/ Pháp luật - Đời sống
/ Một số vướng mắc, tồn tại khi triển khai thực hiện Luật Quốc tịch

Một số vướng mắc, tồn tại khi triển khai thực hiện Luật Quốc tịch

24/06/2022 15:54 |

(LSVN) - Quốc tịch là mối liên hệ pháp lý giữa cá nhân đối với nhà nước nhất định, biểu hiện ở tổng thể các quyền và nghĩa vụ của người đó được pháp luật của Nhà nước quy định và bảo đảm thực hiện. Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) đã tạo cơ sở pháp lý thuận lợi trong việc quản lý vấn đề về quốc tịch như việc cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài cũng như cho cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc giữ quốc tịch Việt Nam.

Tuy nhiên, qua thực tế triển khai đạo luật quan trọng này phát sinh một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, bổ sung trong thời gian tới. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, việc giải quyết các vấn đề về quốc tịch hiện nay liên quan đến nhiều cấp, thậm chí có thủ tục phải liên quan đến cơ quan có thẩm quyền nước ngoài (nhập quốc tịch) nên thời gian giải quyết thường phải kéo dài; việc giải quyết các vấn đề liên quan đến quốc tịch có một số yếu tố nhạy cảm... Do vậy, việc giải quyết yêu cầu của cá nhân có liên quan còn gặp khó khăn, nhất là hoàn thiện các giấy tờ, thủ tục có liên quan.

Thứ hai, quy định về nhập quốc tịch cho người không có đầy đủ các giấy tờ về nhân thân, nhưng đã cư trú ổn định trên lãnh thổ Việt Nam từ 20 năm trở lên tính đến ngày luật này có hiệu lực và tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam thì được nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 22 Luật Quốc tịch nay đã hết hạn. Do đó, những người không quốc tịch thuộc trường hợp này không thể áp dụng Điều 22 để tiến hành nhập quốc tịch cho mình làm ảnh hưởng đến quyền lợi của những đối tượng này, nhất là ở khu vực biên giới,... 

Thứ ba, một số trường hợp cơ quan chức năng chưa xóa nơi đăng ký thường trú đối với các trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài; chưa thu hồi Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, hộ chiếu Việt Nam đối với các trường hợp đã thôi quốc tịch Việt Nam. Vì vậy, đã gây ra một số khó khăn trong việc quản lý nhà nước của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cũng như chưa đảm bảo an toàn pháp lý trong các giao dịch dân sự liên quan đến đối tượng này.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần sớm khắc phục, tháo gỡ những tồn tại, bất cập nêu trên. Đặc biệt là sớm có hướng dẫn cụ thể về giải quyết các vấn đề về quốc tịch cho những người di cư tự do vẫn còn tồn tại hiện nay. Đồng thời, xem xét đơn giản hóa thủ tục nhập quốc tịch nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xin nhập quốc tịch cho các đối tượng có liên quan khi có yêu cầu.

Thạc sĩ PHẠM VĂN CHUNG

Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum

Phân biệt giữa khiếu nại hành chính và khởi kiện hành chính

Lê Minh Hoàng