Ảnh minh họa.
Đối với quy định này, còn có nhiều ý kiến trái chiều, có thể tổng hợp thành hai luồng ý kiến khác nhau:
Luồng ý kiến thứ nhất bày tỏ lo ngại việc giao cho người dân, đương sự tự thu thập và cung cấp chứng cứ như vậy sẽ rất khó thực hiện, bởi vì hiện nay ngay cả Tòa án thu thập chứng cứ còn gặp rất nhiều khó khăn.
Nhiều cơ quan, đơn vị chậm trễ trong việc cung cấp tài liệu hoặc cung cấp không đầy đủ, thậm chí không cung cấp mặc dù đã có văn bản yêu cầu của Tòa án. Nếu giao cho người dân trách nhiệm này thì sẽ còn gặp khó khăn hơn, từ đó, dẫn đến chậm trễ cho việc giải quyết, không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Trong điều kiện trình độ dân trí, sự am hiểu pháp luật của người dân như hiện nay thì nên giữ như quy định Luật Tổ chức Toà án nhân dân 2014 [2].
Luồng ý kiến thứ hai cho rằng cần khẳng định việc thu thập và cung cấp chứng cứ trong vụ án dân sự là trách nhiệm của các bên tham gia tố tụng, không phải là trách nhiệm của Tòa án, Tòa án của nhiều quốc gia trên thế giới đều thực hiện như vậy.
Trước đây, trách nhiệm thu thập, cung cấp chứng cứ là của người tham gia vụ kiện, nhưng đến Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 lại quy định giao về cho Tòa án. Từ khi thực hiện nhiệm vụ này, cán bộ Tòa án gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ phục vụ cho việc giải quyết các vụ án, có trường hợp những người có liên quan chống đối, không cho thu thập chứng cứ, gây nguy hiểm cho sự an toàn của cán bộ, trong khi cán bộ của Tòa án đã phải giải quyết rất nhiều công việc tại Tòa [3].
Những luồng ý kiến trên đây đều có cơ sở để bảo vệ cho quan điểm của mình. Luồng ý kiến thứ nhất là sự xem xét để phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, thực trạng dân trí và hiểu biết pháp luật hiện nay. Điều kiện kinh tế nước ta còn khó khăn, tiềm lực tài chính của người dân không phải ai cũng có điều kiện thuê Luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình, mà bản thân người dân tham gia vào các vụ án dân sự, vụ án hành chính thì lại không đủ trình độ, năng lực để thực hiện việc thu thập đầy đủ chứng cứ bảo vệ tốt nhất cho quyền lợi của mình dẫn tới quyền lợi không được bảo đảm.
Tuy nhiên, xét về bản chất vụ việc, nâng cao và tăng cường chất lượng tranh tụng các vụ án dân sự, vụ án hành chính và xem xét đến tính bền vững trong quy định của Luật khi được sửa đổi và ban hành thì luồng ý kiến thứ hai lại hoàn toàn có cơ sở.
Bản chất của vụ án dân sự, vụ án hành chính là quá trình các bên yêu cầu Tòa án giải quyết đối với một vụ việc và để chứng minh cho yêu cầu của mình hoặc phản đối yêu cầu của đương sự là có căn cứ và hợp pháp thì đương sự phải có nghĩa vụ chứng minh bằng cách thu thập, cung cấp chứng cứ cho Tòa án.
Tòa án với vai trò là cơ quan xét xử sẽ xem xét, đánh giá chứng cứ do các bên cung cấp, áp dụng pháp luật để chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu của đương sự theo quy trình của các đạo luật tố tụng.
Hiện hành, theo quy định tại khoản 2 Điều 6, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2019, 2020 và 2022 (Bộ luật TTDS năm 2015) quy định “Tòa án có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc thu thập chứng cứ và chỉ tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ trong những trường hợp do Bộ luật này quy định”. Theo quy định tại khoản 2 Điều 9, Luật Tố tụng hành chính năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2019 (Luật TTHC năm 2015) quy định “Tòa án có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ và tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án hoặc đương sự theo quy định của Luật này”.
Việc quy định Tòa án có trách nhiệm hỗ trợ đương sự thu thập chứng cứ và nghĩa vụ thu thập, xác minh chứng cứ trong một số trường hợp như quy định hiện hành, một mặt đảm bảo hỗ trợ đương sự thu thập tài liệu chứng cứ mà đương sự không thể thu thập được, giúp việc giải quyết vụ án được toàn diện, khách quan và triệt để từ đó Tòa án ban hành các phán quyết bảo đảm công lý, công bằng. Mặt khác, không loại trừ trường hợp thiếu công tâm, khách quan trong quá trình thu thập, xác minh chứng cứ dẫn tới không bảo đảm được quyền lợi của một hoặc các bên đương sự.
Đồng thời, việc quy định Tòa án có trách nhiệm hỗ trợ đương sự thu thập chứng cứ và có nghĩa vụ thu thập chứng cứ trong một số trường hợp theo quy định còn tạo áp lực lên hệ thống Tòa án khi toàn ngành Tòa án chỉ có khoảng 6000 Thẩm phán trong khi phải giải quyết khoảng 600.000 vụ án một năm như phát biểu của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao tại phiên trả lời chất vấn chiều ngày 22/11/2023 [4].
Vậy, làm thế nào để có thể điều hòa được cả hai luồng ý kiến trên đây khi hoàn thiện Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi, được Quốc hội thông qua mà vẫn đảm bảo được quyền lợi của người dân, phù hợp với điều kiện dân trí, kinh tế, xã hội hiện nay và đảm bảo được tính bền vững, lâu dài của quy định trong Luật, đảm bảo đúng bản chất của vụ án dân sự, vụ án hành chính, nâng cao tính chất tranh tụng giữa các bên đương sự và không tạo áp lực lên hệ thống Tòa án là vấn đề đặt ra cần giải quyết.
Xét về bản chất, khi đương sự khởi kiện yêu cầu bảo vệ quyền lợi của mình hoặc phản đối yêu cầu của dương sự khác thì trước hết họ là người có nghĩa vụ và phải chủ động trong việc thu thập chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình hoặc phản đối yêu cầu của đương sự khác là có căn cứ và hợp pháp.
Trong thực tiễn thực hiện quyền và nghĩa vụ thu thập chứng cứ của đương sự và các ý kiến lo ngại khi đặt ra quy định Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ chủ yếu tập trung vào việc đương sự gặp khó khăn khi yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang lưu giữ chứng cứ mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân được đương sự trong vụ án dân sự, vụ án hành chính yêu cầu nhưng không cung cấp.
Vì vậy, để khắc phục vấn đề vướng mắc, lo ngại này mà vẫn đảm bảo được quyền thu thập chứng cứ của đương sự thì cơ quan soạn thảo cần sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 15 của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi theo hướng sau khi đương sự đã yêu cầu nhưng cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ chứng cứ đó không cung cấp thì có quyền đề nghị Tòa án xem xét, ban hành quyết định buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ chứng cứ có liên quan đến vụ án phải cung cấp.
Trong trường hợp này, vẫn đảm bảo được việc thể hiện đúng bản chất của vụ án dân sự, vụ án hành chính ở việc nghĩa vụ chứng minh thuộc về đương sự nhưng nếu như đương sự đã làm hết các biện pháp mà vẫn không thu thập được chứng cứ cần thiết thì để bảo đảm giải quyết vụ án được khách quan, đúng pháp luật, đương sự có quyền đề nghị Tòa án xem xét, ban hành quyết định buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân phải cung cấp chứng có đó. Tòa án không có nghĩa vụ thu thập nên sẽ không phải là chủ thể chủ động phải thu thập chứng cứ nên sẽ góp phần giảm gánh nặng lên cán bộ ngành Tòa án khi được phân công giải quyết vụ án và đảm bảo tính khách quan khi thu thập, cung cấp chứng cứ.
Mặt khác, quyết định của Tòa án buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân phải cung cấp chứng cứ có liên quan đến vụ án phải mang tính chất cưỡng chế theo trình tự là một biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định trong các đạo luật tố tụng tương ứng.
Quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tại khoản 1 Điều 111, Bộ luật TTDS năm 2015 quy định: “Trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 của Bộ luật này có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án”.
Tại Điều 66 của Luật TTHC năm 2015 về quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định: “Trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện của đương sự có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 68 của Luật này để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, bảo đảm việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.”
Tuy nhiên, các biện pháp khẩn cấp tạm thời được ghi nhận tại Điều 114 Bộ luật TTDS năm 2015 và Điều 68 Luật TTHC năm 2015 lại không có biện pháp nào thể hiện rõ ý nghĩa của việc áp dụng biện pháp đó để nhằm mục đích để thu thập chứng cứ. Chỉ duy nhất có biện pháp “Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định” được quy định tại khoản 12 Điều 114 của Bộ luật TTDS năm 2015 và khoản 3 Điều 68 Luật TTHC năm 2015 là có thể áp dụng và tương đối phù hợp trong trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ chứng cứ mà không cung cấp.
Bởi việc cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ chứng cứ mà không cung cấp cho đương sự khi có yêu cầu là hành vi làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hoặc quyền, lợi ích hợp pháp của người khác có liên quan trong vụ án đang được Tòa án giải quyết theo quy định tại Điều 71 Luật TTHC năm 2015 và Điều 127 của Bộ luật TTDS năm 2015.
Và vì vậy, nên theo đề nghị của đương sự, Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời bằng quyết định buộc phải thực hiện hành vi cung cấp chứng cứ đó cho đương sự hoặc buộc giao nộp chứng cứ đó cho Tòa án để làm căn cứ giải quyết vụ án được khách quan, đúng pháp luật, bảo đảm được quyền lợi của các bên.
Như vậy, ngoài việc điều chỉnh để hoàn thiện dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) thì cần có sự điều chỉnh phù hợp đối với các quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời và quyền đề nghị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ trong các đạo luật tố tụng của đương sự trong các vụ án dân sự, hành chính.
Quy định về việc Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ nhận được sự quan tâm, góp ý các Đại biểu Quốc hội, giới Luật sư, Luật gia và đông đảo người dân trong xã hội vì là một vấn đề quan trọng, có tác động lớn đến quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình giải quyết vụ án và quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ án. Vì vậy, cần có sự đánh giá, nhìn nhận đa chiều để hoạt động xây dựng, ban hành pháp luật đảm bảo chất lượng, hiệu quả, bền vững và đảm bảo tốt nhất cho quyền lợi của người dân, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật trong tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
[1] Xem tại địa chỉ: https://vbpq.toaan.gov.vn/webcenter/portal/htvb/chi-tiet-vbdt?dDocName=TAND310514, truy cập ngày 24/11/2023. [2] Xem tại địa chỉ: https://lsvn.vn/go-c-nhi-n-ve-de-xua-t-toa-an-khong-co-nghia-vu-thu-thap-chung-cu-trong-vu-viec-dan-su-vu-an-hanh-chinh-1700754781.html, truy cập ngày 24/11/2023. [3] Xem tại địa chỉ: https://lsvn.vn/go-c-nhi-n-ve-de-xua-t-toa-an-khong-co-nghia-vu-thu-thap-chung-cu-trong-vu-viec-dan-su-vu-an-hanh-chinh-1700754781.html, truy cập ngày 24/11/2023. [4] Xem tại địa chỉ: https://plo.vn/dai-bieu-tranh-luan-viec-toa-an-khong-co-nghia-vu-thu-thap-chung-cu-post762916.html, truy cập ngày 24/11/2023. |
Luật gia THIỀU HỮU MINH