Ảnh minh họa.
Điều 150 BLHS quy định:
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc bằng thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm: a) Có tổ chức; b) Vì động cơ đê hèn; c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%; d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này; đ) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; e) Đối với từ 02 đến 05 người; g) Phạm tội 02 lần trở lên. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: a) Có tính chất chuyên nghiệp; b) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên; d) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát; đ) Đối với 06 người trở lên; e) Tái phạm nguy hiểm. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. |
Theo tác giả Đinh Văn Quế: “Mua bán người là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác để chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác hoặc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.” [1].
Chủ thể của tội phạm: Người từ 16 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Mua bán người" (Điều 150); người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 150 BLHS.
Khách thể của tội phạm: Trực tiếp xâm phạm đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự và quyền tự do của con người được BLHS bảo vệ.
Mặt khách quan của tội phạm: Người phạm tội thực hiện các hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc bằng thủ đoạn khác thực hiện việc chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện các hành vi trên.
Hậu quả là việc con người thực tế đã bị mua bán, danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tự do bị xâm phạm. Bị hại trong tội phạm này là người từ đủ 16 tuổi trở lên. Nếu bị hại là người dưới 16 tuổi thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 151 BLHS.
Mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả đó xảy ra. Nếu người thực hiện hành vi đó mà không nhận thức được là hành vi mua bán người thì không phải là tội phạm.
Ví dụ: A có nhu cầu đi xuất khẩu lao động ra ngoài có nhờ B tìm giúp công ty có dịch vụ đưa người sang nước ngoài để lao động, tuy nhiên do không tìm hiểu kỹ nên B có nhờ C tự xưng là người của công ty H có làm dịch vụ đưa người sang nước ngoài để lao động, sau khi A ra nước ngoài thì mới biết đây là tổ chức mua bán người qua biên giới. Trong trường hợp này, B không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Mua bán người" do B không biết việc của C là mua bán người qua biên giới.
Về hình phạt: Khoản 1 quy định mức phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. Khoản 2 các tình tiết định khung tăng nặng quy định mức phạt tù từ 08 năm đến 15 năm. Khoản 3 quy định các tình tiết định khung tăng nặng với mức độ cao hơn, nguy hiểm hơn khoản 2 mức hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
Hình phạt bổ sung: Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phản quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Nhà làm luật đã quy định Điều 150 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 có một số điểm mới so với Điều 119 BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung 2009 về tội "Mua bán người" như:
Thứ nhất, Điều 150 BLHS năm 2015 bao gồm 04 khoản còn BLHS năm 1999 bao gồm 03 khoản; nhà làm luật đã tách khoản 2 Điều 119 BLHS năm 1999 thành hai khoản 2, 3 ở Điều 150 BLHS năm 2015 và bổ sung thêm một số tình tiết định khung tăng nặng; đồng thời cũng tăng mức hình phạt cao hơn so với BLHS cũ, cụ thể mức hình phạt tù đối với khoản 1 của BLHS năm 2015 áp dụng là từ 05 năm đến 10 năm còn BLHS năm 1999 là từ 02 năm đến 07 năm; tại khoản 2 của BLHS năm 2015 là từ 08 năm đến 15 năm còn BLHS năm 1999 là 5 năm đến 20 năm; khoản 3 của BLHS năm 2015 là từ 12 năm đến 20 năm; khoản 4 của BLHS năm 2015 phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản còn BLHS năm 1999 từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Thứ hai, BLHS năm 2015 đã mô tả cụ thể các hành vi khách quan của tội "Mua bán người" còn BLHS năm 1999 chỉ quy định “người nào mua bán người” là cần thiết, đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng chống loại tội phạm này trong giai đoạn hiện nay. Trong điều luật nhà làm luật quy định một số dấu hiệu còn chung chung, cần phải giải thích như “thủ đoạn khác”, “để bóc lột tình dục”, “để cưỡng bức lao động”, “để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân”, “vì mục đích vô nhân đạo khác”; tuy nhiên, ngày 11/01/2019 Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội "Mua bán người" và Điều 151 về tội "Mua bán người dưới 16 tuổi" của Bộ luật Hình sự, đã giải thích rõ những thuật ngữ nêu trên tạo tiền đề, cơ sở để áp dụng pháp luật một cách đúng đắn.
Những vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện
Tội "Mua bán người" trong BLHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung những nội dung cơ bản nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm mua bán người hiện nay. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tiễn vẫn còn một số những khó khăn, vướng mắc như:
Thứ nhất, BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung là một bước tiến mới trong quá trình lập pháp khi lần đầu tiên quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Tuy nhiên, do lần đầu tiên được quy định nên việc các nhà làm luật hạn chế pháp nhân thương mại chỉ chịu trách nhiệm hình sự về 33 tội phạm cụ thể được quy định tại Điều 76 BLHS như tội phạm được quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245, 246, 300 và 324 của BLHS. Hiện nay, với tình hình tội phạm mua bán người diễn ra ngày càng tinh vi, có tổ chức, không ít những tội phạm núp bóng dưới hình thức pháp nhân thương mại để thực hiện hành vi mua bán người xuyên quốc gia nhằm che mắt các cơ quan tiến hành tố tụng.
Thứ hai, về tình tiết định khung tăng nặng là hậu quả của việc thực hiện hành vi mua bán người đối với nạn nhân “gây rối loại tâm thần và hành vi” tại điểm c khoản 2, 3 Điều 150, hiện nay việc vận dụng vào thực tế còn nhiều cách hiểu khác nhau, chưa thống nhất. Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội "Mua bán người" và Điều 151 về tội "Mua bán người dưới 16 tuổi" của Bộ luật Hình sự, đã hướng dẫn cơ bản đầy đủ về các tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự nhưng vẫn chưa hướng dẫn về tình tiết “gây rối loại tâm thần và hành vi” là như thế nào.
Thứ ba, về tình tiết “bóc lột tình dục”, “cưỡng bức lao động” và “lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 150. Tại điểm b khoản 3 Điều 150 quy định tình tiết định khung tăng nặng “đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân” nhưng trong điều luật lại không thấy quy định tình tiết định khung tăng nặng “đã bóc lột tình dục” và “đã cưỡng bức lao động” là không thống nhất.
Thứ tư, hiện nay xuất hiện hành vi mới trong thời gian gần đây là tình trạng mua bán thai nhi trong bụng mẹ. Việc mua bán thai nhi bắt đầu diễn ra từ thời điểm đang mang thai đến khi đứa trẻ chưa chào đời nên chưa có hậu quả xảy ra dẫn tới khó khăn trong công tác xử lý. Theo pháp luật hình sự nước ta hiện nay thì chỉ được coi là con người và có quyền công dân khi mà đứa trẻ được sinh ra, còn khi vẫn đang còn là bào thai trong bụng mẹ thì chưa thể coi là con người, chưa là đối tượng của hành vi phạm tội, cho nên cơ quan chức năng không có căn cứ pháp lý để xử lý hành vi mua bán thai nhi. Đồng thời, BLHS cũng chưa có quy định nào về hành vi mua bán thai nhi trong bụng mẹ để làm cơ sở, căn cứ để xử lý trách nhiệm hình sự.
Thứ năm, hình phạt bổ sung là hình phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Theo tác giả hình phạt bổ sung này hiện nay đang ở mức thấp vì “lợi nhuận” thu được từ hành vi mua bán người là rất lớn, cơ quan tiến hành tố tụng rất khó có thể chứng minh và tịch thu được.
Từ những khó khăn, vướng mắc trên tác giả đề nghị một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật nhằm đảm bảo công tác đấu tranh, phòng chống đối với loại tội phạm mua bán người đạt hiệu quả cao như sau:
Thứ nhất, BLHS cần bổ sung thêm chủ thể chịu trách nhiệm hình sự là pháp nhân thương mại đối với tội "Mua bán người" nhằm đáp ứng được thực tiễn tình hình phạm tội có tổ chức chặt chẽ, đa quốc gia hiện nay.
Thứ hai, đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm ban hành hướng dẫn tình tiết “gây rối loạn tâm thần và hành vi” để các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng thống nhất trong việc xử lý.
Thứ ba, BLHS cần bổ sung tình tiết định khung tăng nặng “đã bóc lột tình dục” và “đã cưỡng bức lao động” để đảm bảo thống nhất trong điều luật.
Thứ tư, BLHS cần bổ sung loại tội mới về hành vi mua bán thai nhi đang trong bụng mẹ để làm cơ sở cho việc xử lý trách nhiệm hình sự trước tình hình mua bán diễn ra ngày càng nhiều và tinh vi hiện nay.
Thứ năm, cần sửa khoản 4 Điều 150 BLHS về hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, nâng mức xử phạt từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng thành từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng để đảm bảo tính răn đe, phù hợp với lợi ích bất chính từ hành vi mua bán người mang lại cho người phạm tội.
[1] Đinh Văn Quế, Bình luận Bộ luật Hình sự 2015 - Chương XIV Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, NXB. Thông tin và truyền thông, Hà Nội, 2018. |
LÊ VĂN THANH
Tòa án Quân sự Khu vực Quân khu 1
Quốc hội thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí