/ Hoạt động Luật sư
/ Nâng cao vai trò của Luật sư với nguyên tắc thượng tôn pháp luật

Nâng cao vai trò của Luật sư với nguyên tắc thượng tôn pháp luật

27/10/2022 10:40 |

(LSVN) – Tọa đàm 'Thượng tôn pháp luật – Nguyên tắc này để làm gì?' đã được tổ chức thành công với nhiều ý nghĩa sâu sắc, lan tỏa về giá trị đích thực của nghề Luật sư trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền và bảo vệ công lý trong quá khứ và tương lai trên thế giới và ở Việt Nam.

Chiều ngày 27/10/2022, tại Hà Nội, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã phối hợp với Quỹ Dragon Capital và Hiệp hội Doanh nhân Anh Quốc tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Thượng tôn pháp luật – Nguyên tắc này để làm gì?”.

Tham dự Tọa đàm, về phía Liên đoàn Luật sư Việt Nam có Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Về phía TAND TP. Hà Nội có ông Nguyễn Đình Tiến, Chánh Tòa Gia đình và người chưa thành niên TAND TP. Hà Nội.

Đại diện nhà tài trợ Dragon Capital có ông Kiên Nguyễn, Trưởng Bộ phận Luật và Tuân thủ của Quỹ Dragon Capital tại Việt Nam.

Diễn giả tại Tọa đàm là ông Simon Davis, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Luật sư Anh quốc và xứ Wales, nguyên Luật sư thành viên Hãng luật hàng đầu Vương quốc Anh – Clifford Chance.

Cùng với sự tham gia của các chuyên gia đến từ các cơ quan, Tòa án, Viện Kiểm sát, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội; các Luật sư đến từ các văn phòng Luật sư, công ty luật và sinh viên các trường đại học luật, khoa luật;...

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, từ năm 2015 - 2019, việc phối hợp với Hiệp hội các doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam và Quỹ Dragon Capital tổ chức các buổi Tọa đàm về vụ án và vai trò bào chữa của Luật sư Francis Henry Loseby cho Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (với biệt danh là Tống Văn Sơ) với các chủ đề xoay quanh nguyên tắc thượng tôn pháp luật là các hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện được Liên đoàn Luật sư Việt Nam thực hiện nhân dịp kỷ niệm Ngày Truyền thống Luật sư Việt Nam hằng năm. Cho đến nay, có 10 buổi Tọa đàm về những nội dung nêu trên đã được tổ chức thành công tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam phát biểu khai mạc Tọa đàm.

Tiếp nối sự thành công của các sự kiện nêu trên, trong năm 2022, Liên đoàn Luật sư Việt Nam phối hợp với Hiệp hội các doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam và Quỹ Dragon Capital tổ chức Tọa đàm mang tên Loseby với chủ đề “Thượng tôn pháp luật – Nguyên tắc này để làm gì?”.

"Những trao đổi tại Tọa đàm này sẽ góp phần làm sáng tỏ hơn vai trò của Luật sư ngày nay với nguyên tắc thượng tôn pháp luật thông qua kinh nghiệm quý báu của chuyên gia tới từ Anh quốc. Từ đó, mỗi Luật sư Việt Nam cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò của bản thân và nghề nghiệp để đóng góp cho xã hội và góp phần vào xây dựng pháp luật, nhà nước pháp quyền", Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhấn mạnh.

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã được nghe diễn giả Simon Davis nói rõ về câu chuyện vụ án Tống Văn Sơ ở Hồng Kông và vai trò bào chữa của Luật sư Loseby và cộng sự, đồng thời chia sẻ những nội dung của nguyên tắc thượng tôn pháp luật với vai trò của Luật sư đối với việc phát triển nguyên tắc này. Qua vụ án này, Luật sư sẽ học tập được những phẩm chất và kỹ năng của Luật sư Loseby về đạo đức, lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp Luật sư khi cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng.

Diễn giả tại Tọa đàm là ông Simon Davis, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Luật sư Anh quốc và xứ Wales, nguyên Luật sư thành viên Hãng luật hàng đầu Vương quốc Anh – Clifford Chance.

Diễn giả nêu rõ, mục đích của nguyên tắc thượng tôn pháp luật không phải là để thu hút giới học thuật hay là để làm các Luật sư bận rộn hay là cái cớ để chính quyền hạn chế quyền tự do của công dân dưới vỏ bọc “nguyên tắc thượng tôn pháp luật” (mà thực ra là pháp trị) hay là đưa ra các vấn đề phức tạp để các Thẩm phán giải quyết. Mục đích cơ bản của nguyên tắc thượng tôn pháp luật là đưa ra giải pháp và câu trả lời để giải quyết vấn đề, nhằm đảm bảo người dân, các doanh nghiệp và chính quyền tránh gặp phải các rắc rối”.

Chia sẻ về ý nghĩa của nguyên tắc thượng tôn pháp luật diễn giả Simon Davis cho biết: Có nhiều định nghĩa vào từng thời điểm được các nhà luật học và Thẩm phán khắp thế giới đưa ra trong suốt chiều dài lịch sử nhiều thế kỷ, nhưng định nghĩa nổi tiếng nhất và chính xác nhất liên quan đến bài giảng này là do Chánh tòa Dân sự Lord Bingham đưa ra trong cuốn “Nguyên tắc thượng tôn pháp luật”. Ông đã đưa ra tám nguyên tắc cơ bản sau đây:

- Pháp luật phải dễ tiếp cận và ở trong phạm vi tối đa có thể, phải dễ hiểu, rõ ràng và có thể đoán định được.

- Các vấn đề về quyền và trách nhiệm pháp lý cần được giải quyết thông thường bằng việc áp dụng pháp luật chứ không phải một cá nhân áp đặt quyền hạn của họ.

- Pháp luật cần phải được áp dụng bình đẳng với tất cả mọi người, trừ trường hợp có sự khác biệt khách quan dẫn đến cần phải có sự phân biệt.

- Các Bộ trưởng, công chức và viên chức nhà nước ở tất cả các cấp phải thực hiện quyền hạn được pháp luật trao cho họ một cách ngay tình, công bằng, hợp lý, và phù hợp với mục đích của các quyền hạn được trao cho họ, mà không vượt quá thẩm quyền được luật cho phép.

- Pháp luật phải bảo vệ thỏa đáng các quyền con người cơ bản.

- Phải có phương thức để giải quyết các tranh chấp dân sự ngay tình mà các bên không thể tự giải quyết được, và các phương thức này không được quá đắt đỏ hoặc kéo dài vô lý.

- Thủ tục xét xử phải công bằng.

- Nguyên tắc thượng tôn pháp luật đòi hỏi nhà nước phải tuân thủ các nghĩa vụ theo cả luật quốc tế và luật quốc gia.

Theo ông Simon Davis, diễn giải lại theo cách đơn giản hơn, nguyên tắc thượng tôn pháp luật có nghĩa là có một hệ thống pháp luật có thể đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề cho tất cả mọi người. Diễn giả cũng đưa ra năm yếu tố/câu hỏi đánh giá của Davis để làm rõ ý nghĩa của nguyên tắc thượng tôn pháp luật.

Các Luật sư, chuyên gia, Thẩm phán, sinh viên,... tích cực đưa ra nhiều câu hỏi để trao đổi tại Tọa đàm.

Tại Tọa đàm, các Luật sư Việt Nam cũng đã đưa ra rất nhiều câu hỏi để tìm hiểu, trao đổi về các khía cạnh liên quan nguyên tắc thượng tôn pháp luật, mục đích, ý nghĩa của nguyên tắc này. Qua đó, Tọa đàm cũng giúp cho các Luật sư Việt Nam có thêm hiểu biết về quy định pháp luật của Anh quốc về dẫn độ, kỹ năng bào chữa của Luật sư Loseby, từ đó có các kinh nghiệm để nâng cao tính chuyên nghiệp trong quá trình hành nghề để đảm bảo nguyên tắc thượng tôn pháp luật.

Tọa đàm cũng góp phần thúc đẩy và mở rộng quan hệ giữa các Luật sư Việt Nam với các Luật sư đồng nghiệp, các chuyên gia pháp luật đến từ Anh để cùng chia sẻ kinh nghiệm và kỹ năng hành nghề Luật sư, trao đổi về các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến tính độc lập và công bằng xét xử tại Vương quốc Anh và các nước theo hệ thống thông luật từ đó góp phần xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Phát biểu kết thúc buổi Toạ đàm, ông Kiên Nguyễn, Trưởng Bộ phận Luật và Tuân thủ của Quỹ Dragon Capital tại Việt Nam hi vọng trong thời gian tới sẽ tiếp tục được phối hợp cũng Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức những chương trình Loseby hiệu quả, thành công.

Buổi Tọa đàm đã được tổ chức thành công với nhiều ý nghĩa, sâu sắc, lan tỏa về giá trị đích thực của nghề Luật sư trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền và bảo vệ công lý trong quá khứ và tương lai trên thế giới và ở Việt Nam.

THANH THANH – LÂM HOÀNG

Tọa đàm: ‘Thượng tôn pháp luật – Nguyên tắc này để làm gì?’

Lê Minh Hoàng