Người bào chữa nộp tài liệu mới tại phiên tòa phúc thẩm xử thế nào?

19/01/2020 07:58 | 4 năm trước

LSVNO - Trước khi xét xử hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo, người bào chữa... có quyền bổ sung chứng cứ, tài liệu đồ vật... Chứng cứ cũ, chứng cứ mới, tài liệu đồ vật mới bổ sung đều p...

LSVNO - Trước khi xét xử hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo, người bào chữa... có quyền bổ sung chứng cứ, tài liệu đồ vật... Chứng cứ cũ, chứng cứ mới, tài liệu đồ vật mới bổ sung đều phải được xem xét tại phiên tòa phúc thẩm. Bản án phúc thẩm phải căn cứ vào cả chứng cứ cũ và chứng cứ mới. Đây là quy định của BLTTHS năm 2015.

 

Các luật sư tham gia phiên tòa phúc thẩm ngày 16/01/2020.

Tại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án “Trốn thuế” do có kháng cáo của vợ chồng Luật sư Trần Vũ  Hải được TAND tỉnh Khánh Hòa vào sáng 16/01/2020, ngay tại phần thủ tục phiên tòa Luật sư Ngô Anh Tuấn (bào chữa cho hai vợ chồng ông Hải) đã cung cấp cho HĐXX một tài liệu mới. Đó là bản photocopy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà 78/40 Tuệ Tĩnh (TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) từ ông Ngô Văn Lắm cho chị ruột là bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh với giá hơn 21,4 tỉ đồng. Hợp đồng này được Văn phòng Công chứng Hoàng Long (TP. Nha Trang) công chứng vào ngày 22/01/2016. Nhà, đất tại 78/40 Tuệ Tĩnh, Lộc Thọ chính là tài sản chuyển nhượng dẫn đến vụ án "Trốn thuế" này khiến 4 bị cáo bị truy tố, xét xử theo khoản 1 Điều 161 BLHS.

Do đó, phiên tòa phải hoãn và được xử lại vào sáng 13/02/2020. Trong quyết định hoãn phiên tòa, HĐXX không nhắc đến nội dung liên quan đến tài liệu mới mà luật sư giao nộp có giá trị pháp lý hay không, đánh giá tài liệu mới như thế nào…?.

 

Quyết định hoãn phiên tòa ngày 16/01/2020.

Tài liệu mới là chứng cứ để xét xử?

Theo Luật sư Ngô Anh Tuấn, đây chỉ là tài liệu photocopy, do đó tòa án phải điều tra, xác minh xem có phải là hợp đồng thật hay không? "Nếu là hợp đồng thật thì nhà đất 78/40 Tuệ Tĩnh, Nha Trang là tài sản của bà Hạnh. Bà Hạnh không còn nhà đất nào khác thì khi bán nhà, đất này cho vợ chồng ông Trần Vũ Hải, bà được miễn thuế thu nhập cá nhân theo quy định pháp luật. Nếu như vậy thì không có hành vi phạm tội xảy ra và không có vụ án này", Luật sư Tuấn nói.

BLTTHS đã quy định, trước khi xét xử hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo, người bào chữa… có quyền bổ sung chứng cứ, tài liệu đồ vật… Chứng cứ cũ, chứng cứ mới, tài liệu đồ vật mới bổ sung đều phải được xem xét tại phiên tòa phúc thẩm. Bản án phúc thẩm phải căn cứ vào cả chứng cứ cũ và chứng cứ mới.

Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án. Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự.

Với quy định về thủ tục tố tụng hình sự hiện hành, tài liệu là bản photo hợp đồng chuyển nhượng do luật sư cung cấp tại phiên tòa phúc thẩm là có thật  nhưng chưa xác định được nguồn gốc, chưa được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định nên chưa được coi là chứng cứ, chưa có giá trị pháp lý để công nhận nếu vụ án được tiếp tục xét xử.

Biên bản giao nộp tài liệu mới tại TAND tỉnh Khánh Hòa.

Theo quy định của pháp luật, khi tiếp nhận chứng cứ, tài liệu đồ vật... liên quan đến vụ án do người bào chữa cung cấp, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản giao nhận và kiểm tra, đánh giá theo quy định của BLTTHS. Việc người bào chữa cung cấp tài liệu công chứng photo và người bào chữa không thể thu thập, xác minh tài liệu này tại Văn phòng Công chứng để làm rõ tính hợp pháp tài liệu liên quan đến việc bào chữa thì người bào chữa giao nộp và đề nghị tòa án tiến hành tố tụng thu thập tài liệu này để chuyển hóa thành chứng cứ có giá trị pháp lý khi tranh tụng.

BLTTHS cũng có quy định, ngay sau khi tiếp nhận chứng cứ, tài liệu do cơ quan, tổ chức cá nhân cung cấp, thì tòa án phải chuyển cho VKS cùng cấp. Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận chứng cứ, tài liệu đồ vật, VKS phải xem xét chuyển lại tòa án để đưa vào hồ sơ vụ án, có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản giao nhận và kiểm tra, đánh giá theo quy định của BLTTHS.

Quyết định hoãn phiên tòa không nhắc đến nội dung liên quan đến tài liệu mới có giá trị pháp lý hay không, đánh giá tài liệu mới này ra sao? Theo quy định, những vấn đề này phải được xem xét giải quyết trong thời hạn hoãn phiên tòa và tiếp tục được kiểm chứng, đánh giá công khai tại phiên tòa phúc thẩm ngày 13/02/2020.

Bảo Hưng