Ảnh minh họa.
Mới đây, mạng xã hội xôn xao trước thông tin phi công của Hãng Hàng không VNA dương tính với Ketamin. Được biết, nội dung được lan truyền là báo cáo của Trạm Y tế Đoàn bay 919 (thuộc VNA) gửi lãnh đạo Đoàn bay 919 ngày 27/4 về việc kiểm tra chất gây nghiện với phi công P.H.D. đội bay Airbus A321. Theo văn bản trên, mẫu xét nghiệm của phi công này có chất Ketamine.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Cục Hàng không Việt Nam đã lập tức tổ chức cho kiểm tra chính thức tại bệnh viện trước khi có kết luận cuối cùng cũng như hình thức xử lý (nếu có). Đồng thời, Cục Hàng không Việt Nam cũng cho biết, trong trường hợp kết luận cuối cùng cho thấy phi công này có sử dụng chất cấm thì sẽ bị thu hồi giấy phép lái máy bay vĩnh viễn theo Thông tư số 46/2013 của Bộ trưởng Bộ GTVT về kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không.
Theo Luật sư Trần Xuân Tiền, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, việc phi công một hãng bay có kết quả dương tính với chất ketamin (một dạng ma tuý tổng hợp) khi thực hiện test nhanh chất gây nghiện là một vụ việc rất nghiêm trọng, sự việc này không chỉ ảnh hưởng đến danh dự của cá nhân phi công, ảnh hưởng tới uy tín của hãng hàng không mà nghiêm trọng hơn đó là hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an toàn hàng không. Theo đó, pháp luật hiện hành đã quy định cụ thể về trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức trong việc phòng, chống và ngăn chặn hành vi sử dụng ma túy trong cộng đồng.
Cụ thể, tại khoản 2, Điều 26, Luật Phòng chống ma túy 2021 quy định: "Cơ quan, tổ chức nơi người sử dụng trái phép chất ma túy làm việc có trách nhiệm động viên, giúp đỡ, giáo dục người sử dụng trái phép chất ma túy; ngăn chặn hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và phối hợp với gia đình, cơ quan có thẩm quyền đưa người sử dụng trái phép chất ma túy đi xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể".
Như vậy, trong trường hợp phi công sử dụng ma túy trong thời gian làm việc thì Hãng Hàng không VNA có trách nhiệm ngăn chặn hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và phối hợp với gia đình, cơ quan có thẩm quyền đưa phi công đi xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể.
Cũng theo khoản 2, Điều 7, Thông tư 46/2013/TT-BGTVT về trách nhiệm của người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực hàng không dân dụng quy định: "Người sử dụng nhân viên hàng không có trách nhiệm báo cáo Cục Hàng không Việt Nam khi nhân viên hàng không có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, Điều 5, Thông tư này, đồng thời báo cáo cho Cảng vụ hàng không trong trường hợp hành vi vi phạm xảy ra tại cảng hàng không, sân bay thuộc phạm vi quản lý của Cảng vụ hàng không".
Theo đó, Hãng Hàng không VNA còn có trách nhiệm báo cáo Cục Hàng không Việt Nam khi nhân viên hàng không có hành vi sử dụng hoặc có kết quả dương tính đối với các chất ma túy hoặc chất kích thích không được phép sử dụng khác theo quy định, đồng thời báo cáo cho Cảng vụ hàng không trong trường hợp hành vi vi phạm xảy ra tại cảng hàng không, sân bay thuộc phạm vi quản lý của Cảng vụ hàng không. Trong trường hợp, phi công được xác định sử dụng hoặc có kết quả dương tính đối với các chất ma túy hoặc chất kích thích không được phép sử dụng, sẽ không được sử dụng làm việc tại vị trí nhân viên hàng không ở bất kỳ doanh nghiệp nào hoạt động trong lĩnh vực hàng không dân dụng nào theo quy định tại Điều 6, Thông tư 46/2013/TT-BGTVT.
Ngoài ra, tại khoản 1, Điều 23, Nghị định 144/2021/NĐ-CP, nếu phi công sử dụng trái phép chất ma túy có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Thêm vào đó, cá nhân vi phạm còn bị xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm theo điểm a, khoản 8, Điều này.
Cũng theo Luật sư, VNA mặc dù đã có những quy định về việc kiểm tra sức khỏe, chất kích thích đối với phi công trước khi bay, tuy nhiên, theo thông tin từ báo chí thì trước khi bay phi công này đã từ chối kiểm tra chất gây nghiện. Hơn nữa, trước đó Hãng Hàng không VNA cũng đã xảy ra vụ việc tiếp viên hàng không vận chuyển ma túy về nước, điều này cho thấy công tác kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn chất gây nghiện còn chưa được chặt chẽ, sát sao, nghiêm túc trong quá trình kiểm tra đối với phi hành đoàn.
Do đó, VNA nói riêng cũng như các hãng hàng không dân dụng nói chung nên có cơ chế quản lý, kiểm tra chặt chẽ và nghiêm ngặt hơn về thủ tục kiểm tra sức khỏe, chất kích thích trước khi bay của phi công cũng như quy trình quản lý chung của hãng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật cũng như tạo cho người dân cảm giác yên tâm, an toàn khi lựa chọn dịch vụ của hãng hàng không.
Chiều 05/5, VNA đã phát đi thông cáo báo chí sau khi có thông tin nghi phi công dương tính với chất cấm. Theo đó, thông cáo của VNA cho biết, kiểm tra sức khỏe của phi công là nghiệp vụ được hãng thực hiện thường xuyên, cả định kỳ và đột xuất. Mục đích kiểm tra là nhằm giám sát tuân thủ, đảm bảo sức khỏe tâm, sinh lý của phi công theo các quy định hiện hành của ngành và hãng. Theo VNA, việc một số trang mạng đưa ra một phần báo cáo chuyên môn của bộ phận y tế Đoàn bay 919 với mẫu xét nghiệm ban đầu của một phi công tên D. chỉ là kết quả nghi ngờ liên quan đến thành phần chất cấm sử dụng. Hiện, các cơ quan chuyên môn vẫn đang tiếp tục xét nghiệm, đánh giá, phân tích bằng các phương pháp khác nhau để có thể đưa ra kết luận cuối cùng. Hiện nay, theo đúng quy định, ông D. đã bị tạm đình chỉ công tác để chờ kết luận chính thức. Hãng cũng đã báo cáo ban đầu với Cục Hàng không và sẽ cập nhật kết quả chính thức với Cục Hàng không theo quy định. |
VŨ QUÝ
Cần siết chặt công tác quản lý đối với thị trường hàng xách tay