Ảnh minh họa.
Theo quy định tại Điều 54 Bộ luật Hình sự về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng:
“1. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.
2. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.
3. Trong trường hợp có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, thì Tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án”.
Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng là chế định thể hiện sự ưu việt của pháp luật hình sự Việt Nam, đề cao tính nhân văn, nhân đạo đối với người có hành vi phạm tội thông qua việc giảm bớt trách nhiệm hình sự bằng việc áp dụng loại hình phạt khác nhẹ hơn và mức hình phạt bị áp dụng thấp hơn so với việc người bị kết án sẽ bị áp dụng loại hình phạt, mức hình phạt nặng hơn nếu người đó bị Tòa án quyết định hình phạt trong trường hợp thông thường. Quy định này nhằm tạo điều kiện cho người bị kết án nhận ra lỗi lầm, tích cực cải tạo để trở thành người có ích cho gia đình, xã hội.
Theo Khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự, Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này. Đầu tiên, là số lượng tình tiết giảm nhẹ ít nhất phải từ 2 trở lên và tình tiết đó phải là những tình tiết đã được chỉ định rõ tại Khoản 1 Điều 51. Vì vậy, những tình tiết giảm nhẹ theo Khoản 2 Điều 51, có ghi trong bản án cũng không được áp dụng để quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt. Tiếp theo, phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật. Như vậy, không thể áp dụng khung liền kề nặng hơn của Điều luật, cũng không thể nhảy bước, không thể áp dụng khung hình phạt liền kề của khung kế tiếp.
Trường hợp thứ hai, theo Khoản 2 Điều 54, đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật. Đối tượng người giúp sức phạm tội lần đầu trong vụ án đồng phạm có mức độ gây thiệt hại cho xã hội đã ít hơn nhiều so với vai trò chủ mưu, cầm đầu, tổ chức, thực hành, thêm vào đó sự giúp sức này đóng góp không đáng kể, tức mức độ gây nguy hiểm cho xã hội đã ít lại càng ít. Việc quy định “có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật” cho thấy sự nhân đạo trong chính sách của Nhà nước về xử lý người phạm tội.
Đặc biệt, Khoản 3 Điều 54, trường hợp điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, và người phạm tội có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này. Trong trường hợp đó, Tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn.
Qua nghiên cứu, tác giả nhận thấy một số quy định tại điều 54 Bộ luật Hình sự còn có những quan điểm áp dụng pháp luật khác nhau gây khó khăn, vướng trong áp dụng hình phạt tù có thời hạn trong thực tiễn xét xử như sau:
Thứ nhất,về quyết định loại hình phạt tù trong trường hợp áp dụng các khoản 1, 2 Điều 54 Bộ luật Hình sự. Tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 Bộ luật Hình sự quy định: “1. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn ...2. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn…”. Như vậy, trong trường hợp khung hình phạt nhẹ hơn có nhiều loại hình phạt, Tòa án có được áp dụng loại hình phạt khác với hình phạt của khung hình phạt được áp dụng không?
Thứ hai, về quyết định mức hình phạt trong trường hợp áp dụng khoản 2 Điều 54 Bộ luật Hình sự. Khoản 2 Điều 54 Bộ luật Hình sự quy định: “2. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể".
Vì vậy, từ những phân tích trên, đề nghị các cơ quan chuyên môn cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về các nội dung sau:
Hướng dẫn cụ thể về quy định áp dụng hình phạt tù có thời hạn dưới mức thấp nhất theo khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự về “mức thấp hơn” nhưng phải cùng loại hình phạt tù có thời hạn của khung hình phạt. Chúng tôi đề xuất quy định như sau: “Trường hợp áp dụng hình phạt tù có thời hạn ở dưới mức thấp nhất khung hình phạt nhẹ hơn nhưng vẫn phải cùng loại hình phạt được áp dụng có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt”.
Về quyết định mức hình phạt tù trong trường hợp áp dụng khoản 2 Điều 54 Bộ luật Hình sự khi không đủ điều kiện áp dụng theo khoản 1 Điều 54; chúng đề xuất: “Có thể áp dụng khoản 2 Điều 54 Bộ luật Hình sự để quyết định một mức hình phạt trong khung hình phạt liền kề”. Bởi vì, khoản 2 Điều 54 Bộ luật Hình sự quy định là “không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn”, tức là có thể áp dụng mức hình phạt trong khung liền kề nhẹ hơn hoặc áp dụng mức hình phạt thấp hơn hình phạt trong khung liền kề nhẹ hơn. Việc áp dụng khoản 2 Điều 54 Bộ luật Hình sự để quyết định một mức hình phạt mức hình phạt thấp trong khung hình phạt liền kề sẽ có tính thuyết phục hơn áp dụng khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự.
Mặt khác, việc áp dụng khoản 2 Điều 54 Bộ luật Hình sự trong trường hợp này vẫn đảm bảo cho bị cáo được áp dụng khung hình phạt liền kề nhẹ hơn kể cả khi không đủ điều kiện để áp dụng khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự.
TRẦN MẠNH TUẤN
Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 2
Bàn về vấn đề điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015