Ảnh minh họa.
Để giải quyết vấn đề bạo lực gia đình, nhiều ý kiến cho rằng nên có chế tài nghiêm khắc hơn và xử lý nghiêm các vụ vi phạm để làm gương, răn đe về sau... Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân, tôi cho rằng nếu chỉ phạt nặng các hành vi vi phạm là chưa đủ để phòng ngừa, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng bạo lực gia đình, nhất là bạo lực đối trẻ em đang ngày càng nghiêm trọng, phức tạp.
Minh chứng là nhiều vụ bạo lực gia đình, nhất là các vụ xâm hại, bạo lực đối với trẻ em, dù những kẻ phạm tội bị xử phạt rất nặng, thậm chí tử hình nhưng tình trạng này không giảm mà vẫn có chiều hướng gia tăng hết sức nghiêm trọng trong thời gian gần đây. Do đó, cơ quan chức năng cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, với sự vào cuộc của nhiều cơ quan liên quan, nâng cao trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là sự tham gia với tinh thần trách nhiệm cao từ phía gia đình, nhà trường và xã hội.
Trước hết, phải tập trung nguồn lực để nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật về quyền trẻ em của toàn xã hội trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhất các gia đình đang trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em. Trong đó, chú trọng việc thay đổi nhận thức về việc giáo dục trẻ em theo kiểu "thương cho roi vọt" đã tồn tại trong suy nghĩ của nhiều người xưa nay thành giáo dục dựa trên tình thương, trách nhiệm. Tuyệt đối đảm bảo quyền trẻ em và không thực hiện bất cứ hành vi bạo lực nào đối với trẻ em trong mọi trường hợp.
Tiếp đó, tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn liên quan đến việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em cho các ông bố, bà mẹ và toàn bộ các thành viên trong gia đình bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như thông qua các phương tiện thông tin đại chúng đến việc phát tờ rơi, tờ gấp đến tận nhà, niêm yết các thông tin về quyền trẻ em tại nơi công cộng, điểm sinh hoạt cộng đồng của khu dân cư, thôn, làng, tổ dân phố...
Bên cạnh đó, có cơ chế và thiết lập kênh liên lạc khẩn cấp, thường xuyên để trẻ em có thể tự liên hệ trực tiếp với cơ quan chức năng nhằm bảo vệ chính mình khi bị bạo hành, xâm hại. Bởi, hiện nay với sự phát triển của công nghệ thông tin thì việc trẻ em liên lạc trực tiếp với cơ quan chức năng là rất khả quan, dễ dàng thực hiện được. Vì vậy, nên có tổng đài phục vụ 24/24 để tiếp nhận thông tin, xử lý, tư vấn, nhất là các cuộc gọi cầu cứu của trẻ em để kịp thời giải quyết các vụ bạo hành trẻ em nếu có.
Thậm chí, các cơ quan có trách nhiệm bảo vệ trẻ em cần thống kê, nắm bắt số liệu trẻ em tại các gia đình và định kỳ liên lạc hỗ trợ các em, nhất là các trẻ em sống với mẹ kế, bố dượng hoặc các em mồ côi sống chung với người thân để giúp đỡ, phòng ngừa, hạn chế tối đa tình huống xấu có thể xảy ra.
Ngoài ra, nâng cao trách nhiệm của nhà trường, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc giáo dục quyền trẻ em, định hướng phát triển thể chất, tinh thần cho các em. Đặc biệt, nhà trường nên tổ chức nhiều buổi học ngoại khóa nhằm trang bị kiến thức, hướng dẫn kỹ năng tự bảo vệ mình cho các em nhằm giúp các em có thể tự bảo vệ mình trước các vụ xâm hại, bạo lực, nhất là vụ việc xuất phát từ chính người thân trong gia đình các em.
Thạc sĩ PHẠM VĂN CHUNG
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum