/ Luật sư - Bạn đọc
/ Muốn sánh vai Singapore, TP. HCM cần lượng hóa tham vọng

Muốn sánh vai Singapore, TP. HCM cần lượng hóa tham vọng

28/03/2025 10:55 |3 ngày trước

(LSVN) - Khát vọng xây dựng TP. HCM trở thành một đô thị toàn cầu, trung tâm tài chính – thương mại – dịch vụ quốc tế không phải là ý tưởng vừa được đề xuất trong Tờ trình 783 của Sở Xây dựng, mà là tầm nhìn xuyên suốt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố trong nhiều nhiệm kỳ. Đó cũng là kỳ vọng lớn từ Trung ương – rằng TP. HCM không chỉ là đầu tàu kinh tế trong nước, mà phải là “trạm trung chuyển” của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, sánh vai cùng những trung tâm như Singapore, Bangkok, Kuala Lumpur hay thậm chí là Seoul, Thượng Hải.

Với cơ chế đặc thù được Quốc hội trao qua Nghị quyết 98/2023/QH15, TP. HCM lần đầu tiên có một cơ hội “mở khóa” thể chế để bước vào quỹ đạo phát triển mới. Trong bối cảnh đó, Tờ trình 783 không chỉ là một văn bản quy hoạch đơn thuần, mà còn mang tính khởi phát một chương trình đô thị hóa có chiều sâu, hướng đến năm 2060 – cột mốc cho giấc mơ trở thành đô thị toàn cầu.

Nhưng giấc mơ đó sẽ không đến nếu không được đo lường bằng những con số biết nói.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Khoảng cách hiện hữu cần dũng cảm nhìn thẳng

Nếu nhìn vào hiện thực, TP. HCM còn cách rất xa đích đến của một đô thị toàn cầu – không chỉ về quy mô kinh tế, mà cả về năng lực tài chính, chất lượng sống, dịch vụ công và cơ sở hạ tầng. Thu nhập bình quân đầu người của TP. HCM hiện ở mức khoảng 7.000 USD/năm, trong khi Singapore đạt trên 83.000 USD, Seoul khoảng 43.000 USD, Đài Bắc trên 34.000 USD, Bangkok khoảng 18.000 USD và Kuala Lumpur gần 29.000 USD. Khoảng cách thu nhập này phản ánh không chỉ sự khác biệt về quy mô kinh tế, mà cả chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và chiều sâu công nghệ.

Tổng GRDP của TP. HCM năm 2023 đạt khoảng 1,7 triệu tỉ đồng, tương đương 72 tỉ USD, trong khi Bangkok đạt gần 170 tỉ USD, Singapore vượt 500 tỉ USD. Nếu TP. HCM muốn đạt mục tiêu thì cần có 500 – 700 tỉ USD GRDP vào năm 2060, nên tăng trưởng gấp 08 – 10 lần trong 35 năm tới, chưa kể đến áp lực đô thị hóa, dân số và biến đổi khí hậu.

Thị trường tài chính – trụ cột không thể thiếu của một trung tâm toàn cầu - cũng còn yếu. Vốn hóa HOSE hiện khoảng 215,92 tỉ USD, thấp hơn nhiều so với SGX của Singapore (~670 tỉ USD), Bursa Malaysia (~470 tỉ USD), hay SET Thái Lan (~580 tỉ USD). TP. HCM hiện có rất ít tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở khu vực tại đây, trong khi Singapore là “tổng hành dinh” của hơn 4.000 tập đoàn toàn cầu.

Chúng ta đang nói đến một giấc mơ rất lớn, trong khi nền móng vẫn còn mỏng manh.

Nếu không định lượng, tầm nhìn sẽ trở thành khẩu hiệu

Muốn trở thành đô thị toàn cầu, TP. HCM cần một bộ chỉ tiêu định lượng – không chỉ là tầm nhìn, mà là cam kết thực thi.

Dân số dự báo năm 2060 khoảng 16 – 18 triệu người là hợp lý. Nhưng quan trọng hơn là phân bổ dân cư gắn với năng lực hạ tầng, dịch vụ công và quản trị đô thị. GRDP phải đạt 500–700 tỉ USD, GDP/người từ 30.000–40.000 USD – tương đương các nền kinh tế phát triển trong khu vực hiện nay.

Muốn vậy, thành phố phải duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định từ 7 – 8%/năm, đồng thời tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tri thức, sáng tạo, tài chính, công nghệ. tỉ trọng ngành dịch vụ và công nghệ cao trong GRDP phải đạt trên 80%.

Thị trường chứng khoán cần đạt vốn hóa trên 1.000 tỉ USD. Ít nhất 100 doanh nghiệp trong Fortune Global 500 phải hiện diện, không chỉ với chi nhánh thương mại mà bằng trung tâm điều hành, R&D, logistics khu vực.

Về hạ tầng sống, mỗi người dân cần có 30 – 35 m2 nhà ở, tối thiểu 10m2 cây xanh công cộng, lớn hơn hoặc bằng 60% tỉ lệ giao thông công cộng, lớn hơn hoặc bằng 25% diện tích đất đô thị dành cho giao thông. Quan trọng hơn, toàn bộ đô thị phải chuyển sang vận hành bằng dữ liệu - thời gian thực - số hóa dịch vụ công và giảm dần can thiệp hành chính thủ công.

Biết người, biết ta – và bài học từ những người đi trước

Singapore, với chỉ hơn 5,9 triệu dân và không có tài nguyên, đã trở thành đô thị toàn cầu nhờ ba trụ cột: thể chế minh bạch – đầu tư vào con người – tầm nhìn kiên định. Mọi chính sách của họ đều định lượng được, đánh giá được, sửa đổi theo thực tiễn và được điều hành bằng dữ liệu.

Bangkok và Kuala Lumpur không quá khác biệt về diện tích hay dân số so với TP. HCM, nhưng đang vượt trội về năng lực logistics, thị trường vốn, môi trường đầu tư và chất lượng sống. Họ đang chạy đua để trở thành trung tâm khu vực, trong khi TP. HCM – nếu không cải cách nhanh, đầu tư chọn lọc và định vị rõ bản sắc quốc tế – sẽ bị bỏ lại, dù có tiềm năng lớn.

Từ “bản vẽ” đến hiện thực: Không thể thiếu bản đồ hành động

Tờ trình 783 là một khởi đầu đáng ghi nhận. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở tầm nhìn, thiếu hệ chỉ tiêu định lượng và phân kỳ đầu tư cụ thể, thì “giấc mơ đô thị toàn cầu” sẽ mãi là lời hứa lửng lơ. TP. HCM cần xây dựng “Bản đồ hành động” gồm các cột mốc có thể là:

- Đến 2030: hoàn thiện khung thể chế, hạ tầng giao thông chủ lực, dịch vụ công số.

- Đến 2040: tăng tốc đầu tư nước ngoài, định hình bản sắc đô thị, nâng chất lượng sống.

- Đến 2060: trở thành trung tâm tài chính – đổi mới sáng tạo hàng đầu châu Á.

Đô thị toàn cầu không chỉ là kỳ vọng. Nó cần có dữ liệu được lượng hoá, có kỷ luật, có chiến lược - và một tinh thần cải cách không lùi bước. Nếu TP. HCM thực sự muốn đứng vào hàng ngũ các đô thị hàng đầu châu Á, không còn con đường nào khác ngoài việc định lượng khát vọng và thực thi bằng cam kết cụ thể.

Luật sư TRƯƠNG ANH TÚ
Chủ tịch TAT Law firm

Các tin khác