Một số ý kiến tham gia góp ý đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản

08/05/2024 22:40 | 1 tuần trước

(LSVN) - Hiện nay, Quốc hội đang lấy ý kiến đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản (dự thảo Luật).

Ảnh minh họa.

Sau khi nghiên cứu dự thảo Luật, tác giả xin tham gia một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, điểm 1, khoản 1, Điều 4, Luật Đấu giá tài sản được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1, Điều 1, dự thảo Luật quy định: "l) Tài sản kê biên để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính". Đề nghị bổ sung nội dung này như sau: "l) Tài sản bị cưỡng chế kê biên để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính". Lý do: theo quy định, để thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt không chấp hành) thì phải cưỡng chế kê biên tài sản; nếu không thông qua thủ tục cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì không thể kê biên tài sản. Do đó, việc bổ sung cụm từ "bị cưỡng chế" sẽ đảm bảo đầy đủ nội dung theo quy định.

Thứ hai, khoản 2, Điều 4, Luật Đấu giá tài sản được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1, Điều 1, dự thảo Luật quy định: "2. Tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn đấu giá.”.  Việc sử dụng cụm từ "tự nguyện" là không cần thiết, vì như thế nào là tự nguyện, muốn biết họ tự nguyện hay không thì phải phát sinh thêm thủ tục cam kết để xác định việc tự nguyện lựa chọn đấu giá. Và khi tổ chức, cá nhân lựa chọn đấu giá thì đương nhiên họ đã tự nguyện. Do đó, đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung này như sau: "2. Tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức lựa chọn đấu giá”.

Thứ ba, khoản 14, Điều 4, Luật Đấu giá tài sản được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2, Điều 1, dự thảo Luật quy định: "14. Ngày làm việc để tính thời hạn thực hiện trình tự, thủ tục đấu giá quy định tại Luật này là các ngày từ thứ hai đến thứ sáu, trừ ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ bù theo quy định.”. Việc giải thích ngày làm việc như trên là chưa đầy đủ, vì trên thực tế, cơ quan có thẩm quyền vẫn quyết định ngày làm bù vào ngày thứ Bảy, Chủ Nhật sau khi hoán đổi ngày nghỉ là ngày làm việc trong tuần. Do đó, cần sửa đổi, bổ sung nội dung này như sau: "14. Ngày làm việc để tính thời hạn thực hiện trình tự, thủ tục đấu giá quy định tại Luật này là các ngày từ thứ hai đến thứ sáu và ngày làm bù theo quy định, trừ ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ bù theo quy định”.

Thứ tư, đoạn 2, khoản 2, Điều 7, Đấu giá tài sản được sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 1, dự thảo Luật quy định: "Việc giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu đối với tài sản đấu giá, khiếu nại, khởi kiện về hiệu lực pháp lý của cuộc đấu giá thành, việc hủy kết quả đấu giá tài sản quy định tại khoản 2 và khoản 3, Điều 72 của Luật này được thực hiện theo thủ tục rút gọn của pháp luật tố tụng dân sự.”. Đề nghi bỏ cụm từ "khiếu nại", vì khi giải quyết khiếu nại thì phải tuân thủ theo Luật Khiếu nại chứ không thể giải quyết theo thủ tục rút gọn của pháp luật tố tụng dân sự.

Thứ năm, điểm d1 (sau điểm d), khoản 2, Điều 9, Đấu giá tài sản được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4, Điều 1, dự thảo Luật quy định: "d1) Cố ý cung cấp thông tin không chính xác hoặc giả mạo hồ sơ tham gia lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản;”. Việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc giả mạo hồ sơ tham gia lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản là hành vi vi phạm phạm pháp luật, không phụ thuộc vào hành động cố ý hay vô ý; đồng thời, như thế nào là cố ý cũng không có cơ sở để xác định. Do đó, đề nghị bỏ cụm từ "cố ý" và biên tập lại nội dung này như sau: "d1) Cung cấp thông tin không chính xác hoặc giả mạo hồ sơ tham gia lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản”.

Thứ sáu, hiện nay, Bộ Công an đang thí điểm tổ chức đấu giá biển số xe ô tô. Do vậy, đề nghị bổ sung nội dung này vào dự thảo tại điều, khoản quy định "tài sản đấu giá". Đồng thời, hiện nay, hiện tượng trúng đấu giá xong, sau đó bỏ cọc xảy ra thường xuyên, nhất là trong việc đấu giá quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản. Do vậy, đối với việc đấu giá quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản đề nghị quy định "cứng" số tiền đặt trước là 20% so với giá khởi điểm.

Thứ bảy, Luật Đấu giá tài sản hiện hành chưa quy định cụ thể, rõ ràng về xử lý hậu quả sau khi hủy quyết định công nhận, phê duyệt kết quả trúng đấu giá đối với việc đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất gây khó khăn cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực thi pháp luật về đấu giá. Vì vậy, đề nghị bổ sung nội dung này vào dự thảo Luật.

Luật gia ĐỖ VĂN NHÂN

Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum

Giải quyết vướng mắc về công chứng, chứng thực liên quan đến người sử dụng đất là 'Hộ gia đình' theo Luật Đất đai năm 2024