/ Luật sư - Bạn đọc
/ Nhà đang trả góp có phải là di sản thừa kế không?

Nhà đang trả góp có phải là di sản thừa kế không?

19/10/2024 06:47 |

(LSVN) - Theo Luật sư, nhà ở trả góp hay trả chậm, trả dần có thể được xem là di sản thửa kế của người chết để lại. Người thửa kế hợp pháp được thực hiện tiếp quyền, nghĩa vụ với nhà ở trả góp của người chết để lại

Liên quan đến vấn đề này, theo Luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn Luật sư TP. HCM, nhà ở trả góp là biện pháp giúp tháo gỡ gánh nặng về nhà ở cố định của người dân trong gian đoạn phát triển kinh tế hiện nay, thời gian trả góp có thể ngắn hoặc kéo dài tùy thuộc vào tình hình tài chính của mỗi cá nhân hoặc hộ gia đình. Nhà ở trả góp được xem là một trong những biện pháp giao dịch bảo đảm giúp cho người dân có nhà để ở. Ngoài ra đây cũng là một trong những tài sản có thể được xem là tài sản thừa kế theo quy định của pháp luật.

Theo Điều 105, Điều 612 Bộ luật Dân sự năm 2015, di sản thửa kế bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác. Di sản có thể là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ. 

Cùng với đó, theo Điều 167 Luật Nhà ở năm 2023, việc mua bán nhà ở trả chậm, trả dần do các bên thỏa thuận và được ghi rõ trong hợp đồng mua bán nhà ở. Trong thời gian trả chậm, trả dần, bên mua nhà ở được quyền sử dụng nhà ở và có trách nhiệm bảo trì nhà ở đó, trừ trường hợp nhà ở còn trong thời hạn bảo hành theo quy định của Luật này hoặc các bên có thỏa thuận khác.... Trường hợp trong thời hạn trả chậm, trả dần mà bên mua nhà ở chết thì người thừa kế hợp pháp được thực hiện tiếp quyền, nghĩa vụ của bên mua nhà ở và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận sau khi người thừa kế đã trả đủ tiền mua nhà cho bên bán.

"Đối chiếu với các quy định của trên, nhà ở trả góp hay trả chậm, trả dần có thể được xem là di sản thửa kế của người chết để lại. Người thửa kế hợp pháp được thực hiện tiếp quyền, nghĩa vụ với nhà ở trả góp của người chết để lại", Luật sư Bình cho biết. 

Việc thanh toán tiếp tiền mua nhà trả góp của người thừa kế hợp pháp được thực hiện theo quy định tại Điều 615 Bộ luật Dân sự. Cụ thể, những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thoả thuận khác. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thoả thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Ngoài ra, với trường hợp người thừa kế không đủ điều kiện trả góp nhà ở thì người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản quy định tại Điều 620 Bộ luật Dân sự. Theo đó, người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản. Còn nếu không có người thừa kế nào đủ điều kiện trả góp nhà ở thì được thực hiện theo nội dung dưới đây.

Với trường hợp khi người thừa kế không có nhu cầu sử dụng nhà ở trả góp thì theo khoản 3 Điều 167 Luật Nhà ở, trường hợp bên mua nhà ở (sau này là người thừa kế) có nhu cầu trả lại nhà ở đã mua trong thời gian trả chậm, trả dần và được bên bán nhà ở đồng ý thì các bên thỏa thuận phương thức trả lại nhà ở và việc thanh toán lại tiền mua nhà ở đó.

 

 

 

PHƯƠNG THẢO

Các tin khác