/ Luật sư - Bạn đọc
/ Nâng mức phạt về hành vi mua dâm, bán dâm có đủ sức răn đe?

Nâng mức phạt về hành vi mua dâm, bán dâm có đủ sức răn đe?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Theo Luật sư mức phạt hành chính đối với hành vi mua dâm, bán dâm theo quy định hiện nay cũng như là với nội dung dự thảo sửa đổi chỉ có tính chất cảnh báo, “nhắc nhở” chứ chưa đủ sức răn đe.

Bộ Công an đang dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống bạo lực gia đình, thay thế Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013. Trong đó, dự thảo Nghị định đề xuất tăng mức phạt hành chính, thêm hình thức phạt bổ sung đối với hành vi mua dâm và bán dâm.

Cụ thể, đối với hành vi mua dâm, theo Điều 22 Dự thảo quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi mua dâm. Hiện hành, theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp mua dâm nhiều người một lúc. Mức phạt này giữ nguyên so với hiện hành, quy định phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi giúp sức, lôi kéo, xúi giục, ép buộc hoặc cưỡng bức người khác cùng mua dâm. So với hiện hành, bổ sung hành vi giúp sức, xúi giục, cưỡng bức người khác cùng mua dâm.

Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu số tiền, tài sản dùng để mua dâm đối với các hành vi vi phạm. Đây là nội dung mới được đề xuất, bổ sung.

Đối với hành vi bán dâm, theo Điều 23 Dự thào quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi bán dâm. Hiện hành, theo khoản 1 Điều 23 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp bán dâm cho nhiều người cùng một lúc. Hiện hành, theo khoản 2 Điều 23 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.

Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu số tiền có được do bán dâm đối với hành vi vi phạm nêu trên. Đây là nội dung mới được đề xuất.

Người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định nêu trên, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo Điều 24 dự thảo đã bổ sung mới mức phạt đối với hành vi mua, bán khiêu dâm, kích dục, theo đó, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng.

- Che giấu, bảo kê cho các hành vi mua dâm, bán dâm phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng. Hiện theo điểm b khoản 2 Điều 24 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định phạt từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

- Giúp sức, lôi kéo, xúi giục, ép buộc hoặc cưỡng bức người khác mua dâm, bán dâm: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Quy định này cũng tăng so với hiện nay tại điểm a khoản 3 Điều 24 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP đang phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

- Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực để bảo vệ, duy trì hoạt động mua dâm, bán dâm; Góp tiền, tài sản để sử dụng vào mục đích hoạt động mua dâm, bán dâm; Môi giới mua dâm, bán dâm: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Hiện khoản 4 Điều 24 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định phạt 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín để bảo vệ, duy trì hoạt động mua dâm, bán dâm: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng. Hiện khoản 5 Điều 24 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP đang phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Đánh giá về đề xuất này trong Dự thảo, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội và bạo lực gia đình được áp dụng từ năm 2013, quy định về các hành vi vi phạm hành chính bị xử phạt với các mức chế tài hành chính khác nhau. Nghị định này được áp dụng gần 10 năm nay, trong khi đó nhiều hành vi trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội đã được bổ sung trong các văn bản pháp luật khác, đồng thời mức chế tài được đưa ra đối với các hành vi vi phạm đến nay cũng không còn phù hợp.

Bởi vậy, việc sửa đổi bổ sung nghị định này là tất yếu. Tuy nhiên, cần xem xét, cân nhắc đối với mức phạt của một số hành vi vi phạm để đảm bảo tính hiệu quả trong việc áp dụng pháp luật, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Trong đó, chế tài hành chính đối với hành vi mua dâm và hành vi bán dâm theo quy định của nghị định đang áp dụng hiện nay cũng như trong dự thảo là chưa đủ sức răn đe, chưa đạt hiệu quả cao trong việc đấu tranh phòng và chống mại dâm.

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì hành vi bán dâm bị xử phạt với mức thấp nhất là 100.000 đồng, cao nhất là 500.000 đồng còn hành vi mua dâm có mức phạt thấp nhất là 500.000 đồng, cao nhất là 10.000.000 đồng. Trong khi đó, cơ quan điều tra phát hiện nhiều vụ mua bán dâm có giá lên đến 25.000 USD một lần mua dâm. Những trường hợp mua bán dâm với giá 8.000USD - 10.000USD diễn ra tương đối nhiều. Nếu các giao dịch này thành công thì số tiền thu lợi bất chính cũng như tiền sử dụng vào mục đích trái pháp luật rất lớn, người ta sẽ không vì sợ nộp phạt mất khoảng vài trăm ngàn, thậm chí vài triệu đồng mà không dám vi phạm. Bởi vậy, chế tài xử phạt hành chính về hành vi mua dâm cũng như hành vi bán dâm trong thời gian qua cho thấy chỉ là có tính chất “nhắc nhở”, “cảnh báo” về hành vi vi phạm hành chính chứ không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập, đời sống cũng như là những thiệt hại về kinh tế của người vi phạm.

Theo quy định của Dự thảo Nghị định mới, bổ sung thay thế Nghị định 167/2013/NĐ-CP mà Bộ Công an vừa đưa ra đã bổ sung quy định xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm mới và đề xuất tăng mức xử phạt hành chính một số hành vi so với Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Về cơ bản thì mức chế tài hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về mại dâm có tăng lên so với quy định của nghị định hiện nay. Tuy nhiên với mức chế tài này cũng chỉ thể hiện tính chất trượt giá của đồng tiền so với giá trị 10 năm trước đây, lúc ban hành nghị định Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Những người có ý định vi phạm quy định của pháp luật phòng chống mại dâm không về mức chế tài hình này mà không dám vi phạm. Trong các hành vi vi phạm với mại dâm thì hiện nay chỉ có hành vi môi giới mại dâm và chứa mại dâm là bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn các hành vi vi phạm pháp luật phòng chống mại dâm khác thì chỉ bị phạt hành chính với mức phạt không cao, đặc biệt là hành vi mua dâm và bán dâm.

Tuy nhiên, Luật sư Cường cho biết cũng cần nhìn nhận rằng khi pháp luật Việt Nam còn cấm hoạt động mại dâm thì đồng nghĩa với việc các hành vi vi phạm quy định về phòng chống mại dâm sẽ bị áp dụng chế tài hành chính hoặc hình sự. Việc áp dụng chế tài đối với hành vi vi phạm về phòng chống mại dâm chỉ là giải pháp cuối cùng khi các giải pháp phòng ngừa không đạt hiệu quả. Về mặt lý luận thì để đấu tranh phòng và chống tội phạm, phòng chống vi phạm pháp luật hiệu quả thì phải thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa. Dù chế tài có nghiêm khắc, nghiêm minh đến đâu nhưng giải pháp phòng ngừa thực hiện kém hiệu quả, không khoa học, không triệt để thì dù có áp dụng các chế tài hình sự hà khắc cũng chưa chắc đã quản lý được xã hội, kiểm soát được tình trạng vi phạm.

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp.

Bởi vậy để phòng chống mại dâm hiệu quả thì phải thực hiện tốt các giải pháp phòng được chứ không chỉ ỷ lại vào việc áp dụng chế tài hành chính hoặc hình sự. Các giải pháp phòng ngừa hành vi vi phạm về mại dâm cần phải thực hiện bao gồm:

- Hoàn thiện hệ thống pháp luật sao cho khoa học, đồng bộ, phù hợp, dễ áp dụng, có tính khả thi để có thể vận dụng áp dụng đối với các hành vi vi phạm về phòng chống mại dâm, trong đó có thể áp dụng đối với cá nhân, tổ chức, các cơ quan hữu quan trong lĩnh vực quản lý, thực hiện các hành vi có liên quan đến phòng chống mại dâm;

- Kiểm soát được số lượng người bán dâm trên mỗi khu vực, địa bàn để có những giải pháp hỗ trợ về việc làm, về tâm lý, về sức khỏe, về nhận thức để giảm bớt số lượng người bán dâm và bảo vệ họ, giúp họ “hoàn lương”;

- Giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, đặc biệt là người lao động trẻ, những trường hợp rơi vào hoàn cảnh éo le, khó khăn, bất hạnh để họ không tìm đến con đường “bán thân” để kiếm sống;

- Tăng cường giáo dục đạo đức, nhân cách cho thế hệ trẻ để giảm bớt những hiện tượng sống thực dụng, du nhập những lối sống thác loạn, sa đoạ, không phù hợp với đạo đức và thuần phong mỹ tục;

- Đấu tranh và tẩy chay đối với các hiện tượng mua bán dâm trá hình, các trào lưu xấu như hợp đồng tình dục, chào lưu sugar baby sugar dady;

- Nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho nhân dân, gin giữ văn hóa đạo đức truyền thống, tăng cường mối liên kết trong gia đình để giảm bớt những người sống thực dụng, sa doạ, trụy lạc, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.

- Nâng cao trách nhiệm, vai trò của các cơ quan, đoàn thể, gắn trách nhiệm đối với vai trò người đứng đầu đối với các khu vực, địa bàn để xảy ra tình trạng mại dâm diễn biến phức tạp;

- Tăng cường cơ chế, chính sách trong việc phối hợp, hợp tác giữa các cơ quan đoàn thể, các bộ phận chức năng trong việc tuyên truyền và đấu tranh phòng chống mại dâm;

- Đầu tư cơ sở vật chất, kĩ thuật, nghiệp vụ, kinh phí cho hoạt động phòng chống mại dâm;

Đấu tranh với tệ nạn mại dâm là vô cùng khó khăn, phức tạp. Đối với các chế tài hành chính hoặc hình sự về hành vi vi phạm phòng chống mại dâm thì sẽ là giải pháp cuối cùng khi các giải pháp trên chưa đạt hiệu quả. Mức chế tài có nghiêm khắc đến đâu thì cũng không phải là giải pháp tích cực để phòng chống vi phạm, phòng chống tội phạm. Bởi vậy cần áp dụng đồng bộ, đầy bộ đủ, kịp thời các giải pháp phòng chống mại dâm thì hoạt động phòng chống mại dâm, kiểm soát tình hình mại dâm mới đạt hiệu quả, Luật sư Cường kiến nghị.

HỒNG HẠNH

Đề xuất tăng mức phạt, tịch thu tiền mua dâm, bán dâm

Lê Minh Hoàng