/ Luật sư trực ban
/ Người nước ngoài được miễn giấy phép lao động có phải đóng BHXH không?

Người nước ngoài được miễn giấy phép lao động có phải đóng BHXH không?

12/05/2022 03:02 |

(LSVN) - Chồng tôi là lãnh đạo công ty mẹ ở nước ngoài sang công ty con ở Việt Nam làm việc theo diện di chuyển nội bộ của tập đoàn nước ngoài và được miễn giấy phép lao động. Vậy, tôi muốn hỏi chồng tôi có thuộc diện đóng BHXH bắt buộc không? Bạn đọc T.Q có hỏi.

Ảnh minh họa. 

Về vấn đề này, Luật sư Hoàng Trọng Giáp, Công ty Luật TNHH Hoàng Sa cho biết, theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định về người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp như sau: "Người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam, di chuyển tạm thời trong nội bộ doanh nghiệp sang hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng liên tục". 

Theo quy định tại Điều 154 Bộ luật Lao động 2019 và Điều 7 Nghị định 152/2020/NĐ-CP hiện nay có 20 trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc diện phải đề nghị cấp giấy phép lao động. Bên cạnh đó, căn cứ khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Nghị định số 143/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam:

‘’Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.

2. Người lao động quy định tại Khoản 1 Điều này không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định tại Nghị định này khi thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03/02/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;

b) Người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 187 của Bộ luật Lao động’’.

Theo Công văn 1064/LĐTBXH-BHXH giải đáp vướng mắc trong thực hiện Nghị định số 143/2018/NĐ-CP thì người lao động nước ngoài thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có đủ các điều kiện sau đây: Có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp; Có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam; Chưa đủ 60 tuổi đối với nam và chưa đủ 55 tuổi đối với nữ; Không thuộc đối tượng di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP. 

Như vậy, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo diện di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp, người lao động được miễn giấy phép lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

PV

Đối tượng, chức danh luân chuyển cán bộ theo quy định mới nhất

Nguyễn Mỹ Linh