Ảnh minh họa.
Khái quát chung về nhãn hiệu phi truyền thống
Theo khoản 16, Điều 4, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2019 thì “nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau”. Do đó, nhãn hiệu chính là yếu tố để nhận diện, truyền tải thông tin một cách nhanh chóng tới người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng đưa ra quyết định mua sắm đúng đắn dựa trên các biểu hiện, dấu hiệu liên quan tới sản phẩm/dịch vụ được lưu giữ trong trí nhớ của họ.
Theo lý luận chung, nhãn hiệu có 03 chức năng chính: Một là chức năng phân biệt nguồn gốc thương mại của sản phẩm/dịch vụ; Hai là chức năng bảo đảm chất lượng; Ba là chức năng quảng cáo. Ba chức năng này của nhãn hiệu phát triển ngày càng phong phú. Vào từng giai đoạn phát triển khác nhau, mỗi chức năng này có tầm quan trọng khác nhau.
Thời kỳ đầu khi bắt đầu phát triển chế độ pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu thì chức năng sơ khai của nhãn hiệu là phân biệt nguồn gốc thương mại của sản phẩm/dịch vụ đóng vai trò quan trọng nhất. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế, xã hội thì có lúc hai chức năng thứ yếu của nhãn hiệu lại được coi trọng hơn cả chức năng cơ bản. Sự phát triển chức năng của nhãn hiệu tất yếu sẽ kéo theo sự thay đổi các quy định pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu, ảnh hưởng tới yếu tố cấu thành nhãn hiệu và mở rộng phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu.
Thật vậy, pháp luật về nhãn hiệu gần đây chấp nhận định nghĩa mở hơn về nhãn hiệu, trong đó nhấn mạnh đến chức năng (khả năng phân biệt) của nhãn hiệu, chứ không phải bản thân của nhãn hiệu. Nói cách khác, bất kỳ dấu hiệu nào thực hiện được chức năng của nhãn hiệu giúp phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ của doanh nghiệp này với hàng hóa hoặc dịch vụ của doanh nghiệp khác dựa trên nguồn gốc thương mại của hàng hóa thì đều có thể đăng ký làm nhãn hiệu.
Cụ thể, âm thanh, hình ảnh động, mùi hương cũng là những dấu hiệu vốn tồn tại khách quan, có thể cảm nhận được, bản thân chúng lại đa dạng, có sự khác nhau trong cùng một loại hình nên có thể dùng để đánh dấu và phân biệt sản phẩm, dịch vụ của các nhà sản xuất, kinh doanh khác nhau. Vì vậy, việc sử dụng các dấu hiệu phi truyền thống làm nhãn hiệu là có cơ sở và phù hợp với bản chất, chức năng của nhãn hiệu.
Theo pháp luật Việt Nam, các loại nhãn hiệu được bảo hộ bao gồm: Nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu liên kết, nhãn hiệu nổi tiếng. Tuy khi gia nhập Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong điều khoản Việt Nam đã kí kết có đề cập đến nhãn hiệu âm thanh và nhãn hiệu mùi hương nhưng cho đến thời điểm hiện tại pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam vẫn chưa có quy định nào liên quan đến xem xét và đăng ký nhãn hiệu phi truyền thống.
Do đó, muốn tìm hiểu về nhãn hiệu phi truyền thống thì ta cần phải xem xét đến pháp luật của các nước đã có quy định về bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Úc… để có một cách nhìn nhận đúng đắn nhất về vấn đề này.
Theo Điều 18.18 của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương quy định về các loại dấu hiệu được xem là nhãn hiệu: “Không bên nào được quy định rằng dấu hiệu phải được nhìn thấy bằng mắt như một điều kiện để đăng ký, cũng không được từ chối việc đăng ký nhãn hiệu là một âm thanh đơn thuần. Ngoài ra, mỗi bên phải nỗ lực để cho phép đăng ký nhãn hiệu mùi hương. Một bên có thể đòi hỏi một mô tả ngắn gọn và chính xác hoặc đại diện đồ họa của nhãn hiệu hoặc cả hai đều có thể”.
Theo WIPO, Tổ chức SHTT thế giới, nhãn hiệu phi truyền thống “thường dùng để mô tả một nhãn hiệu mà khác với những loại nhãn hiệu đã quen thuộc với người tiêu dùng như logo hay tên và nó có thể là dấu hiệu nhìn thấy được như hình dạng hoặc dấu hiệu không nhìn thấy được như âm thanh hoặc mùi hương”. WIPO tiến hành phân loại nhãn hiệu phi truyền thống cũng căn cứ vào dấu hiệu nhận biết bằng thị giác. Căn cứ vào yếu tố cấu thành khác nhau, các loại nhãn hiệu phi truyền thống có thể nhận biết bằng thị giác bao gồm nhãn hiệu ba chiều (lập thể), nhãn hiệu màu, nhãn hiệu động và nhãn hiệu hologram, nhãn hiệu không nhận biết được bằng thị giác gồm nhãn hiệu âm thanh, nhãn hiệu mùi, nhãn hiệu nhận biết bằng vị giác và nhãn hiệu nhận biết bằng xúc giác.
Theo Luật Nhãn hiệu Liên bang Hoa Kỳ, nhãn hiệu phi truyền thống bao gồm nhãn hiệu màu sắc, hình ba chiều, hình động, vị trí, âm thanh, mùi và xúc giác. Cụ thể, Kenneth L. Port, Giáo sư Luật, Giám đốc Viện SHTT của Hoa Kỳ đã viết “Nhãn hiệu phi truyền thống bao gồm các nhãn hiệu giác quan như âm thanh, màu sắc, mùi hương, mùi vị, nhãn hiệu được cảm nhận bằng xúc giác và nhãn hiệu hình ba chiều thậm chí bao gồm cả hình động của một sản phẩm”.
Như vậy, hiện nay chưa có quy định thống nhất về nhãn hiệu phi truyền thông tuy nhiên nhãn hiệu phi truyền thống được chia thành nhãn hiệu có thể nhìn thấy (visual trademarks) và nhãn hiệu không thể nhìn thấy (non- visual trademarks). Trong đó, nhãn hiệu không truyền thống có thể nhìn thấy bao gồm: Nhãn hiệu ba chiều, nhãn hiệu màu sắc, hình ảnh ba chiều (hologram), hình ảnh động (motion or multimedia),… và nhãn hiệu không truyền thống không nhìn thấy được chỉ đến các nhãn hiệu âm thanh (sound marks), mùi hương (olfactory marks), mùi vị (taste marks)…
Điều kiện bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống
Căn cứ vào lý luận về nhãn hiệu cũng như các quy định trong các điều ước quốc tế cơ bản về nhãn hiệu có thể thấy về mặt lý luận, tất cả các dấu hiệu chỉ cần đáp ứng tiêu chuẩn về khả năng phân biệt nguồn gốc thương mại của sản phẩm/dịch vụ đều có thể được sử dụng làm nhãn hiệu.
Tuy nhiên, việc chấp nhận bảo hộ hay không hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện và quy định pháp luật của từng quốc gia. Từ thực tiễn bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống của một số nước đi trước và dựa trên những quy định chung về điều kiện bảo hộ nhãn hiệu truyền thống cho thấy, việc bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống phải đáp ứng những điều kiện sau:
Thứ nhất, dấu hiệu phi truyền thống như âm thanh, hình ảnh động, mùi hương dùng làm nhãn hiệu phải có khả năng phân biệt. Đây là điều kiện tối quan trọng khi bảo hộ nhãn hiệu. Nhãn hiệu là công cụ để nhận diện và chỉ dẫn nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ. Muốn thực hiện được sứ mệnh này, trước tiên bản thân dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu phải có khả năng phân biệt. Việc dựa vào một dấu hiệu có khả năng phân biệt để nhận diện, phân biệt và lựa chọn hàng hóa là hoàn toàn có cơ sở.
Tuy nhiên, muốn có khả năng phân biệt thì các dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu phi truyền thống cần phải nổi bật, ấn tượng, dễ nhận biết, dễ ghi nhớ và không mang tính miêu tả hay tính công năng. Một số dấu hiệu tuy khả năng phân biệt không cao nhưng qua thực tiễn lâu dài sử dụng được người tiêu dùng thừa nhận và đạt đến tác dụng phân biệt, chỉ dẫn nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ nên cũng có thể coi là có khả năng phân biệt.
Thứ hai, dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu phi truyền thống phải tồn tại dưới hình thức có khả năng cảm nhận được. Đó là dấu hiệu có thể nhìn thấy đối với nhãn hiệu hình ảnh động, có thể nghe thấy đối với nhãn hiệu âm thanh và có thể ngửi được đối với nhãn hiệu mùi hương.
Như vậy, nếu nhãn hiệu truyền thống là những dấu hiệu có thể cảm nhận bằng thị giác thì nhãn hiệu phi truyền thống (trừ nhãn hiệu hình ảnh động) lại là những dấu hiệu có thể cảm nhận bằng thính giác, khứu giác.
Ngoài ra, do dấu hiệu âm thanh, hình ảnh động là những dấu hiệu phi vật thể cho nên một số nước còn quy định các dấu hiệu này được bảo hộ khi chúng có khả năng thể hiện dưới hình thức đồ họa.
Tiến sĩ, Luật sư NGÔ NGỌC DIỄM
TRẦN TRỌNG NAM
Công ty Luật ThinkSmart, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
Một số bất cập trong quá trình thực hiện cung cấp lý lịch tư pháp