(LSVN) - Trong thời gian vừa qua, kinh tế Việt Nam đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Hệ quả mà nền kinh tế để lại phát sinh nhiều tiêu cực, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội. Cụ thể, tình trạng tội phạm lợi dụng giao dịch dân sự để cho vay tiền rất phức tạp và số lượng ngày càng gia tăng. Thủ đoạn phạm tội ngày càng phức tạp, gây hoang mang trong dư luận, gây mất ổn định an ninh trật tự, kìm hãm sự phát triển kinh tế.
Ảnh minh họa.
Tổng quan về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”
Hoạt động cho vay của các nhóm tội phạm ngày càng tinh vi trong những năm gần đây. Nhiều nhóm đối tượng thành lập các “công ty tài chính” trá hình, thậm chí sử dụng Internet và ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá, lôi kéo “khách hàng”. Cùng với hoạt động cho vay lãi suất cao này còn có các hoạt động tội phạm khác nhằm mục đích đòi nợ như hành hung, gây thương tích, chiếm đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng, thậm chí giết người khi người vay không có khả năng trả nợ... Các hoạt động cho vay lãi nặng đang là vấn nạn nhức nhối cho xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn công cộng của người dân.
Nhìn chung, sự xuất hiện của các hình thức cho vay mới, sử dụng công nghệ thông tin, và ứng dụng Internet đã khiến cho việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các loại tội phạm này trở nên khó khăn, tình trạng phạm tội kéo dài, khó xử lý triệt để, dẫn đến nhiều sai phạm, hậu quả nguy hiểm.
Hiện nay, quy định về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” vẫn còn tồn tại những hạn chế, khó khăn, vướng mắc nhất định như thiếu văn bản hướng dẫn, các văn bản pháp luật liên quan đã ban hành còn chồng chéo, mâu thuẫn với nhau.
Vì vậy, hành vi phạm tội này cần được nhận diện và áp dụng thống nhất để đấu tranh phòng, chống tội phạm một cách hiệu quả.
Tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” không phải là tội danh mới, mà đã được ghi nhận trong các Bộ luật Hình sự (BLHS)trước đây. Tuy nhiên, so sánh quy định tại Điều 163 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) với quy định tại Điều 201 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thì nội dung đã được sửa đổi, bổ sung khá nhiều. Cụ thể:
- Thay đổi tên điều luật từ “Cho vay lãi nặng” thành “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”;
- Sửa đổi dấu hiệu định tội, đặc biệt là mức trần lãi suất để xác định tội này;
- Thay đổi mức phạt tiền bằng số tiền cụ thể đối với hình phạt chính và hình phạt bổ sung;
- Làm rõ tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và bổ sung mức phạt tiền đối với trường hợp này.
Các yếu tố cấu thành tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”
Để có thể định tội và áp dụng biện pháp xử lý thích đáng thì cần phải xem xét rõ ràng các dấu hiệu pháp lý và việc phân tích dấu hiệu pháp lý tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” dựa trên các mặt cụ thể như sau:
- Xét vào chủ thể của tội phạm: Là chủ thể thường, tức là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự.
- Xét vào khách thể của tội phạm: Tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của nhà nước về tín dụng mà cụ thể là trật tự trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ, xâm phạm đến lợi ích của công dân.
- Xét vào mặt chủ quan của tội phạm: Người phạm tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự thực hiện hành vi với lỗi cố ý và mục đích vụ lợi bất chính. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả do hành vi đó gây ra và mong muốn hậu quả đó xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho hậu quả đó xảy ra.
- Xét vào mặt khách quan của tội phạm: Thể hiện ở 02 hành vi sau:
Thứ nhất, cho vay lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự (BLDS) và thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên.
Thứ hai, cho vay với mức lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong BLDS, thu lợi bất chính dưới 30.000.000 đồng nhưng trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Trên cơ sở nghiên cứu, qua đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi, nhóm tác giả đưa ra một số vướng mắc và kiến nghị một số nội dung sau:
Vướng mắc
Hiện nay, Nghị quyết số 01/2021/NQ-HĐTP ngày 20/12/2021 hướng dẫn áp dụng Điều 201 của BLHS và việc xét xử vụ án hình sự về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Tuy vậy, vẫn còn tồn tại một số vướng mắc như sau:
Trước hết là về chủ thể tội phạm tại Điều 201 BLHS. Cụ thể, quy định của chủ thể tội phạm chưa đầy đủ vì nhiều doanh nghiệp được thành lập dưới các loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty cho vay, tài chính (còn gọi là pháp nhân)... có cấu trúc, có tài sản độc lập và chịu trách nhiệm về tài sản của mình, lấy lợi nhuận làm mục tiêu chính.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp này thực hiện hoạt động kinh doanh không đúng ngành nghề đã đăng ký hoặc tổ chức hoạt động trái pháp luật để trục lợi. Các doanh nghiệp này thường cung cấp cho khách hàng một khoản tiền lớn để mua sản phẩm với lãi suất rất cao và trả góp hàng tháng hoặc cho vay tiêu dùng lãi suất cao lên tới 100%/năm. Lợi nhuận bất chính bắt đầu từ 30.000.000 đồng nhưng không có cơ sở xử lý các doanh nghiệp này cho vay nặng lãi. Việc bổ sung chủ thể chịu trách nhiệm hình sự với tư cách pháp nhân là vô cùng cần thiết.
Thứ hai, khó khăn khi xác định lãi suất trong yếu tố cấu thành tội phạm.
Đối với các khoản vay lãi suất cao trong giao dịch dân sự thì việc xác định lãi suất là yếu tố bắt buộc nhưng tính lãi bao nhiêu và vượt mức lãi suất tối đa bao nhiêu lần thì quy định trong Bộ luật Dân sự 2015 gặp rất nhiều khó khăn. Số tiền vay được làm rõ thông qua các chứng cứ, thông tin thu thập được, ngày vay, ngày trả nợ, lãi suất, số tiền nhận, số tiền chưa thu được…
Đây là những cơ sở để đánh giá việc cho vay nặng lãi có đủ cấu thành tội phạm hay không, nhưng trên thực tế , rất khó chứng minh lãi suất vì nhiều lý do, ví dụ: hợp đồng vay vốn, có thể có hồ sơ vay bằng miệng nhưng không có lệnh, thủ tục vay chính thức mà bị che đậy bởi các hợp đồng giả cách như hợp đồng mua bán ô tô, hợp đồng mua bán bất động sản. Để có được một khoản vay, hợp đồng không thể hiện lãi suất, hoặc có thể thể hiện lãi suất, nhưng nó được ghi ở mức thấp hơn nhiều so với lãi suất thực tế hoặc người cho vay tính lãi gộp với số tiền. Tiền gốc được ghi là nợ trong hợp đồng, có trường hợp hợp đồng đã trả nhiều năm nhưng chưa trả lãi nên nhập lại số tiền lãi để tính gốc hoặc không có giấy biên nhận.
Nhận thấy, không có chứng cứ vật chất nào thể hiện hành vi cho vay lãi nặng mà chỉ dựa vào lời khai dẫn đến việc chứng minh số tiền thu lợi bất chính để xử lý các đối tượng cho vay lãi nặng gặp khó khăn.
Kiến nghị
Thứ nhất, cần xem xét sửa đổi, bổ sung phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại tại Điều 76 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và bổ sung thêm khoản 4 Điều 201 BLHS 2015: “Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này”.
Thứ hai, cần ban hành có văn bản hướng dẫn cụ thể vấn đề về lãi suất đối với hợp đồng vay tài sản không phải là tiền làm căn cứ cho việc giải quyết các vụ án hình sự, tranh chấp dân sự. Tuy vậy, lãi suất cho vay được quy định trong BLDS 2015 làm căn cứ tính lãi nặng mới chỉ quy định lãi suất đối với tài sản cho vay là tiền mà chưa quy định lãi suất cho vay đối với tài sản khác như vàng, kim khí quý, đá quý và các tài sản khác, trong khi việc cho vay đối với những tài sản khác tương đối phổ biến.
Tài liệu tham khảo 1. Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009; 2. Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017; 3. Bộ luật Dân sự 2015; 4. Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP ngày 20/12/2021 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao ban hành hướng dẫn áp dụng Điều 201 của Bộ luật Hình sự năm 2015 và việc xét xử vụ án hình sự về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”; 5. Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình; 6. TS. Trần Văn Biên, TS. Đinh Thế Hưng, Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), NXB Thế giới. |
PHẠM MINH ĐÔ
Thư ký Tòa án Quân sự Quân khu 7
TRẦN NGUYỄN BẢO NGÂN
Học viên Cao học Luật Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
Quy định về giấy tờ và thông tin cá nhân cần lưu ý khi đi máy bay từ 15/02/2024