/ Luật sư trực ban
/ Người lao động cần làm gì khi doanh nghiệp nợ lương?

Người lao động cần làm gì khi doanh nghiệp nợ lương?

21/01/2022 07:35 |

(LSVN) - Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày. Nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.

Ảnh minh họa. 

Mới đây, trên 40 nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh đã cầm giấy, băng rôn trước cổng bệnh viện cầu cứu về việc bị nợ lương trong thời gian dài. Được biết, năm 2020, ảnh hưởng dịch bệnh, số lượng bệnh nhân tới khám tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh giảm khiến nguồn thu sụt giảm. Tình hình tài chính của bệnh viện ngày càng khó khăn.

Đến nay, bệnh viện chưa tìm được nguồn thu, nên chưa có tiền để trả lương cho người lao động.

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho Bệnh viện có kinh phí duy trì hoạt động và để bảo đảm quyền lợi của người lao động, Bộ Y tế đề nghị Bộ Tài chính xem xét và sớm trình Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ Bệnh viện 10,2 tỉ đồng để hỗ trợ chi lương, chi hoạt động thường xuyên cho Bệnh viện do tác động của dịch Covid-19 theo đề xuất của Bộ Y tế.

Về vấn đề này, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Thị Kiều Trang, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, theo quy định tại Điều 97 Bộ luật Lao động 2019, người lao động hưởng lương theo tháng được trả một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Thời điểm trả lương do hai bên thoả thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ.

Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày. Nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.

Như vậy, doanh nghiệp có thể chậm trả lương nhân viên vì lý do bất khả kháng nhưng không được chậm quá 30 ngày. Người lao động ngoài số tiền lương gốc được trả thì còn được nhận một khoản tiền lãi nhất định trong thời gian chậm trả.

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi trả lương không đúng hạn, không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thoả thuận trong hợp đồng lao động nếu vi phạm với từ 11 người đến 50 người lao động.

Trong trường hợp này, Bệnh viện Tuệ Tĩnh cần phải tìm kiếm nguồn tài chính để khắc phục khó khăn, trả lương cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật. Bệnh viện Tuệ Tĩnh có thể đi vay ngân hàng hoặc xin đơn vị chủ quản cấp tài chính để duy trì hoạt động. Trường hợp Bệnh viện Tuệ Tĩnh vẫn không trả lương nhân viên đúng hạn hoặc không thể tìm kiếm được nguồn tài chính để trả lương nhân viên thì người lao động có thể khởi kiện ra Toà án cấp huyện nơi Bệnh viện có trụ sở để bảo vệ lợi ích hợp pháp của chính mình.

NGỌC ANH

Xử lý nghiêm việc bôi nhọ người khác khi đòi nợ cho vay qua app

Lê Minh Hoàng