/ Luật sư - Bạn đọc
/ Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh đối diện với mức xử phạt nào liên quan đến những sai phạm tại Dự án đầu tư trang thiết bị giáo dục

Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh đối diện với mức xử phạt nào liên quan đến những sai phạm tại Dự án đầu tư trang thiết bị giáo dục

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) – Việc phát hiện, xử lý nghiêm minh các tội phạm về tham nhũng và chức vụ nói chung, xử lý hành vi phạm tội về đấu thầu là cần thiết để đảm bảo sự công bằng trong xã hội. Những hành vi vi phạm quy định về đấu thầu thì tùy thuộc vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị kỷ luật, bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngày 24/6/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 42/QĐ-CSKT-P9 về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị liên quan trong việc thực hiện các Dự án đầu tư trang thiết bị giáo dục cho các trường mầm non, tiểu học, quy định tại khoản 3, Điều 222, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Đồng thời, ra Quyết định khởi tố bị can và Lệnh khám xét đối với 15 bị can, trong đó ra Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 09 bị can, gồm: Vũ Liên Oanh, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh; Ngô Vui, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính; Hà Huy Long, nguyên Phó phòng Kế hoạch Tài chính; Trần Ngọc Thắng và Trần Thị Thanh Xuân, nguyên Tổng Giám đốc Công ty MQF; Ngô Mạnh Hùng, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty MQF; Lê Long Hải và Lê Đại Tấn, Chuyên viên Công ty NSJ; Vũ Ngọc Minh, Giám đốc Công ty Thẩm định giá Gia Lộc.

Đồng thời, ra Lệnh tạm giam đối với 01 bị can (Hoàng Thị Thúy Nga, hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ); Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 05 bị can, gồm: Phạm Thị Hạnh, nguyên Phó trưởng phòng Kế hoạch tài Chính, Sở Giáo dục và Đào tạo; Phạm Việt Anh, Phó trưởng phòng Dự án; Hoàng Thị Minh Tâm, nhân viên Phòng Dự án, Công ty MQF; Hà Thị Thu Huyền, thẩm định viên và Phạm Đức Chính, nhân viên Công ty Thẩm định giá Gia Lộc.

Các bị can trong vụ án.

Ngay sau khi được Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 3) thi hành các Quyết định, Lệnh nêu trên theo đúng quy định của pháp luật.

Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang khẩn trương điều tra triệt để, mở rộng vụ án và áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Theo Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp đánh giá, nếu thất thoát tài sản của nhà nước từ 1.000.000.000 đồng trở lên thì người phạm tội sẽ phải đối mặt với khung hình phạt có thể tới 20 năm tù.

“Đây là một vụ án rất đau lòng nhưng không bất ngờ trong bối cảnh Đảng ta đang phát động công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, thúc đẩy công cuộc “đốt lò” để làm trong sạch đội ngũ cán bộ trong giai đoạn hiện nay. Cái đau và nỗi buồn trong vụ án này là vụ án có nhiều bị can, có những bị can là lãnh đạo từng đứng đầu ngành giáo dục ở địa phương”, Luật sư Cường chia sẻ.

Thời gian gần đây cơ quan điều tra khởi tố nhiều vụ án liên quan tới tội phạm về chức vụ trong đó có tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, mỗi vụ án như thế thường có nhiều đồng phạm, trong đó có cán bộ cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp, cơ quan thẩm định giá. Hành vi vi phạm thể hiện có tổ chức, thủ đoạn tinh vi… Tội phạm về chức vụ không chỉ xảy ra ở lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, lĩnh vực đất đai, y tế mà nay còn phát hiện cả lĩnh vực giáo dục. Thật đáng buồn khi lĩnh vực được coi là có đạo đức cao trong xã hội như y tế, giáo dục lại có những cán bộ sa vào vòng lao lý, vì lợi ích mà bỏ qua đạo đức, cấu kết với nhau để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật như vậy.

Liên quan đến lĩnh vực đấu thầu, gần đây khi cơ quan chức năng vào cuộc thì phát hiện nhiều trường hợp vi phạm ở mức độ nghiêm trọng, làm thất thoát tài sản nhà nước, tạo cơ hội cho một số tổ chức, cá nhân trục lợi, làm ảnh hưởng tới hoạt động quản lý nhà nước, gây bất bình đẳng trong xã hội.

Nhiều vụ án hình sự xử lý về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu" đã được phát hiện, xử lý trong thời gian gần đây, tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau mà hiện tượng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này vẫn còn diễn biến phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy, tiêu cực trong xã hội, làm giảm sút niềm tin của người dân vào hệ thống chính quyền. Bởi vậy, việc phát hiện, xử lý nghiêm minh các tội phạm về tham nhũng và chức vụ nói chung, xử lý hành vi phạm tội về đấu thầu là cần thiết để đảm bảo sự công bằng trong xã hội.

Đối với tài sản nhà nước, trong phần lớn các trường hợp phát sinh việc mua sắm, chi tiêu là phải thực hiện thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà thầu để đảm bảo việc sử dụng tài sản nhà nước minh bạch, hiệu quả, mang lại những giá trị cho xã hội. Hành vi vi phạm quy định về đấu thầu sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, tiêu cực trong xã hội như: Làm thất thoát tài sản nhà nước, sử dụng tài sản không hiệu quả, không lựa chọn được nhà thầu có năng lực tốt nhất, gây bất công bằng trong hoạt động kinh tế, nguy cơ phát sinh tiêu cực, tham nhũng… Theo quy định tại Điều 1 của Luật Đấu thầu năm 2013 thì việc lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp được áp dụng trong các trường hợp sau:

- Dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn nhà nước của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập;

- Dự án đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước;

- Dự án đầu tư phát triển không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản 1, Điều 1 Luật đấu thầu mà có sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án;

- Mua sắm sử dụng vốn nhà nước nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập;

- Mua sắm sử dụng vốn nhà nước nhằm cung cấp sản phẩm, dịch vụ công;

- Mua hàng dự trữ quốc gia sử dụng vốn nhà nước;

- Mua thuốc, vật tư y tế sử dụng vốn nhà nước; nguồn quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và nguồn thu hợp pháp khác của cơ sở y tế công lập;

Những hành vi vi phạm quy định về đấu thầu thì tùy thuộc vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị kỷ luật, bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Với những hành vi sau đây, gây thiệt hại tới tài sản của nhà nước từ 100 triệu đồng hoặc thiệt hại dưới 100 triệu đồng nhưng người vi phạm đã bị xử phạt hành chính, đã bị kết án mà còn vi phạm thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng: Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; Thông thầu; Gian lận trong đấu thầu; Cản trở hoạt động đấu thầu; Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu; Chuyển nhượng thầu trái phép.

Cụ thể tội danh và hình phạt được Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định như sau:

Điều 222. Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng

1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu;

b) Thông thầu;

c) Gian lận trong đấu thầu;

d) Cản trở hoạt động đấu thầu;

đ) Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu;

e) Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu;

g) Chuyển nhượng thầu trái phép.

2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:

a) Vì vụ lợi;

b) Có tổ chức;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

đ) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, trong vụ án nêu trên, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi của các bị can đã vi phạm quy định nào của Luật Đấu thầu, hậu quả của hành vi vi phạm gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước là bao nhiêu để đánh giá tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội và xác định hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi, làm cơ sở để tòa án xem xét, quyết định về tội danh và hình phạt. Trường hợp phạm tội gây thiệt hại từ 1 tỉ đồng trở lên thì người vi phạm sẽ phải đối mặt với hình phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

Với những người chủ mưu cầm đầu, thực hành tích cực, vai trò quan trọng, hưởng lợi lớn, không thành khẩn khai báo… thì có thể sẽ phải chịu mức chế tài nghiêm khắc, mức cao nhất có thể tới 20 năm tù. Còn đối với người phạm tội nào phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, vai trò đồng phạm giúp sức thứ yếu… thì sẽ được hưởng khoan hồng, có thể xử ở mức thấp nhất của khung hình phạt, thậm chí có thể xét xử dưới khung hình phạt.

Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp.

Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ nội dung vụ án, đồng thời làm rõ hành vi có yếu tố tư lợi hay không, có hành vi phạm tội khác như tham ô, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ… hoặc các hành vi phạm tội khác về tham nhũng và chức vụ hay không để giải quyết triệt để vụ án trên nguyên tắc mỗi hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý một lần, nếu bị can có nhiều hành vi, mỗi hành vi lại thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của một tội danh thì có thể bị xử lý về nhiều tội danh trong cùng một vụ án, khi kết tội tòa án sẽ tổng hợp hình phạt theo nguyên tắc quy định của Bộ luật Hình sự.

Luật sư Cường chia sẻ thêm, trong vụ án này, điều đáng tiếc là có những cán bộ lãnh đạo ngành giáo dục ở địa phương nhiều năm công tác, nhiều thành tích lại đang bị buộc tội. Dù vụ án mới trong giai đoạn điều tra, tòa án chưa xét xử, chưa kết tội nhưng việc cán bộ ngành giáo dục bị khởi tố, bị bắt giam ảnh hưởng rất lớn với uy tín của ngành giáo dục, với dư luận xã hội về đạo đức nhà giáo, làm giảm sút niềm tin của người dân đối với công tác cán bộ. Lĩnh vực giáo dục mầm non, tiểu học ở nước ta còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nếu cán bộ giáo dục lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm thất thoát nguồn ngân sách của lĩnh vực này, lợi dụng chức vụ để trục lợi, tham nhũng tiêu cực thì rất đáng trách, đáng lên án và phải chịu chế tài nghiêm khắc của pháp luật để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.

THANH THANH

Giải quyết tranh chấp trong hợp đồng nhượng quyền thương mại

Admin