/ Góc nhìn
/ Nên xem từ chức là chuyện bình thường!

Nên xem từ chức là chuyện bình thường!

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Lâu nay, việc từ chức thường rơi vào những trường hợp người cán bộ lãnh đạo bị bệnh, không đảm bảo sức khoẻ để thực hiện nhiệm vụ nên họ từ chức, nhường vị trí lãnh đạo cho người khác xứng đáng hơn. Từ chức trong trường hợp này là đương nhiên, khách quan và không có gì phải bàn luận.

Ảnh minh họa.

Khi để xảy ra sai phạm trong cơ quan, đơn vị, địa phương do mình quản lý, tuy người lãnh đạo đó không trực tiếp gây ra và chưa đến mức phải xử lý kỷ luật, tuy nhiên do buông lỏng quản lý dẫn đến sai phạm thì cũng phải từ chức để gánh vác một phần trách nhiệm.

Từ chức không phải là hình thức kỷ luật, nó phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí chủ quan của người lãnh đạo, họ có quyền từ chức hoặc không. Nếu xảy ra sai phạm nghiêm trọng mà người đứng đầu không chịu từ chức thì sẽ ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của tập thể cơ quan, đơn vị, địa phương; làm mất lòng tin của nhà đầu tư, của nhân dân và cán bộ, công chức. Do đó, cần thiết phải có cơ chế bắt buộc người lãnh đạo để xảy ra sai phạm thuộc phạm vi quản lý phải từ chức và xem việc từ chức vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của người lãnh đạo.

Người lãnh đạo phải có đạo đức công vụ, phải có trách nhiệm với mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương do mình đứng đầu, quản lý; nếu để xảy ra sai phạm đến mức nghiêm trọng thì người lãnh đạo đó phải từ chức, không nên đổ lỗi cho tập thể hoặc đổ lỗi do nguyên nhân khách quan, chủ quan. Đây là cam kết của người lãnh đạo khi nhậm chức hoặc khi được bổ nhiệm vào chức vụ nào đó họ. Nếu có cam kết này, người lãnh đạo sẽ có trách nhiệm hơn với công việc, không để xảy ra sai phạm, tiêu cực, tham nhũng, nếu không, họ buộc phải từ chức theo cam kết.

Trong trường hợp, người lãnh đạo để xảy ra sai phạm đến mức phải từ chức mà không chịu từ chức thì phải có biện pháp bắt buộc họ phải từ chức. Cơ quan quản lý cấp trên phải tổ chức họp để nhận xét, đánh giá, nếu đến mức phải từ chức thì phải yêu cầu họ từ chức, nếu người đó không chịu từ chức thì áp dụng biện pháp cuối cùng, đó là trình cấp có thẩm quyền miễn nhiệm, cách chức vụ người đó với lý do không đủ năng lực, uy tín để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.

Cần phải lưu ý rằng, việc từ chức không áp dụng trong trường hợp nhằm né tránh việc xử lý hành chính, xử lý hình sự và xử lý kỷ luật Đảng; trường hợp này, người lãnh đạo không được phép từ chức mà phải chờ kết quả xử lý, nếu không thuộc trường hợp bị xử lý với hình thức cách chức thì họ có quyền và nghĩa vụ từ chức.

Từ chức, đó là văn hóa và rất cần sự nêu gương của người lãnh đạo!

MINH ĐỨC

Bổ nhiệm cán bộ và truyền thống gia đình

Lê Minh Hoàng