Ảnh minh họa.
Vướng mắc khi lập biên bản vi phạm hành chính
Theo điểm d khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định một trong những nguyên tắc của xử phạt vi phạm hành chính là: “Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần…”.
Thời gian trước đây, khi Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ chưa có hiệu lực [1] (trước ngày 01/01/2022), để hướng dẫn nguyên tắc này, khoản 3 Điều 6 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ [2] quy định như sau: “Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị lập biên bản và ra quyết định xử phạt một lần…”.
Quy định này đã dẫn tới nhiều cách hiểu khác nhau gây lúng túng cho cơ quan có thẩm quyền khi thực hiện xử lý vi phạm hành chính: (i) Một hành vi vi phạm hành chính có thể bị lập biên bản nhiều lần nhưng chỉ được ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính một lần; (ii) một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị lập biên bản một lần và chỉ được ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính một lần.
Nếu hiểu và áp dụng theo cách thứ hai thì những trường hợp biên bản vi phạm hành chính có sai sót trong quá trình lập (như xác định không đúng đối tượng thực hiện hành vi vi phạm hành chính; ghi nhận ngày tháng thiếu chính xác; không yêu cầu đối tượng vi phạm ký tên vào từng trang của biên bản;…) không có hướng dẫn xử lý, trong khi biên bản vi phạm hành chính là cơ sở chính để ban hành quyết định xử phạt và các sai sót không được điều chỉnh trong biên bản dễ dẫn đến tình trạng bị khởi kiện vụ án hành chính và bị Tòa án tuyên hủy quyết định xử phạt.
Theo Công văn số 2659/BTP-QLXLVPHC&TDTHPL ngày 10/8/2016 của Bộ Tư pháp hướng dẫn giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong xử phạt vi phạm hành chính thì nguyên tắc “Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần” được hiểu theo cách thứ nhất. Theo đó, trường hợp hành vi vi phạm hành chính đã bị lập biên bản vi phạm hành chính nhưng sau đó cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện có sai sót thì không được hủy biên bản đã lập để lập biên bản vi phạm hành chính mới. Trong trường hợp này chỉ có thể căn cứ vào quy định tại Điều 59 Luật Xử lý vi phạm hành chính để tiến hành xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm để sửa đổi, bổ sung những nội dung có sai sót trong biên bản vi phạm hành chính đã lập. Việc xác minh này phải được lập thành biên bản và biên bản này “cũng phải được lập theo đúng thủ tục, trình tự quy định tại Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính và có đầy đủ chữ ký của những người có liên quan: cá nhân hoặc đại diện tổ chức vi phạm; người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại (nếu có) và là tài liệu gắn liền với biên bản vi phạm hành chính trình người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt, đồng thời, lưu trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính”. Tuy nhiên, đây chỉ là văn bản hành chính và chỉ mang tính chất trao đổi, hướng dẫn của Bộ Tư pháp về lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính cho Sở Tư pháp TP.Hồ Chí Minh.
Từ ngày 01/01/2022, khoản 3 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 quy định như sau: “Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị lập một biên bản và ra quyết định xử phạt một lần…”. Việc quy định lại cách thức lập biên bản vi phạm hành chính như trên đã có phần cụ thể hơn quy định tại Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 trước đây, tuy nhiên vẫn chưa nêu rõ cách thức hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc đính chính biên bản vi phạm hành chính khi có sai sót, dẫn đến tồn tại nhiều cách thực hiện chưa thống nhất.
Kết luận
Như đã đề cập, việc thực hiện lập biên bản vi phạm hành chính là một trong những giai đoạn quan trọng trong việc thực hiện xử lý vi phạm hành chính, là cơ sở chính để ban hành Quyết định xử lý vi phạm hành chính. Do vậy, thiết nghĩ cần sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 theo nội dung Bộ Tư pháp đã hướng dẫn tại Công văn số 2659/BTP-QLXLVPHC&TDTHPL để tạo điều kiện cho người có thẩm quyền cũng như các tổ chức, cá nhân vi phạm có căn cứ rõ ràng hơn trong việc lập biên bản vi phạm hành chính.
[1] Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính. [2] Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017). |
THANH THỊNH
Tòa án Quân sự Khu vực Hải quân