/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Nghề Luật sư tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức trong điều kiện hội nhập kinh tế số hóa

Nghề Luật sư tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức trong điều kiện hội nhập kinh tế số hóa

01/10/2021 10:48 |

(LSVN) - Trong quá trình phát triển, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ hội nhập, phát triển kinh tế số dẫn đầu trong khu vực Đông Nam Á. Sự phát triển nhanh chóng đó mang đến rất nhiều cơ hội và cả những thách thức không nhỏ đối với mọi ngành nghề, trong đó bao gồm cả nghề Luật sư. Đòi hỏi đặt ra là cần phải biết cách nắm bắt các cơ hội để phát triển, nhìn nhận đúng các thách thức, những hạn chế của nghề Luật sư để khắc phục, thích ứng kịp thời với sự phát triển của nền kinh tế số.

Ảnh minh họa.

Kinh tế số là nền kinh tế sử dụng kiến thức, thông tin được số hóa để hướng dẫn, nâng cao phân bổ nguồn lực, năng suất, mang lại tăng trưởng kinh tế chất lượng cao. Phát triển kinh tế số là sự hội tụ của nhiều công nghệ mới, như: dữ liệu lớn, điện toán đám mây, Internet vạn vật - IOT, blockchain - Chuỗi khối, Trí tuệ nhân tạo AI, mạng không dây 5G. Công nghệ mới cho phép con người xử lý khối lượng công việc lớn, đưa ra quyết định thông minh hơn[1]. Hòa nhập với xu thế phát triển của thế giới, Việt Nam được nhìn nhận là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số nằm trong tốp đầu khu vực Đông Nam Á. Đến thời điểm hiện tại, xu hướng số hóa tại Việt Nam đã xuất hiện, bao phủ rộng khắp trên nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế. Dự đoán trong tương lai, với rất nhiều lợi thế về: đông dân số - theo thống kê thì trong năm 2020 có đến 68 triệu người dùng Internet trên tổng số 97 triệu dân[2], nền chính trị ổn định, hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin phát triển… thì nền kinh tế số tại Việt Nam sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, vượt bậc.

Vai trò quan trọng của nghề Luật sư trong nền kinh tế số

Lịch sử phát triển xã hội loài người đã minh chứng rằng bất kỳ sự phát triển kinh tế của quốc gia nào cũng gắn liền với sự phát triển của pháp luật. Kinh tế số hóa càng phát triển thì vai trò, tầm ảnh hưởng của pháp luật sẽ càng sâu rộng và vị thế của Luật sư sẽ càng được coi trọng. Vai trò của Luật sư không chỉ dừng lại ở phạm vi tham gia tố tụng mà còn là tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác. Điều này cũng có thể nói rằng trong hoạt động của cá nhân, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nếu muốn có sự đảm bảo về pháp lý đều cần đến sự tham gia, tư vấn của Luật sư, đặc biệt là những hoạt động pháp lý chỉ có Luật sư mới có quyền thực hiện. Xã hội càng phát triển, khi Việt Nam hội nhập quốc tế càng sâu rộng thì mỗi cá nhân, tổ chức, đặc biệt là các doanh nghiệp càng ý thức được vị trí, vai trò của Luật sư trong đời sống xã hội cũng như trong sự phát triển kinh tế, làm cho vị trí và vai trò của Luật sư sẽ ngày càng được nhìn nhận đúng với giá trị vốn có của nó.

Kinh tế số hóa tác động đến hầu hết các hoạt động kinh tế, xã hội ở Việt Nam, tác động nhiều đến công cuộc cải cách tư pháp vốn đã được thực hiện nhiều năm nay theo tinh thần của Nghị quyết 08/NQ-TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về “Một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới” và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”. Nhiệm vụ của cải cách tư pháp cũng đã có những bước chuyển biến phù hợp, điển hình là việc “số hóa hồ sơ” đã tạo ra rất nhiều sự thuận lợi, hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan tư pháp cũng như hoạt động nghề Luật sư.

Hội nhập kinh tế số hóa tạo ra nhiều cơ hội cho nghề Luật sư ở Việt Nam

Thứ nhất, kinh tế số phát triển đòi hỏi nhu cầu nhân sự rất lớn của nghề Luật sư

Hiện nay ở các nước phát triển, tỷ lệ Luật sư trên tổng dân số rất cao, chẳng hạn như ở Mỹ cứ 250 người dân thì có 1 Luật sư (1/250), ở Pháp và Singapore là 1/1.000, ở Thái Lan là 1/1.526, ở Nhật là 1/1.546[3]. Ở nước ta, trong những năm qua mặc dù Nhà nước đã quan tâm đến việc phát triển đội ngũ Luật sư, tuy nhiên hiện nay tỷ lệ Luật sư trên tổng số dân còn quá thấp: theo thống kê thì tính đến cuối năm 2020 Việt Nam có 15.107[4] Luật sư trên tổng dân số là 97.582.700 người[5], tức là chỉ khoảng 1 Luật sư/6.000 dân, trong khi nhu cầu về dịch vụ pháp lý rất lớn, dẫn đến nhu cầu nhân sự đối với nghề Luật sư là rất cao. Đặc biệt là Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển kinh tế số hóa mạnh mẽ, các doanh nghiệp ngày càng có ý thức và nhu cầu được cung cấp dịch vụ pháp lý để đảm bảo việc kinh doanh đúng quy định pháp luật, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững về sau. Luật sư với sự am hiểu pháp lý của mình sẽ giữ một vai trò quan trọng trong việc đồng hành cùng với các doanh nghiệp trên nhiều khía cạnh: tư vấn quản trị nội bộ doanh nghiệp, bảo vệ tài sản doanh nghiệp, hỗ trợ soạn thảo hợp đồng với các đối tác, tham gia giải quyết tranh chấp giữa các bên trong quá trình kinh doanh…

Thứ hai, việc áp dụng chuyển đổi số tạo thuận lợi cho hoạt động của Luật sư

Số hóa dữ liệu: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là sự lên ngôi của trạng thái số hóa và thông minh hóa các ứng dụng công nghệ thông tin[6]. Việc phát triển mạnh của mạng lưới Internet, số hóa dữ liệu có thể giúp Luật sư làm việc nhanh hơn. Trước hàng ngàn văn bản luật và án lệ, nhờ công cụ tìm kiếm, số hóa sẽ giúp Luật sư tiết kiệm rất nhiều thời gian trong việc tìm kiếm, sàng lọc tài liệu và dành thời gian để phân tích sâu tài liệu liên quan đến vụ việc. Việc công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án theo Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP ngày 16/03/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao “về việc công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án” là một trong những quy định thể hiện việc đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong hoạt động tư pháp và có tác động lớn tới giới Luật sư. Việc này không chỉ giúp cho Luật sư mà còn cả người dân, cơ quan, tổ chức cũng có thể tìm kiếm, xem trực tiếp nội dung các bản án, quyết định đã công bố thuộc các lĩnh vực liên quan, các án lệ được áp dụng. Phương thức này đã tăng cường sự tiếp cận và giám sát đối với hoạt động xét xử, giải quyết của tòa của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; Tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của Tòa án, góp phần nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án... là những yếu tố cũng góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động của Luật sư.

Minh bạch hóa hoạt động doanh nghiệp: Trong quy trình thực hiện hệ thống quản lý doanh nghiệp, vốn trước kia rất chồng chéo bằng những quy định thiếu minh bạch thì kinh tế số hóa đã có tác động tích cực trong việc thực hiện công khai minh bạch hóa các thiết chế quản lý, đồng bộ hóa các quy định pháp luật trong nước so với các thông lệ, quy tắc thương mại thế giới. Đây là một thuận lợi lớn đối với giới Luật sư bởi với những tiến bộ về minh bạch hóa thiết chế quản lý doanh nghiệp sẽ giúp Luật sư có điều kiện thuận tiện trong việc tra cứu quy định, từ đó dự đoán được các rủi ro pháp lý và có hướng tư vấn hiệu quả cho doanh nghiệp.

Sự phát triển của hoạt động trực tuyến: Những bước tiến mới được tạo ra trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi cách giao tiếp và xử lý nghiệp vụ từ trực tiếp sang hình thức tương tác, giao tiếp điện tử. Nền kinh tế số xác định vai trò của công nghệ là yếu tố quan trọng, then chốt trong định hướng phát triển. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có rất nhiều phương thức khác thuận lợi để liên hệ với Luật sư thay vì phải đến gặp trực tiếp: trao đổi qua email, mạng xã hội, trang web của tổ chức hành nghề Luật sư... Vì vậy, phạm vi giao tiếp khách hàng của Luật sư hầu như không còn bị giới hạn bởi khoảng cách về địa lý, không gian. Đặc biệt, trong thời điểm hiện tại, do tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam đang diễn biến hết sức phức tạp, các cơ quan tư pháp cũng đã và đang nghiên cứu áp dụng mô hình xét xử trực tuyến, vừa đảm bảo yêu cầu chống dịch, vừa đảm bảo các vụ án được xét xử kịp thời, đúng quy định pháp luật, làm cho hoạt động của Luật sư cũng được duy trì, ổn định theo. Trên thế giới cũng đã xuất hiện nhiều phương thức giải quyết tranh chấp trực tuyến được thực hiện thông qua nền tảng số, internet… Như vậy, hoạt động hành nghề Luật sư sẽ không còn bị cản trở bởi khái niệm biên giới hay lãnh thổ.

Hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa: Thế giới phẳng hơn đồng nghĩa với việc hoạt động của Luật sư không chỉ dừng lại ở phạm vi trong nước mà còn mở rộng cơ hội hành nghề đối với các đối tác nước ngoài, làm việc xuyên biên giới, với đa dạng về đối tác, loại hình và nội dung dịch vụ cung ứng. Việc hành nghề, mở rộng hợp tác pháp lý ra phạm vi quốc tế sẽ giúp cho các Luật sư Việt Nam có thêm nhiều cơ hội để cọ sát, học hỏi nâng cao chuyên môn nghiệp vụ; được tiếp cận, chuyển giao những kỹ năng hành nghề, phương pháp lý luận chuẩn mực trong hoạt động hành nghề Luật sư tại các nước phát triển trên thế giới.

Như vậy, trong điều kiện hội nhập kinh tế số hóa, sự phát triển của công nghệ và hội nhập sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn cho nghề Luật sư. Cụ thể, lượng công việc ngành luật tăng, đặc biệt là các lĩnh vực liên quan đến kinh tế và thương mại quốc tế. Các Luật sư cần tận dụng những cơ hội này, áp dụng đòn bẩy của công nghệ để phát huy vai trò của Luật sư trong xã hội.

Thách thức đối với nghề Luật sư trong điều kiện hội nhập kinh tế số hóa

Thứ nhất, sự hạn chế về năng lực và kinh nghiệm của Luật sư Việt Nam hiện nay

Trong điều kiện hội nhập kinh tế số hóa trên phạm vi quốc tế, các Luật sư của thời gian tới sẽ là “Luật sư toàn cầu”. Luật sư phải có khả năng tư vấn, làm việc cho các khách hàng hoặc đối tác của khách hàng trên phạm vi toàn cầu. Để làm được điều đó, đòi hỏi Luật sư phải có sự am hiểu không chỉ là pháp luật Việt Nam mà còn là pháp luật nước ngoài, phải có năng lực sử dụng ngoại ngữ và năng lực hội nhập quốc tế cao. Sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, kinh tế số đi cùng với đó là sự hình thành các phương thức kinh doanh mới xuất hiện, chưa có tiền lệ, kiến thức pháp lý cũng liên tục được đổi mới đặt ra yêu cầu cho các Luật sư phải không ngừng cập nhật thông tin để có thể tư vấn cho khách hàng cũng như xử lý hiệu quả các tình huống liên quan trong cuộc sống. Thực tế tại Việt Nam, số lượng Luật sư có chuyên môn sâu, có trình độ ngoại ngữ, có kinh nghiệm trong việc tư vấn pháp lý, giải quyết các vụ việc tranh chấp mang tính quốc tế là rất ít, không đủ để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Do vậy, dẫn đến tình trạng là phần lớn các vụ tranh chấp thương mại mang tính quốc tế thì các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải lựa chọn thuê các tổ chức Luật sư nước ngoài để giải quyết với một mức phí không hề nhỏ.

Luật sư – Thạc sĩ Lê Thị Phương, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Hồng Long.

Thứ hai, áp lực cạnh tranh và đào thải

Mặc dù nhu cầu về nhân sự nghề Luật sư là cao nhưng vẫn xảy ra nghịch lý có những Luật sư bị đào thải khỏi thị trường việc làm do điều kiện phát triển kinh tế tại Việt Nam chưa được đồng đều về mặt địa lý dẫn đến số lượng Luật sư chủ yếu tập trung ở hai địa phương có nền kinh tế phát triển là thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Sự thiếu cân đối này đã tạo ra một áp lực cạnh tranh rất lớn về hoạt động nghề nghiệp của các Luật sư tại hai địa phương này. Đó là chưa kể đến việc bước vào quá trình hội nhập với thế giới, áp lực cạnh tranh không chỉ dừng lại ở các Luật sư trong nước với nhau mà còn là sự cạnh tranh với các Luật sư quốc tế dày dạn chuyên môn, kinh nghiệm đến từ các nước có nền kinh tế phát triển từ rất lâu đời.

Thứ ba, sự tác động của trí tuệ nhân tạo AI

Mặc dù viễn cảnh trí tuệ nhân tạo AI có thể thay thế hoàn toàn Luật sư có lẽ còn khá xa vời, nhưng sự phát triển của trí tuệ nhân tạo AI trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ pháp lý cùng với những ưu điểm vượt trội (dữ liệu lớn, tốc độ tra cứu quy định pháp luật chuẩn xác, nhanh chóng, khả năng dự liệu rủi ro pháp lý toàn diện, chi phí pháp lý thấp và được công khai chi tiết…)  đang dần tạo nên một áp lực cạnh tranh ngày càng lớn đối với những người hành nghề Luật sư truyền thống[7].

Thứ tư, nguy cơ rủi ro trong việc bảo mật thông tin

Kinh tế số tức là số hóa kiến thức, thông tin. Song song với ưu điểm thì cũng tồn tại rủi ro là việc sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ, sổ sách có thể dẫn tới thông tin cá nhân, bí mật kinh doanh của doanh nghiệp bị rò rỉ bao gồm vấn đề bảo mật thông tin, thư tín của cá nhân… Và nếu các thông tin trên không được bảo vệ một cách an toàn sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường. Theo số liệu từ Kaspersky Security Network, Việt Nam thường xuyên nằm trong top 3 quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất năm 2018[8]. Điều này cho thấy, có một lỗ hổng lớn của Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin. Đặc thù của nghề Luật sư là phải hiểu biết tường tận các thông tin của khách hàng, có trách nhiệm bảo mật thông tin, hồ sơ mà khách hàng cung cấp. Do vậy, thực tế là đang có một áp lực không hề nhỏ đối với Luật sư trong việc bảo mật thông tin của khách hàng trong tình trạng an ninh mạng tại Việt Nam đang còn rất nhiều vấn đề đáng lo ngại như hiện nay.

Thứ năm, Luật sư cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt để hội nhập kinh tế số hóa

Kinh tế số sẽ mở ra cơ hội lớn cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Kinh tế số được xác định là động lực phát triển quan trọng để đưa Việt Nam tiến nhanh, tiến mạnh trên trường quốc tế. Đi cùng với đó, nghề Luật sư cũng phải có những sự thay đổi nhất định để thích ứng, tập trung chủ yếu vào các vấn đề sau:

Chủ động hội nhập: Đội ngũ Luật sư cần tích cực rèn luyện ý chí tự học hỏi, cọ sát, trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ với các Luật sư quốc tế; tăng cường nghiên cứu, nắm bắt xu thế mới công nghệ kỹ thuật; tìm hiểu, đáp ứng các điều kiện để được hành nghề luật ở phạm vi toàn cầu. Nhạy bén với thay đổi của thời cuộc, cập nhật kịp thời  thay đổi để bắt kịp chuẩn mực của việc hành nghề Luật sư với đẳng cấp cao hơn.

Nâng cao năng lực chuyên môn: Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các Đoàn Luật sư địa phương cần quan tâm hơn nữa trong việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho Luật sư. Bản thân các Luật sư cũng cần tự ý thức học tập, nâng cao chuyên môn, kỹ năng hành nghề, nâng cao khả năng sử dụng ngoại ngữ để đáp ứng nhu cầu được cung cấp dịch vụ pháp lý của cá nhân, tổ chức trên phạm vi toàn cầu. Ngoài ra, Luật sư còn phải cập nhật, bổ sung các kiến thức về công nghệ thông tin, nâng cao kỹ năng sử dụng các phương tiện công nghệ hiện đại để phát huy điểm mạnh, hạn chế rủi ro khi hành nghề.

Xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp, tin cậy: Đội ngũ Luật sư và các tổ chức hành nghề Luật sư cần có sự hoạch định chiến lược ngắn hạn cũng như dài hạn, nắm bắt đặc trưng của thị trường trong nền kinh tế số để có những thay đổi phù hợp về đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, phát triển thị trường… từ đó phát triển, xây dựng hình ảnh, thương hiệu chuyên nghiệp, từng bước nâng cao niềm tin của các cá nhân, tổ chức vào đội ngũ Luật sư của Việt Nam.

Sự hỗ trợ của Nhà nước: Bên cạnh việc hoạch định pháp luật, tạo hành lang pháp lý, định hướng phát triển nghề Luật sư thì sự hỗ trợ của Nhà nước đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của Luật sư trong nước trên trường quốc tế. Sự hỗ trợ này có thể thực hiện dưới nhiều hình thức như tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của Luật sư trong nước; khuyến khích các cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ Luật sư trong nước; hỗ trợ, cấp kinh phí đào tạo Luật sư phụ vụ cho việc hội nhập nền kinh tế số…

Nhìn chung, để nghề Luật sư được thích ứng, phát triển hiệu quả trong bối cảnh nền kinh tế số thì cần phải có sự phối hợp thực hiện đồng bộ giữa Nhà nước, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư và của chính bản thân các Luật sư.

[1] TS. Tô Trọng Hùng, “Nhận thức về kinh tế số và một số giải pháp phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam”, xem tại: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/nhan-thuc-ve-kinh-te-so-va-mot-so-giai-phap-phat-trien-nen-kinh-te-so-o-viet-nam-81304.htm (truy cập ngày 23 tháng 09 năm 2021).

[2] Báo cáo Digital Marketing Việt Nam năm 2020.

[3] Phạm Thái, “Cần những giải pháp đồng bộ để phát triển nghề Luật sư” xem tại: https://hdnd.quangbinh.gov.vn/3cms/can-nhung-giai-phap-dong-bo-de-phat-trien-nghe-luat-su.htm , (truy cập ngày 23 tháng 09 năm 2021).

[4] “Hội nghị Tổng kết tổ chức hoạt động năm 2020 và phương hướng hoạt động Năm 2021”, xem tại: https://www.liendoanluatsu.org.vn/post/h%E1%BB%99i-ngh%E1%BB%8B-t%E1%BB%95ng-k%E1%BA%BFt-t%E1%BB%95-ch%E1%BB%A9c-ho%E1%BA%A1t-%C4%91%E1%BB%99ng-n%C4%83m-2020-v%C3%A0-ph%C6%B0%C6%A1ng-h%C6%B0%E1%BB%9Bng-ho%E1%BA%A1t-%C4%91%E1%BB%99ng-n%C4%83m-2021 , (truy cập ngày 24 tháng 09 năm 2021).

[5] Dữ liệu trích lục tại trang Thông tin Điện tử Tổng cục Thống kê, xem tại: https://www.gso.gov.vn/px-web-2/?pxid=V0201&theme=D%C3%A2n%20s%E1%BB%91%20v%C3%A0%20lao%20%C4%91%E1%BB%99ng, (truy cập ngày 25 tháng 09 năm 2021)

[6] “Nhìn lại định nghĩa công nghiệp 4.0 và cách Việt Nam đón nhận xu hướng này”, xem tại: https://ictnews.vietnamnet.vn/cuoc-song-so/nhin-lai-dinh-nghia-cong-nghiep-4-0-va-cach-viet-nam-don-nhan-xu-huong-nay-364770.html, (truy cập ngày 23 tháng 09 năm 2021).

[7] TS. Nguyễn Văn Quân, “Một số tác động của trí tuệ nhân tạo tới nghề luật”, xem tại: http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210361, (truy cập ngày 23 tháng 09 năm 2021)

[8] “Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất”, xem tại: https://thanhnien.vn/cong-nghe/viet-nam-nam-trong-top-3-quoc-gia-bi-tan-cong-mang-nhieu-nhat-1058542.html, (truy cập ngày 25 tháng 09 năm 2021).

Luật sư, Thạc sĩ LÊ THỊ PHƯƠNG

Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Hồng Long

Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh

Vai trò của Luật sư trong hoạt động tư pháp theo tinh thần Hiến pháp 2013

Lê Minh Hoàng