháp luật hình sự Việt Nam bởi ngoài tiền của Nhà nước Việt Nam phát hành thì còn có các đối tượng tiền giả là tiền của nước ngoài nhưng có giá trị thanh toán tại Việt Nam.
Tội "Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả" được quy định tại Điều 207 BLHS. Theo đó, người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Một số vưỡng mắc, bất cập của tội "Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả"
Thứ nhất, Điều 207 BLHS không quy định giới hạn tối thiểu mệnh giá ghi trên tiền giả tương đương giá trị tiền thật là bao nhiêu để truy cứu TNHS, đồng thời không có quy định nào về xử phạt vi phạm hành chính về hành vi lưu hành tiền giả, nên nếu lưu hành tiền giả có giá trị tương đương tiền thật dưới 5 triệu đồng (bất kể là bao nhiêu, có thể là 200 đồng, 2000 đồng hay 20.000 đồng...) thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm; từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm; từ 50 triệu đồng trở lên bị phạt tù từ 10 đến 20 năm.
Như vậy, theo quy định của BLHS thì tội "Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả" không có mức định lượng tối thiểu và chỉ có mức định lượng tối đa để định khung hình phạt. Có nghĩa là nếu một người có hành vi lưu hành tiền giả với giá trị thấp từ hai trăm đồng hoặc năm trăm đồng hoặc năm ngàn đồng, hai mươi ngàn đồng ... đến dưới năm triệu đồng thì bị truy tố theo khoản 1 Điều 207 BLHS về tội "Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả", với điều kiện là có đủ căn cứ để xác định được là họ mặc dù biết là tiền giả nhưng vẫn cố ý lưu hành.
Tuy nhiên vẫn có ý kiến cho rằng cần phải quy định mức tối thiểu đối với tội "Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả" và quy định hình thức xử phạt hành chính đối với hành vi lưu hành tiền giả khi trị giá tiền giả lưu hành nhỏ. Nếu chúng ta không quy định mức tối thiểu của Điều luật (Điều 207 BLHS), đồng thời không quy định xử phạt hành chính về hành vi lưu hành tiền giả với mệnh giá thấp (200 đồng, 5000 đồng, 20.000 đồng ...) thì khi gặp những trường hợp này các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ rất lúng tùng khi giải quyết. Truy tố người có hành vi lưu hành tiền giả với mệnh giá thấp thì không nỡ, xử lý hành chính thì không có quy định; mà nếu truy tố số lượng rất nhiều.
Thứ hai là vấn đề về áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội 02 lần trở lên” trong xét xử các tội "Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả". Theo tinh thần Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP, hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS năm 1999, đối với người nhiều lần lưu hành tiền giả thì cần phải lấy tổng số lượng tiền giả các lần phạm tội cộng lại để xem xét trách nhiệm hình sự đối với họ; nếu các lần phạm tội đó đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì không xem xét trách nhiệm hình sự đối với trượng hợp đó (không cộng số lượng tiền giả của lần phạm tội đó); nếu có hai lần phạm tội "Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả" trở lên thì ngoài việc cộng số lượng tiền giả của các lần phạm tội đó để xem xét trách nhiệm hình sự, còn phải áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự phạm tội 02 lần trở lên.
Tuy nhiên, trong thực tiễn có nhiều trường hợp rất khó áp dụng vì nảy sinh vấn đề như sau. Ví dụ: Khi người phạm tội cố ý đem 5.000.000 đồng đi tiêu thụ, họ tiêu thụ 03 lần mỗi lần 200.000 đồng đến lần thứ ba thì bị phát hiện, thì khi xét xử họ về tội "Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả" với tổng số tiền 5.000.000 đồng theo khoản 2 Điều 207 hay tổng 03 lần tiêu thụ 600.000 đồng theo khoản 1 Điều 207. Nếu xét xử họ với số tiền 5.000.000 đồng thì có áp dụng tình tiết tăng nặng phạm tội 02 lần trở lên hay không.
Vấn đề này có 2 quan điểm như sau: (i) Nếu xét xử họ với số tiền 5.000.000 đồng thì không áp dụng tình tiết tăng nặng phạm tội 02 lần trở lên; (ii) Nếu xét xử họ áp dụng tình tiết tăng nặng phạm tội 02 lần trở lên thì không được xử họ với số tiền 5.000.000 đồng mà là 600.000 đồng.
Qua nghiên cứu, phân tích một số vấn đề trong xét xử các tội "Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả" như đã nêu trên, tác giả đề xuất nên sửa lại khoản 1 Điều 207 BLHS như sau: “Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả có giả trị từ 500.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng hoặc dưới 500.000 đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm.” Đồng thời bổ sung thêm quy định về hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi lưu hành tiền giả có giá trị dưới 500.000 đồng.
HOÀNG ANH TUẤN
Tòa án quân sự Quân khu 7
Sử dụng chứng cứ điện tử để chứng minh trong tố tụng hình sự