/ Luật sư - Bạn đọc
/ Ông Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh có thể đối diện mức án nào?

Ông Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh có thể đối diện mức án nào?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) – Theo Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, với tội danh bị khởi tố thì ông Nguyễn Thanh Long có thể phải đối mặt với hình phạt cao nhất có thể tới 15 năm tù, còn ông Chu Ngọc Anh và ông Phạm Công Tạc có thể đối mặt với hình phạt cao nhất tới 20 năm tù theo quy định của Bộ luật Hình sự.

  Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và nguyên Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh.

Ngày 07/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam, khám xét đối với ông Nguyễn Thanh Long (nguyên Bộ trưởng Y tế) về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Với tội danh này thì ông Nguyễn Thanh Long đối mặt với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 10 năm đến 15 năm. Đây là một trong những tội danh thuộc nhóm tội phạm về tham nhũng và chức vụ, hình phạt là rất nghiêm khắc. Tội này được áp dụng với người có chức vụ quyền hạn, vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác mà làm trái công vụ gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước từ 10.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, của tổ chức, của cá nhân thì sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Khoản 3 quy định "Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm".

Tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" trực tiếp xâm hại đến sự hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức; làm cho các cơ quan tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào Nhà nước. Điều đặc biệt trong vụ án này là người bị khởi tố là Bộ trưởng Bộ Y tế, người đứng đầu ngành y tế có trách nhiệm cao nhất trong việc tổ chức hoạt động khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh. Ở thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, cả xã hội hoang mang, lo lắng và trông chờ rất nhiều vào lực lượng phòng chống dịch bệnh thì các bị can lại lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình phải lợi dụng vị trí công tác để làm trái công vụ, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân. Vụ việc xảy ra tại Công ty Việt Á cho thấy thiệt hại rất lớn về tài sản và thậm chí còn có thể là tính mạng sức khỏe của hàng trăm, hàng ngàn người dân.

Theo quy định của pháp luật thì lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội là những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Bởi vậy khi kết án, tòa án sẽ cân nhắc đến tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để có mức hình phạt phù hợp đủ để răn đe, giáo dục đối với các bị cáo, đồng thời để phòng ngừa chung cho xã hội. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác là hành vi nào, Hành vi phạm tội được thể hiện qua các chứng cứ nào. Yêu tố vụ lợi ở đây có bao gồm việc nhận tiền, tài sản từ Công ty Việt Á hay không. Trong trường hợp có nhận tiền, tài sản thì đó là bao nhiêu tiền. Cơ quan điều tra sẽ thu giữ những tài sản do phạm tội mà có đồng thời có thể tiến hành niêm phong, kê biên các tài sản của bị can để đảm bảo thi hành án trong trường hợp có căn cứ cho thấy bị can đã thực hiện hành vi gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước.

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy bị can đã nhận tiền, tài sản từ Công ty Việt Á thì cơ quan điều tra sẽ làm rõ nhận tiền tài sản này có sự thỏa thuận để thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa tiền hay không. Trường hợp nhận tiền để thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa tiền thì đây là hành vi nhận hối lộ, hành vi này sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự, trường hợp số tiền nhận hối lộ từ 1.000.000.000 đồng trở lên thì hình phạt sẽ ở khung cao nhất là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Còn trường hợp người có chức vụ quyền hạn nhận tiền, lợi ích vật chất từ phía Công ty Việt Á nhưng không có thỏa thuận thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa tiền thì hành vi không cấu thành tội "Nhận hối lộ" mà đây là hành vi của tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, số tiền, tài sản nhận được đó là yếu tố vụ lợi, toàn bộ số tiền tài sản này sẽ bị thu giữ. Ngoài ra cơ quan tố tụng sẽ làm rõ hành vi của bị can có gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước, của tổ chức, cá nhân hay không nếu có thì mức độ ra sao và đánh giá trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bị can trong vụ án có đồng phạm. 

Đối với trường hợp của ông Chu Ngọc Anh và ông Phạm Công Tạc bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí" theo quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự, Luật sư Cường nhận định với tội danh này, các bị can có thể phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 10 năm đến 20 năm tù.

Tội "Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí" được áp dụng đối với người có chức vụ quyền hạn trong việc quản lý sử dụng tài sản của nhà nước nhưng đã có hành vi vi phạm như: sử dụng tài sản nhà nước không đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ và không hiệu quả, lãng phí; không thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa, bảo vệ tài sản nhà nước theo quy định; không báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước được giao theo quy định của pháp luật...

Hành vi vi phạm này chỉ cấu thành tội phạm nếu gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỉ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm, cơ quan tiến hành tố tụng cần xác định rõ hành vi của người đó đã vi phạm quy định cụ thể nào của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Tài sản được giao quản lý là tài sản nào, việc quản lý theo tiêu chuẩn chế độ định mức nào, hành vi phạm tội được thực hiện như thế nào, gây thiệt hại ra sao là những yếu tố quan trọng để xác định tội danh, làm cơ sở để quyết định mức hình phạt.

Có thể thấy, đây là một vụ án gây chấn động dư luận, gây ra hậu quả rất nghiêm trọng cho xã hội làm giảm sút uy tín của nhân dân đối với đảng và nhà nước, khiến cho công tác phòng chống dịch bệnh tốn kém lãng phí, gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của nhân dân nên ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng đã đưa vụ án này vào điện chỉ đạo và tiến hành xử lý triệt để, nghiêm minh để đảm bảo công bằng, răn đe, phòng ngừa chung đối với xã hội. Việc đấu tranh với tội phạm về tham nhũng và chức vị liên quan tới phòng chống dịch như vậy là cần thiết, rất kịp thời và thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật. 

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tội phạm tham nhũng và chức vụ trong thời gian qua, trong đó có nguyên nhân về quyền lợi chế độ của người hưởng lương; từ đạo đức xã hội xuống cấp; việc quản lý cán bộ chưa tốt... Do đó, để giảm bớt những vụ án đau lòng như thế này, để tránh thất thoát tài sản của nhà nước, thiệt hại đến uy tín của nhà nước, của đảng, gây bức xúc trong dư luận thì cần phải thực hiện đầy đủ đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tội phạm về tham nhũng. Trong đó, cần phải tiếp tục thực hiện giảm biên chế, cải cách tiền lương để không ngừng nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người hưởng lương. Cần làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn đúng người có đức, có tài, sử dụng nhân sự đúng vị trí, đúng khả năng, đúng năng lực để họ thực hiện tốt nhiệm vụ; cần phải tăng cường cơ chế quản lý kinh tế để người có chức vụ có muốn tham nhũng cũng không thể tham nhũng được, không có chỗ để cất giấu tài sản tham nhũng, cần phải thực hiện công khai minh bạch, tăng cường cơ chế giám sát để kịp thời phát hiện xử lý tham nhũng.

PV

Bắt tạm giam nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và nguyên Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh

Lê Minh Hoàng