(LSO) - Theo báo chí phản ánh, thời gian qua, một số người sử dụng mạng xã hội Facebook nêu tình trạng bị khóa tài khoản với thông báo: “vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng”. Hậu quả không được phép đăng bất kỳ nội dung nào lên Facebook trong thời gian nhất định. Điều đó dẫn đến thiệt hại nhiều mặt cho người sử dụng nhất là đối với những người sử dụng mạng Facebook để kinh doanh, quản lý, điều hành công việc. Vậy Facebook có quyền đơn phương khóa tài khoản của người dùng hay không? Người bị khóa tài khoản Facebook có được bồi thường thiệt hại hay không và họ phải làm gì để bảo vệ mình?… Trong phạm vi bài viết này, tôi xin trao đổi dưới góc độ cá nhân một số vấn đề liên quan.
Thứ nhất, cá nhân tôi cho rằng Facebook có quyền đơn phương tạm ngừng hoặc chấm dứt tài khoản của người sử dụng. Vì khi đăng ký tạo lập tài khoản Facebook, Điều khoản dịch vụ đã quy định Facebook có quyền tạm ngừng hoặc chấm dứt tài khoản của người sử dụng. Đơn vị cung cấp sản phẩm mạng mong muốn Facebook trở thành nơi mà mọi người cảm thấy an toàn và được chào đón khi thể hiện bản thân, cũng như chia sẻ suy nghĩ và ý tưởng của mình. Nhưng nếu Facebook xác định người sử dụng vi phạm rõ ràng, nghiêm trọng hoặc nhiều lần điều khoản hoặc chính sách của Facebook, đặc biệt là Tiêu chuẩn cộng đồng, đơn vị cung cấp có thể tạm ngừng hoặc vô hiệu hóa vĩnh viễn quyền truy cập vào tài khoản của người sử dụng.
Rất tiếc, chúng ta thường bỏ qua không nghiên cứu kỹ các Điều khoản dịch vụ của đơn vị cung cấp. Và có lẽ vì thói quen, từ nhận thức Mạng xã hội là mạng ảo, ít bị quản lý, ít ràng buộc nên không ít người đã bỏ qua hoặc ít quan tâm đến Điều khoản dịch vụ của đơn vị cung cấp từ đó vi phạm các điều khoản này mà không biết.
Dưới góc độ luật, việc cung cấp và sử dụng sản phẩm Facebook là giao dịch dân sự thuộc loại hành vi pháp lý đơn phương được quy định tại Điều 116 Bộ Luật Dân sự năm 2015. Và đây là giao dịch dân sự có điều kiện được quy định tại Điều 120 Bộ luât Dân sự năm 2015. Theo đó, bên cung cấp sản phẩm là Facebook đưa ra các Điều khoản dịch vụ là điều kiện bắt buộc, buộc người sử dụng phải tuân thủ mới được sử dụng Facebook. Mặt khác, các điều khoản đó không trái pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Khi người sử dụng chấp nhận điều khoản đó thông qua việc ấn nút đồng ý với các điều khoản khi đăng ký tài khoản, đương nhiên các Điều khoản dịch vụ đó có giá trị pháp lý. Do vậy, Facebook hoàn toàn có thể viện dẫn và căn cứ Điều khoản dịch vụ để tạm ngừng hoặc chấm dứt tài khoản của người sử dụng phù hợp quy định của pháp luật.
Thứ hai, tạm ngừng hoặc chấm dứt tài khoản, hạn chế sử dụng một số tính năng của tài khoản Facebook có lý do hay không? Căn cứ, lý do bị tạm dừng hoặc khóa tài khoản được nêu trong Điều khoản dịch vụ của đơn vị cung cấp và trong các quy định của pháp luật. Vấn đề tại sao gần đây có nhiều người phản ánh về hiện tượng này và các chủ tài khoản cho rằng mình không sai, không vi phạm điều khoản của Facebook.
Đây là nội dung mà không chỉ Facebook cần quan tâm và có lời giải thỏa đáng. Nguyên nhân, lý do có thể do khác biệt về nhận thức, khác biệt về văn hóa hoặc khác biệt về cách tiếp cận và lý giải về cùng một vấn đề. Đôi khi người sử dụng cho rằng bài viết, hình ảnh của mình đưa lên mạng không sai, không xâm phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác. Nhưng đội ngũ của Facebook có các chuẩn mực, luận giải, nhận thức khác…
Thứ ba, người sử dụng bị tạm dừng hoặc khóa tài khoản có được bồi thường thiệt hại hay không? Bản chất mạng xã hội Facebook tạo ra các công nghệ và dịch vụ nhằm hỗ trợ mọi người kết nối với nhau, xây dựng cộng đồng và phát triển doanh nghiệp. Sản phẩm của Facebook cung cấp đến người sử dụng không thông qua một hợp đồng song vụ, không làm phát sinh nghĩa vụ của Facebook trong việc đảm bảo tính ổn định, liên tục, không hạn chế, không gián đoạn và không bị kiểm soát. Những nội dung này nếu có đều được thể hiện chỉ ở chính sách và cam kết nội bộ của Facebook đối với người sử dụng chứ không có bản hợp đồng nào được ký kết. Do vậy, rất khó để buộc Facebook phải bồi thường cho người sử dụng khi họ tạm dừng hoặc chấm dứt tài khoản của người sử dụng. Nhất là trong trường hợp người sử dụng miễn phí sản phẩm của Facebook. Mặt khác, như đã nói Điều khoản dịch vụ của Facebook về cơ bản đã loại trừ trách nhiệm của chính họ. Trong khi pháp luật của chúng ta chưa có các quy định cụ thể, rõ ràng về vấn đề này. Bộ luật Dân sự 2015 thấy rằng, hiện cũng chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm dân sự hoặc bồi thường thiệt hại trong những trường hợp tương tự.
Thứ tư, theo quy định hiện nay, người sử dụng Facebook có thể làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình? Điều khoản dịch vụ của Facebook đã quy định về việc người sử dụng được quyền phản ánh đến chính Facebook để giải quyết sự cố. Mặt khác, người sử dụng cũng có thể sử dụng pháp luật của quốc gia mà người đó cư trú để thực hiện khiếu nại, hoặc tố tụng để giải quyết tranh chấp với Facebook. Nhưng như đã nêu và phân tích việc tạm ngừng, chấm dứt hoặc hạn chế một số quyền của chủ tài khoản là quyền chủ động của Facebook dựa theo Điều khoản dịch vụ. Do vậy, việc khiếu nại, khởi kiện đến cơ quan chức năng hoặc Tòa án trong trường hợp này nếu có thực hiện cũng sẽ không mang lại hiệu quả cao cho người thực hiện.
Từ thực tiễn đó, thiết nghĩ đã đến lúc chúng ta cũng cần nghiên cứu, xem xét việc ban hành luật để quản lý, ràng buộc trách nhiệm của đơn vị cung cấp sản phẩm dịch vụ trong trường hợp tương tự. Việc coi loại sản phẩm dịch vụ như Facebook là một loại sản phẩm dịch vụ mang tính chất vật chất có thu phí, người sử dụng dịch vụ chính là người tiêu dùng và được bảo vệ dưới góc độ pháp Luật Bảo vệ người tiêu dùng cũng là một định hướng để nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật.
Luật sư TRẦN VĂN AN
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang