/ Kinh nghiệm - Thực tiễn
/ Một vài đề xuất từ quá trình thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật

Một vài đề xuất từ quá trình thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Ngày 09/11 hàng năm là Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Nhờ việc triển khai tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhiều xã trên toàn quốc đã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Tính đến cuối năm 2018, đã có 8.805 xã/11.147 đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, chiếm 79%. 

Hoạt động tuyên truyền pháp luật tại trường THCS Nguyễn Trường Tộ hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam 09/11/2020.

Thể chế, chính sách về phổ biến, giáo dục pháp luật cơ bản đã hoàn thiện và đầy đủ, đặc biệt là sự ra đời của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 đã tạo lập khuôn khổ pháp lý vững chắc cho lĩnh vực này, giúp cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt trên phạm vi cả nước với sự quy định rõ ràng, cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp, các ngành, địa phương. Các chương trình, đề án, kế hoạch trung hạn, dài hạn và hàng năm về phổ biến, giáo dục pháp luật được ban hành, tổ chức thực hiện tập trung nguồn lực với nhiều giải pháp đột phá nhằm tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa bàn, lĩnh vực, đối tượng đặc thù, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. 

Nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng đa dạng hóa, sát với nội dung, đối tượng, địa bàn. Công tác này được triển khai gắn với việc tăng cường mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã dần đi vào chiều sâu, thực chất, phát huy hiệu quả trên thực tế[1].

Công tác xã hội hóa phổ biến giáo dục pháp luật được quy định tại Điều 30 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó quy định trách nhiệm của tổ chức hành nghề về pháp luật, tổ chức xã hội nghề nghiệp về pháp luật, cơ sở đào tạo luật, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chức danh tư pháp. Các tổ chức này có trách nhiệm tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân; tổ chức phổ biến giáo dục, pháp luật thông qua hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; kết hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động chuyên môn; tạo điều kiện cho thành viên của tổ chức, công chức, viên chức, giảng viên, học viên, sinh viên tham gia hoạt động tình nguyện phổ biến, giáo dục pháp luật. Cơ sở đào tạo luật, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chức danh tư pháp có trách nhiệm tham gia bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Với quy định trên, Nhà nước đã trao cho tổ chức hành nghề pháp luật, cụ thể là các công ty luật có trách nhiệm tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân thông qua hoạt động tuyên truyền pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý. Trong những năm gần đây, vào dịp Ngày truyền thống của Luật sư và Ngày pháp luật Việt Nam, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, Câu lạc bộ Luật sư Long Biên, Đoàn thanh niên Luật sư Hà Nội, các tổ chức hành nghề Luật sư trên địa bàn Hà Nội đã tích cực hoạt động tuyên truyền pháp luật đến với hàng trăm em học sinh Trường THPT Mê Linh, THPT Phan Đình Phùng; tuyên truyền pháp luật đến các phạm nhân Trại tạm giam Xuân Nguyên - Hải Phòng. Từ các nội dung tuyên truyền Luật Trẻ em, kỹ năng phòng chống bạo lực học đường, Luật An ninh mạng và kỹ năng sử dụng mạng an toàn, Bộ luật Hình sự và chính sách hình sự của Nhà nước đã giúp phòng ngừa những hành vi vi phạm pháp luật, định hướng hành vi ứng xử của học sinh theo quy định pháp luật. Ngoài việc tuyên truyền tới các trường học thuộc địa bàn thành phố Hà Nội, hoạt động tuyên truyền pháp luật còn hướng đến các địa bàn khó khăn như Sơn La, Lai Châu, giúp người dân vùng sâu, xa hiểu biết pháp luật, nắm bắt các quyền và nghĩa vụ của công dân.

Liên đoàn Luật sư Việt Nam hàng năm đã đóng góp hàng nghìn giờ tư vấn pháp luật đối với công dân đang khiếu nại, tố cáo tại Trụ sở tiếp dân trung ương theo chương trình phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc và Thanh tra Chính phủ. Những nỗ lực của các Luật sư đối với hoạt động tuyên truyền pháp luật sẽ giúp giảm thời gian khiếu nại, tố cáo sai quy định, khiếu nại vượt cấp, khiếu nại khi đã có bản án giải quyết có hiệu lực…

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

Những khó khăn, vướng mắc khi Luật sư thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Khi thực hiện tuyên truyền phổ biến pháp luật, các tổ chức hành nghề Luật sư vẫn chưa nhận được sự phối hợp chặt chẽ từ cơ quan nhà nước. Trong nhiều trường hợp, để có một chương trình tuyên truyền pháp luật cần có trong kế hoạch hoạt động của ủy ban, tuy nhiên việc này cũng hết sức khó khăn.

Đối tượng tuyên truyền pháp luật chưa thật sự đến được với người dân cần hiểu biết pháp luật. Nhiều buổi tuyên truyền người tham dự là các tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn - những người đã chấp hành pháp luật tốt, trong khi đó, những người dễ có nguy cơ vi phạm pháp luật chưa có cơ hội tiếp cận như người nghèo, người lao động, hộ kinh doanh nhỏ…

Một số nội dung tuyên truyền còn chưa thật sự sát với người dân. Những lĩnh vực hay phát sinh tranh chấp như quyền sử dụng đất, chia thừa kế, chia tài sản, khiếu nại, tố cáo, thu hồi đất, bồi thường đất chưa được tuyên truyền sâu rộng đến người dân ở những địa bàn khó khăn hay xảy ra tranh chấp. Những nội dung tuyên truyền về thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thủ tục sang tên, tách thửa chưa được tuyên truyền đến người dân nên việc nhận thức quyền và nghĩa vụ khi sang tên quyền sử dụng đất còn theo tập quán, quyền sử dụng đất tại khu vực nông thôn nhiều trường hợp không đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người dân không làm giấy chứng nhận khi chuyển nhượng, nhận thừa kế.

Kinh phí tuyên truyền phổ biến pháp luật khi xã hội hóa chưa được quy định rõ nên các tổ chức hành nghề Luật sư thực hiện tuyên truyền pháp luật vẫn trên tinh thần tự nguyện từ kinh phí của văn phòng.

Đề xuất nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật của Luật sư

Hoạt động tuyên truyền pháp luật cần có sự ký kết phối hợp giữa Liên đoàn Luật sư và ủy ban nhân dân các cấp nhằm nâng cao vai trò của Luật sư trong công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật. Kế hoạch tuyên truyền pháp luật hàng năm nên được xây dựng theo nhu cầu của từng địa phương, từng đối tượng tuyên truyền. Đối với các văn bản pháp luật mới có hiệu lực, cần triển khai tuyên truyền đồng bộ đến các đối tượng như người dân, doanh nghiệp.

Đối với các báo cáo viên là Luật sư thì với kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm hành nghề là một lợi thế khi tuyên truyền pháp luật. Tuy nhiên, vẫn cần những buổi tập huấn về nội dung cơ bản của luật mới, những nội dung cần lưu ý khi thực hiện tuyên truyền để việc tuyên truyền được đúng trọng tâm, đạt được mục đích tuyên truyền.

Để hoạt động xã hội hóa tuyên truyền pháp luật được thực hiện lâu dài cần có sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước để bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Đặc biệt là kinh phí hỗ trợ báo cáo viên để họ nâng cao kiến thức chuyên môn, đầu tư vào việc tuyên truyền hiệu quả, thu hút người dân, để hoạt động tuyên truyền không khô cứng, các hình thức tuyên truyền pháp luật đa dạng, dễ hiểu, gần gũi với người dân.

Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền pháp luật thông qua các buổi ngoại khóa đến với học sinh các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông. Đối tượng học sinh rất cần cung cấp kiến thức pháp luật như Luật Trẻ em, các quy định Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự để các em chấp hành đúng quyền và nghĩa vụ của mình, định hướng việc học tập và nghề nghiệp để trở thành công dân có ích cho xã hội, góp phần xây dựng xã hội phát triển. Hoạt động tuyên truyền gắn với các tình huống thực tiễn sẽ giúp học sinh hiểu và có thể áp dụng vào quá trình học tập của mình.

Cần có sự phối hợp với hoạt động tuyên truyền của các tổ chức khác như hội luật gia, hội phụ nữ… để tránh trùng lắp nội dung tuyên truyền.

Với mục tiêu xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, trong đó xây dựng nhà nước pháp quyền gắn với người dân tuân thủ và thực hiện đúng pháp luật, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ giúp phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật, nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật của mỗi người dân. Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với vai trò của Luật sư sẽ nâng cao hiệu quả của việc áp dụng và thực thi pháp luật.

__________________________
[1] http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Pho-bien-giao-duc-phap-luat-la-nhiem-vu-cua-ca-he-thong-chinh-tri/382999.vgp
Luật sư PHẠM THỊ BÍCH HẢO
Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức An
Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
/thua-ke-tai-san-khi-khong-co-di-chuc-nhung-bat-cap-va-kien-nghi.html