/ Góc nhìn
/ Ngày xuân mạn đàm về tranh tụng

Ngày xuân mạn đàm về tranh tụng

11/02/2021 06:38 |

(LSVN) - Mạn đàm là trao đổi ý kiến nhẹ nhàng và thoải mái về một vấn đề nào đó nhằm làm rõ vấn đề đang đề cập. Cách tiếp cận với sự thật này thật phù hợp với hòa khí ngày xuân, cho dù tranh tụng là một vấn đề hết sức nghiêm túc và không khỏi có những ý kiến khác nhau.

Cải cách tư pháp lấy tòa án là trung tâm và tranh tụng là khâu đột phá trong tố tụng, như thế đủ hiểu tranh tụng có vai trò quan trọng và ý nghĩa sâu xa như thế nào trong tiến trình của cuộc cải cách này. Tranh tụng, theo những khái niệm đã định hình thì từ này được hiểu là các hoạt động được thực hiện bởi các bên tham gia tố tụng, có quyền bình đẳng với nhau trong việc thu thập và đưa ra chứng cứ để bảo vệ các quan điểm và lợi ích của mình, phản bác lại quan điểm, lợi ích của phía đối lập. Tranh tụng, với cách hiểu phổ quát và nội hàm của từ này chỉ xảy ra trong hoạt động tố tụng, còn với đối đáp ngoài tố tụng thì gọi với từ khác như tranh luận, tranh cãi, tranh biện,... Những lập luận về một vụ án nào đó trên mạng xã hội thì đâu phải tranh tụng, đó chỉ là ý kiến từ một phía và gây tranh cãi mà thôi.

Các chuyên gia pháp lý và nhiều người hoạt động thực tế trong lĩnh vực pháp luật đã đề cập, phân tích, nghiên cứu, đề xuất, luận bàn, trao đổi,... không ít lần về tranh tụng, từ khái niệm đến vận dụng, từ lý thuyết đến thực trạng, không ngoài mục đích đưa tranh tụng thực sự trở thành mũi nhọn đột phá trong cải cách tư pháp ở nước ta. Nhiều ý kiến cho rằng tranh tụng cần được áp dụng trong tất cả giai đoạn tố tụng từ điều tra đến xét xử và thậm chí cả sau tố tụng nữa. Trong phạm vi của bài viết này chỉ đề cập tranh tụng trong phiên tòa mà thôi, kể cả hình sự, dân sự, hành chính hay hôn nhân - gia đình, đặc biệt là các phiên tòa hình sự, nơi liên quan và quyết định đến sinh mạng pháp lý của mỗi con người.

Trước hết cần khẳng định, coi trọng tranh tụng chính là coi trọng vai trò của Luật sư trong tố tụng và không có cơ hội nào tốt hơn để Luật sư khẳng định vị thế quan trọng, không thể thiếu trong mỗi phiên tòa. Tranh tụng là việc đối đáp giữa người nắm giữ quyền công tố và Luật sư tại phiên tòa, nơi diễn ra việc xét xử công khai và thẩm phán chủ tọa đóng vai trò như một trọng tài và đưa ra phán quyết cuối cùng dựa trên kết quả của sự đối đáp làm sáng tỏ sự thật khách quan và sự thượng tôn pháp luật.

Đã có một thời, ở nơi này hay nơi khác, lúc này hay lúc khác và khá phổ biến là sự tham gia của Luật sư vào phiên tòa chỉ để “làm cảnh” cho có vẻ dân chủ, khách quan, thậm chí, như một câu đùa vui mà cay đắng: “Sự có mặt của Luật sư tại phiên tòa hôm nay là tình tiết tăng nặng cho bị cáo”. Vị thế và vai trò của Luật sư bị coi thường, tiếng nói của Luật sư không được coi trọng, lập luận và lý lẽ Luật sư đưa ra không ai thèm đếm xỉa là một “sự thật khách quan” không thể phủ nhận đã từng diễn ra mà không phải là trường hợp hy hữu. Vì thế, đưa tranh tụng thành khâu đột phá, buộc tất cả mọi người tham gia tố tụng và tiến hành tố tụng phải tuyệt đối tuân thủ hoạt động tranh tụng thì đó chính là sự khẳng định vai trò Luật sư và nâng cao vị thế của nghề nghiệp Luật sư.

Ở chiều hướng ngược lại, Luật sư cần nỗ lực và thể hiện mình đúng như vai trò và vị thế mà cải cách tư pháp mang lại, nói cách khác, là trả lại cho Luật sư sứ mệnh đặc biệt và đặc thù nghề nghiệp là góp phần giữ cán cân công lý công bằng trong một nền tư pháp sạch. Nếu Luật sư không tự phấn đấu, “làm mới mình” sẽ không đáp ứng được những yêu cầu tranh tụng và lẽ tất nhiên, sẽ bị gạt ra khỏi “sân chơi” pháp lý tiến bộ này!

Cũng phải nhìn nhận một thực tế rằng không ít các Luật sư của chúng ta không đáp ứng được những yêu cầu tranh tụng và có thể đã không coi trọng hoạt động tranh tụng tại phiên tòa. Bởi thế, mới có những chuyện cười ra nước mắt khi Luật sư khẳng định thân chủ mình có tội và đề nghị xin không áp dụng hình phạt tử hình trong khi cáo trạng chỉ đề nghị một mức án có thời hạn; hoặc bào chữa qua quýt, cho xong, thậm chí lời bào chữa chẳng ăn nhập gì đến vụ án, dẫn chiếu sai điều luật hoặc áp dụng điều luật sai... Có những bài bào chữa nhạt hoét, chủ yếu liệt kê thân phận khổ chủ mà xin xỏ đặc ân với những tình tiết giảm nhẹ mà ai cũng biết. Đó đâu phải là tranh tụng.

Tranh tụng không những chỉ đòi hỏi người Luật sư tinh thông pháp luật, hiểu rõ tính chất vụ án mà mình tham gia, con người thân chủ mà mình bảo vệ mà còn cần phải có những phẩm chất đặc trưng nghề nghiệp như lập luận chặt chẽ, khả năng hùng biện, lý lẽ thuyết phục, sự bình tĩnh cần thiết, thái độ ôn hòa mà cương quyết... Một cơ sở không thể thiếu để tranh tụng thành công mang tính chất gốc rễ là đạo đức nghề nghiệp Luật sư, không được mớm cung, “vạch đường cho hươu chạy” hoặc hạ thấp đồng nghiệp, tiểu xảo trong hỏi đáp, vu tội cho bị cáo khác nhằm làm giảm tội cho thân chủ mình, thiếu tôn trọng người tranh tụng với mình là kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa. Đáp ứng được những yêu cầu mà tranh tụng đòi hỏi cũng chính là sự khẳng định vai trò không thể thiếu của Luật sư trong mỗi vụ án cũng như góp phần đáng kể trong việc nâng cao vị thế Luật sư.

Cũng vẫn còn những hiện tượng như việc tòa ra phán quyết mà không căn cứ trên kết quả tranh tụng, gây bức xúc trong dư luận xã hội hoặc có chủ tọa phiên tòa không coi trọng Luật sư nhưng đó lại là một câu chuyện khác, giải quyết ở chỗ khác, vấn đề ở đây là Luật sư thực hiện tốt chức năng tranh tụng của mình, dư luận hoan nghênh, đạo lý bảo vệ. Tranh tụng với vai trò thiết yếu và sự tham gia của Luật sư đã góp phần tích cực vào việc làm giảm thiểu tình trạng “án tại hồ sơ”, “án thỉnh thị” hoặc “án bỏ túi” và quan trọng và thiết thực hơn cả là pháp luật được thực hiện công minh, công lý được tiếp cận và tinh thần thượng tôn pháp luật được lan truyền mạnh mẽ!

Ngày xuân, nâng ly thượng tôn pháp luật, chúc khâu đột phá tranh tụng chiếm lĩnh không gian pháp đình và biểu tượng Luật sư sáng ngời trên bầu trời công lý!         

NHỊ NGỌC

Năm Sửu bàn về lễ hội chọi trâu

Admin