/ Góc nhìn
/ Nguy cơ từ việc tư vấn pháp luật thiếu chuyên môn trên mạng xã hội

Nguy cơ từ việc tư vấn pháp luật thiếu chuyên môn trên mạng xã hội

29/08/2024 06:25 |

(LSVN) - Tư vấn pháp luật là hoạt động đặc thù và không dành cho những người “ngoại đạo”. Tuy nhiên, hiện nay hiện tượng “tư vấn dạo” của những người không có chuyên môn qua các nền tảng mạng xã hội lại diễn ra khá phổ biến.

Ảnh minh họa.

Trước tiên cần phải khẳng định, tư vấn pháp luật là hoạt động đặc thù, người tư vấn phải đáp ứng được đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật, như: Luật Luật sư, Luật Trợ giúp pháp lý, Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư, cũng như quy định có liên quan khác tại các văn bản quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành…

Theo đó, hiện nay, chỉ có một số ít những người được phép tư vấn pháp luật theo quy định của pháp luật như Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý, Tư vấn viên pháp luật…; các yêu cầu về điều kiện buộc phải đáp ứng để một cá nhân nào đó được quyền tư vấn pháp luật áp dụng áp dụng kể cả đối với hoạt động tư vấn pháp luật miễn phí. 

Tư vấn pháp luật là hoạt động đặc thù và không dành cho những người không được đào tạo, công nhận về năng lực pháp lý bởi cơ quan chức năng có thẩm quyền. Mặc dù, trong thực tế vẫn có rất ít trường hợp, một cá nhân nào đó thông qua việc tự tìm hiểu, tự nghiên cứu, có đủ kiến thức chuyên môn pháp luật, nội dung tư vấn đảm bảo. Tuy nhiên, họ chưa được cấp các văn bằng, chứng chỉ theo quy định của pháp luật, thì việc tự ý thành lập các kênh mạng xã hội để thực hiện việc tư vấn pháp luật, khi chưa đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật là hành vi vi phạm pháp luật, bị nghiêm cấm. Nói cách khác, hoạt động tư vấn pháp luật không phải là “sân chơi” của các “tay mơ”.

Trong thời đại số hóa hiện nay, mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hàng ngày, là nơi mà nhiều người tìm kiếm thông tin và chia sẻ kiến thức. Lợi dụng sự phổ biến, dễ tiếp cận của mạng xã hội, hệ thống kiểm duyệt thông tin chưa được chặt chẽ. Nhiều cá nhân đã thành lập các kênh trên nền tảng như Youtube, Facebook, Tiktok… Sau đó, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, ẩn ý khẳng định mình là Luật sư, là chuyên gia pháp lý. Từ đó thực hiện việc chia sẻ, tư vấn các thông tin pháp luật qua góc nhìn đầy tính cá nhân và thiếu chuyên môn. Hệ quả của việc này, là làm cho người nghe, người xem hiểu sai về quy định, chính sách pháp luật, đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước. Đơn cử như gần đây, báo chí đưa tin về việc người dân ùn ùn đổ xô đi gia hạn thời hạn sử dụng đất không chỉ gây tốn kém thời gian, công sức của người dân, mà còn làm tăng đột biến khối lượng công việc của cơ quan hành chính Nhà nước, ảnh hưởng đến hoạt động chung của cơ quan. Vì thế, hàng loạt các kênh truyền thông chính thống, các trang báo lớn của Trung ương và địa phương phải có loạt bài thông tin để người dân hiểu đúng quy định. Nguyên nhân của sự việc này là do người dân lo sợ đất sẽ bị thu hồi nếu hết hạn mà không gia hạn, theo như thông tin được chia sẻ bởi các “chuyên gia” trên mạng xã hội. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đất đai 2024, việc hết hạn và bị thu hồi chỉ áp dụng đối với một số loại đất và phải căn cứ vào nguồn gốc sử dụng đất, không phải tất cả đất sẽ bị thu hồi nếu hết hạn, mà còn có các trường hợp được tự động được gia hạn mà không bị thu hồi.

Khi người dân liên tục tiếp nhận thông tin sai lệch từ những người không có chuyên môn, không được phép tư vấn pháp luật thông qua các nền tảng mạng xã hội, có thể dẫn đến tình trạng nhiễu loạn thông tin, “vàng, thau lẫn lộn”. Người dân sẽ không phân biệt được đâu là thật, đâu là giả, từ đó mất lòng tin vào hệ thống pháp luật và cả những chuyên gia pháp lý thực thụ. Vì thế, nếu những thông tin sai lệch tiếp tục được lan truyền mà không được kiểm soát, sẽ rất khó để cơ quan chức năng thực thi pháp luật một cách hiệu quả, người dân có thể không hợp tác hoặc thậm chí là chống đối do hiểu không đúng quy định của pháp luật.

Hiện tượng người dùng mạng xã hội không có hiểu biết chuyên môn tư vấn pháp lý là một vấn đề phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro và hậu quả nghiêm trọng. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự kết hợp của cả cơ quan chức năng, người dân và các chuyên gia pháp lý. Chỉ khi tất cả các bên cùng nỗ lực, chúng ta mới có thể bảo vệ được quyền lợi chính đáng của người dân và đảm bảo sự thượng tôn pháp luật trong xã hội.

Luật sư TRƯƠNG NGỌC LIÊU

Công ty TAT LAW FIRM

Thổi giá

Nguyễn Hoàng Lâm