Tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” là tội phạm quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) thuộc Chương XXI. Tội phạm này xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ (GTĐB), do người có năng lực trách nhiệm hình sự (TNHS) thực hiện dưới hình thức lỗi vô ý. Đối với tội phạm này, người phạm tội không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn GTĐB gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác. Trong Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 (BLHS năm 1999), tội phạm này được quy định tại Điều 202 với tên gọi “tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện GTĐB”.
Thực tiễn thấy rằng, nhiều trường hợp người tham gia GTĐB có hành vi vi phạm quy định gây hậu quả rất lớn cho xã hội. Do vậy, cần thiết phải nghiên cứu quy định của BLHS năm 2015 nhằm chỉ ra những điểm mới, xác định những tồn tại, hạn chế trong quy định, trên cơ sở đó đề xuất hướng hoàn thiện nhằm nâng cao hiệu phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm này trên thực tiễn.
Những điểm mới của tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" trong Bộ luật Hình sự năm 2015
So với BLHS năm 1999, tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" trong BLHS năm 2015 có những điểm mới sau đây:
Thứ nhất, mở rộng phạm vi chủ thể của tội phạm.
Nếu như BLHS năm 1999 xác định chủ thể của tội phạm là “người điều khiển phương tiện GTĐB” thì BLHS năm 2015 xác định là “người tham gia GTĐB”. Người tham gia GTĐB bao gồm người điều khiển phương tiện GTĐB và những người khác(1). Việc BLHS năm 2015 mở rộng phạm vi chủ thể phải chịu TNHS về tội phạm này nhằm phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phòng ngừa và xử lý các hành vi vi phạm quy định về an toàn GTĐB.
Thứ hai, định lượng các tình tiết là điều kiện truy cứu TNHS trong cấu thành tội phạm.
Nếu như BLHS năm 1999 quy định các tình tiết định tính là điều kiện truy cứu TNHS trong cấu thành tội phạm thì BLHS năm 2015 quy định dưới dạng các tình tiết định lượng. Cụ thể:
Tình tiết “gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác” quy định tại khoản 1 Điều 202 BLHS năm 1999 được khoản 1 Điều 260 BLHS năm 2016 định lượng thành: “làm chết người” (điểm a), “gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên” (điểm b), “gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%” (điểm c), “gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng” (điểm d).
Tình tiết “gây hậu quả rất nghiêm trọng” quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 202 BLHS năm 1999 được khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015 định lượng thành: “làm chết 02 người” (điểm đ), “gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%” (điểm e), “gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng” (điểm g).
Tình tiết “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” quy định tại khoản 3 Điều 202 BLHS năm 1999 được khoản 3 Điều 260 BLHS năm 2015 định lượng thành: “làm chết 03 người trở lên” (điểm a), “gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên” (điểm b), “gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên” (điểm c).
Thứ ba, thay đổi về hình phạt.
Điều 260 BLHS năm 2015 đã nâng mức thấp nhất của hình phạt tù có thời hạn quy định tại khoản 1 từ 06 tháng lên 01 năm, giảm mức cao nhất của hình phạt tù có thời hạn quy định tại khoản 4 trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả từ 02 năm xuống còn 01 năm.
Một số hạn chế trong quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ"
Từ thực tiễn xử lý tội "Vi phạm quy định về tham gia GTĐB" và qua nghiên cứu quy định của BLHS năm 2015 về tội phạm này, chúng tôi thấy còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể:
Thứ nhất, trong cấu thành tội phạm cơ bản.
Tội "Vi phạm quy định về tham gia GTĐB" là tội phạm có cấu thành vật chất, người tham gia GTĐB bị truy cứu TNHS về tội phạm này khi hành vi vi phạm quy định gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 260 BLHS. Nếu chưa gây hậu quả hoặc gây hậu quả không đáng kể, không thuộc một trong các trường hợp quy định thì không bị truy cứu TNHS và bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Hậu quả là thiệt hại để truy cứu TNHS về tội phạm này được xác định dưới dạng: hoặc gây thiệt hại về tính mạng, hoặc gây thiệt hại về sức khỏe, hoặc gây thiệt hại về tài sản. Người phạm tội chỉ cần gây hậu quả thuộc 01 trong 03 dạng nêu trên sẽ bị truy cứu TNHS. Điều này dẫn đến thực trạng: Trường hợp gây thiệt hại lớn nhưng không bị truy cứu TNHS vì không thỏa mãn quy định, gây thiệt hại nhỏ hơn thì bị truy cứu TNHS vì thuộc một trong các trường hợp do luật định.
Ví dụ 1: A có hành vi vi phạm quy định về tham gia GTĐB. Thiệt hại về tài sản mà A gây ra cho người khác là 99 triệu đồng, đồng thời A gây thiệt hại về sức khỏe cho người này với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 60%. Trường hợp này, A không bị truy cứu TNHS vì thiệt hại mà A gây ra không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 260 BLHS.
Ví dụ 2: B có hành vi vi phạm quy định về tham gia GTĐB và gây thiệt hại về tài sản cho người khác là 101 triệu đồng, B không gây thiệt hại về tính mạng hoặc sức khỏe cho bất kỳ ai. Hành vi của B không thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 260 BLHS. Trường hợp này, hành vi của B thỏa mãn điều kiện “gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng” quy định tại điểm d khoản 1 Điều 260 BLHS, do vậy B bị truy cứu TNHS.
Qua 02 ví dụ trên, có thể thấy thiệt hại do A gây ra nghiêm trọng hơn B (vì gây thiệt hại về sức khỏe là 60%) nhưng A không bị truy cứu TNHS, B gây thiệt hại nhỏ hơn A nhưng bị truy cứu TNHS. Đây là điểm bất hợp lý trong quy định của BLHS năm 2015.
Thứ hai, trong cấu thành tội phạm tăng nặng.
Nghiên cứu thiệt hại là điều kiện truy cứu TNHS về tội "Vi phạm quy định về tham gia GTĐB" trong cấu thành tăng nặng (khoản 2, khoản 3 Điều 260) thấy rằng: thiệt hại được quy định theo hướng như trong khoản 1 Điều 260 (hoặc gây thiệt hại về tính mạng, hoặc gây thiệt hại về sức khỏe, hoặc gây thiệt hại về tài sản), người phạm tội không cần gây đồng thời 03 dạng thiệt hại hoặc 02 trong 03 dạng thiệt hại nêu trên. Điều này dẫn đến thực trạng: gây thiệt hại lớn hơn nhưng bị truy cứu TNHS ở cấu thành tội phạm nhẹ hơn, gây thiệt hại nhỏ hơn nhưng bị truy cứu TNHS ở cấu thành tội phạm nặng hơn như các ví dụ dưới đây:
Ví dụ 3: C có hành vi vi phạm quy định về tham gia GTĐB và gây thiệt hại cho 03 người. Cụ thể: người thứ nhất và người thứ hai chết, người thứ ba bị tổn thương cơ thể 80%. Trường hợp này, hành vi của C thỏa mãn quy định “làm chết 02 người” - điểm đ khoản 2 Điều 260 và “gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên” - điểm b khoản 1 Điều 260. Do vậy, C bị truy cứu TNHS theo khoản 2 với mức phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
Ví dụ 4: D có hành vi vi phạm quy định về tham gia GTĐB và gây thiệt hại cho 03 người. Cụ thể: Người thứ nhất bị tổn thương cơ thể 60%, người thứ hai bị tổn thương cơ thể 70% và người thứ ba bị tổn thương cơ thể 80%. Trường hợp này, hành vi của D thỏa mãn điều kiện “gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên” quy định tại điểm b khoản 3 Điều 260 BLHS. Do vậy, D bị truy cứu TNHS theo khoản 3 Điều 260 với mức phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
So sánh thiệt hại do C và D gây ra thấy rằng: C gây thiệt hại lớn hơn D nhưng chỉ bị truy cứu TNHS theo khoản 2, trong khi đó D gây thiệt hại nhỏ hơn C nhưng bị truy cứu TNHS theo khoản 3. Đây cũng là điểm bất hợp lý trong cấu thành tăng nặng của tội vi phạm quy định về tham gia GTĐB trong BLHS năm 2015.
Thứ ba, xác định khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại khoản 4 Điều 260 BLHS. Khoản 4 Điều 260 quy định: “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm”.
Như vậy, người thực hiện hành vi vi phạm trong trường hợp có khả năng thực tế gây ra hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 260 BLHS nếu không được ngăn chặn kịp thời thì bị truy cứu TNHS. So với các BLHS trước đó, đây không phải là quy định mới trong BLHS năm 2015, việc BLHS năm 2015 quy định như vậy nhằm đáp ứng yêu cầu phòng ngừa tội phạm, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi các hành vi vi phạm quy định về tham gia GTĐB diễn biến phức tạp (ví dụ: hành vi đi ngược chiều trên cao tốc) (2). Mặc dù BLHS đã quy định, tuy nhiên trên thực tế các cơ quan tiến hành tố tụng không áp dụng quy định tại khoản 4 Điều 260 BLHS để xử lý các hành vi vi phạm quy định về tham gia GTĐB do khó khăn trong đánh giá và xác định “trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả” vì không có căn cứ cụ thể xác định. Khó khăn này không chỉ có ở tội vi phạm quy định về tham gia GTĐB mà còn có trong một số tội vi phạm quy định được thực hiện dưới hình thức lỗi vô ý khác (tội "Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người"; tội "Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy") (3).
Thứ tư, về hình phạt bổ sung.
Nghiên cứu về hình phạt bổ sung quy định tại khoản 5 Điều 260 BLHS năm 2015 thấy rằng: Xét trong mối tương quan với một số tội vi phạm quy định được thực hiện dưới hình thức lỗi vô ý cùng thuộc Chương XXI thì tội vi phạm quy định về tham gia GTĐB không quy định hình phạt tiền với tư cách là hình phạt bổ sung. Trong khi đó, các tội vi phạm quy định khác được thực hiện dưới hình thức lỗi vô ý quy định hình phạt tiền là hình phạt bổ sung cùng với các hình phạt bổ sung khác như cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định. Chúng tôi cho rằng, khoản 5 Điều 260 BLHS năm 2015 không quy định hình phạt tiền là hình phạt bổ sung đã tạo nên sự không thống nhất và tương thích với các điều luật khác, làm giảm tính răn đe, phòng ngừa đối với tội phạm này trên thực tiễn.
Kiến nghị, đề xuất
Từ những tồn tại, hạn chế trong quy định của BLHS năm 2015 về tội "Vi phạm quy định về tham gia GTĐB" như đã phân tích, chúng tôi kiến nghị, đề xuất:
Thứ nhất, sửa đổi khoản 1 Điều 260 theo hướng: Quy định đồng thời thiệt hại về sức khỏe và thiệt hại về tài sản là điều kiện truy cứu TNHS. Khi đó, khoản 1 được sửa đổi thành(4):
“1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%”.
Thứ hai, sửa đổi khoản 2 và khoản 3 Điều 260 theo hướng bổ sung quy định đồng thời cả 03 dạng thiệt hại hoặc 02 trong 03 dạng thiệt hại là điều kiện truy cứu TNHS. Khi đó, khoản 2 và khoản 3 được sửa đổi thành:
“2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;
c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Làm chết 02 người hoặc làm chết 01 người nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm b, c và d khoản 1 Điều này;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm b và c khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên hoặc làm chết 02 người nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại b, c và d khoản 1 Điều này;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên hoặc từ 122% đến 200% nhưng thuộc trường hợp quy định tại điểm g khoản 2 Điều này;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;
d) Làm chết 01 người, gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng và gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thuộc trường hợp quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 1 Điều này”.
Thứ ba, đề nghị liên ngành tư pháp Trung ương ban hành thông tư liên tịch hoặc Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao ban hành nghị quyết hướng dẫn cụ thể khoản 4 Điều 260 BLHS năm 2015.
Thứ tư, bổ sung hình phạt tiền là hình phạt bổ sung có thể áp dụng đối với người phạm tội. Trên cơ sở nghiên cứu những điều luật quy định các tội vi phạm quy định được thực hiện dưới hình thức lỗi vô ý, chúng tôi đề xuất sửa đổi khoản 5 Điều 260 BLHS năm 2015 thành:
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
(1) Xem: Khoản 22 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ năm 2008. (2) Ngày 05/9/2020, xe ô tô biển kiểm soát 30F - 318.29 màu đen và xe ô tô biển kiểm soát 15A-328.11 màu đỏ đi ngược chiều từ Km101+305 hướng Hà Nội - Hải Phòng thuộc cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Link: https://vtc.vn/xu-ly-hai-tai-xe-di-nguoc-chieu-tren-cao-toc-ha-noi-hai-phong-ar568216.html, ngày 30/6/2021. (3) Xem Điều 295 và Điều 313 BLHS năm 2015. (4) Phần in nghiêng là tác giả đề xuất bổ sung. |
Tài liệu tham khảo: 1. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). 2. Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). 3. Luật Giao thông đường bộ năm 2008. 4. Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. |
Tiến sĩ ĐỖ LƯỜNG THIỆN
Học viện Cảnh sát nhân dân
Xem xét việc rút quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn tại phiên tòa