Ảnh minh họa.
Cụ thể, trả lời về thắc mắc: “Cho vay bằng phương tiện điện tử tại Mục 3 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung) áp dụng với trường hợp thực hiện cho vay toàn bộ các khâu bằng phương tiện điện tử hay cả trường hợp áp dụng một hoặc một vài khâu bằng phương tiện điện tử?”, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết tổ chức tín dụng (TCTD) xem xét, quyết định thực hiện cho vay bằng phương tiện điện tử áp dụng một hoặc một vài khâu hoặc toàn bộ quy trình cho vay theo quy định tại Mục 3 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung).
Về câu hỏi: “Hệ thống thông tin thực hiện hoạt động cho vay có bắt buộc được phân loại là hệ thống thông tin cấp độ 3 theo khoản 2 Điều 32a Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung)?”, theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, khoản 2 Điều 32a Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định hệ thống thông tin thực hiện hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử phải tuân thủ quy định về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên theo quy định của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ và quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng. Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 09/2020/TT-NHNN ngày 21/10/2020 quy định hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ trực tuyến cho khách hàng thực hiện phân loại theo quy định tại Nghị định số 85/2016/NĐ-CP và các hệ thống thông tin khác thực hiện phân loại theo quy định tại khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7 Điều 5 Thông tư số 09/2020/TT-NHNN. Theo đó, hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ trực tuyến cho khách hàng của TCTD phải tuân thủ quy định về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên.
Liên quan đến thắc mắc về phạm vi áp dụng cho vay bằng phương tiện điện tử bao gồm cá nhân và pháp nhân hay chỉ áp dụng với cá nhân, theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, căn cứ quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung), TCTD xem xét, quyết định cho vay bằng phương tiện điện tử đối với khách hàng vay vốn tại TCTD, bao gồm cá nhân và pháp nhân. Riêng đối với quy định tại Điều 32b Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung), TCTD nhận biết, xác minh thông tin nhận biết khách hàng (eKYC) phục vụ hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử (eKYC chỉ là một khâu trong quy trình cho vay bằng phương tiện điện tử) đối với khách hàng là cá nhân vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống; không áp dụng đối với khách hàng là cá nhân vay vốn phục vụ hoạt động kinh doanh, hoạt động khác và khách hàng là pháp nhân.
Về việc “TCTD có thể thực hiện cho vay bằng phương tiện điện tử đối với các nhu cầu vay vốn khác ngoài nhu cầu vay phục vụ nhu cầu đời sống không?”, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh, TCTD xem xét, quyết định cho vay bằng phương tiện điện tử phục vụ nhu cầu phục vụ đời sống, hoạt động kinh doanh, hoạt động khác theo quy định tại Mục 3 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung).
Bên cạnh đó, Theo quy định điểm c khoản 1 Điều 32b Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung), các TCTD phải thu thập cả âm thanh, hình ảnh, bản ghi hình, ghi âm của khách hàng khi khách hàng vay vốn để có thể thực hiện lưu trữ, bảo quản theo quy định này hay chỉ yêu cầu lưu trữ nếu có phát sinh thu thập các yếu tố này trong quá trình khách hàng vay vốn? Vì khi thực hiện nhận biết và xác minh thông tin nhận biết khách hàng phục vụ cho hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử, TCTD có thể thực hiện thông qua các thông tin nhận biết khách hàng, dữ liệu sinh trắc học (vân tay/mống mắt,...), không nhất thiết phải ghi âm, ghi hình khách hàng. Trong trường hợp đó thì sẽ không có các yếu tố này để lưu trữ, bảo quản.
Về thắc mắc này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 32b Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung), TCTD phải có giải pháp, công nghệ, kỹ thuật để nhận biết và xác minh thông tin nhận biết khách hàng phục vụ hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử; chịu trách nhiệm về rủi ro phát sinh (nếu có) và phải đảm bảo tối thiểu các yêu cầu, trong đó bao gồm việc lưu trữ, bảo quản đầy đủ, chi tiết thông tin nhận biết khách hàng, dữ liệu sinh trắc học của khách hàng; âm thanh, hình ảnh, bản ghi hình, ghi âm; số điện thoại thực hiện giao dịch; nhật ký giao dịch trong quá trình cho vay.
Theo đó, TCTD xem xét, quyết định lựa chọn giải pháp, công nghệ, kỹ thuật triển khai việc lưu trữ, bảo quản thông tin, dữ liệu trong quá trình nhận biết, xác minh thông tin nhận biết khách hàng phục vụ hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử; tuy nhiên, các thông tin, dữ liệu (bao gồm bản ghi âm, ghi hình...) phải đảm bảo đầy đủ theo quy định.
Điều 32b Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định việc nhận biết, xác minh thông tin nhận biết khách hàng bằng phương tiện điện tử (eKYC) theo khoản 1 chỉ áp dụng với khách hàng cá nhân vay phục vụ đời sống. Theo đó, khách hàng là cá nhân vay phục vụ hoạt động kinh doanh và pháp nhân chưa được áp dụng eKYC theo quy định tại Điều 32b cho vay có đúng không?
Trả lời nội dung này, theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Điều 32b Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung), quy định về nhận biết, xác minh thông tin nhận biết khách hàng bằng phương tiện điện tử và áp dụng đối với đối tượng khách hàng là cá nhân vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống. Khách hàng là cá nhân vay vốn phục vụ hoạt động kinh doanh, hoạt động khác và khách hàng là pháp nhân không được áp dụng nhận biết, xác minh thông tin nhận biết khách hàng bằng phương tiện điện tử tại Điều 32b Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung) để phục vụ hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử, mà thực hiện theo các quy định liên quan tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung).
MAI HUỆ