Tôi trưởng thành, trở thành một nhà báo, đến nay đã trên 40 năm vẫn say sưa làm nghề. Trong số những người giúp đỡ, dìu dắt, tôi không bao giờ quên Nhà báo, Đại tá Phạm Phú Bằng. Ngày ấy, ông làm Trưởng Phòng Văn hóa, văn nghệ Báo Quân đội nhân dân, anh em lớp báo chí quân đội chúng tôi đều kính trọng gọi ông bằng thầy. Ông dạy chúng tôi về viết phóng sự, phương pháp lấy tài liệu. Mỗi khi thầy lên lớp chúng tôi im lặng nghe từng lời. Thầy một nhà báo tài ba nhưng trước chúng tôi lúc nào cũng khiêm tốn, bình dị, quý trọng nhân cách mỗi người.
Thầy Phạm Phú Bằng là một kho tư liệu sống đồ sộ. Khi dạy chúng tôi viết phóng sự, thầy dặn: “Khi đến nơi mà tai chưa nghe, mắt chưa thấy thì khoan viết. Khi viết phóng sự điều tra, phải lấy tài liệu thật kỹ, điều tra đa chiều, nhiều góc cạnh khác nhau, có như thế bài viết mới hấp dẫn, ít sai sót”.
Nhà báo, Đại tá Phạm Phú Bằng, người chúng tôi kính trọng gọi bằng thầy. Ảnh: Báo Quân đội nhân dân.
Có lần, tôi từ Báo Quân khu 4 ra Hà Nội công tác, vào tòa soạn thăm thầy. Lâu ngày gặp tôi thầy vui lắm, thầy đưa tôi ra trước cửa tòa soạn uống bia hơi. Thầy hỏi tôi “Cậu biết bia ôm thế nào chưa?”. Lúc đó bia ôm mới có, người ta cho đi bia ôm là xấu, cán bộ đi bia ôm bị phê bình, khiển trách, kỷ luật. Tôi thành thật thưa với thầy: “Em chưa biết bia ôm là thế nào”. Thầy cười vui vẻ nói: “Làm báo như thế là chưa được. Khi ở xã hội xuất hiện một sự việc gì mới thì nhà báo phải lập tức tìm hiểu ngay. Nhà báo đi bia ôm không phải để ôm mà để tìm cái mới xuất hiện, tìm hiểu xã hội. Từ đó phân tích cái đúng, cái sai cho bạn đọc”.
Địa bàn Quân khu 4 thường xuyên xảy ra bão lụt. Một lần, tôi được tòa soạn phân công đi viết bài ở huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Đến phà Linh Cảm, tắc đường không thể đi được nữa, nhìn dòng nước lũ cuồn cuộn trên thượng nguồn chảy về ai trông thấy cũng sợ. Đang lúc tôi cùng mấy anh phóng viên ngồi nghỉ uống nước bên đường thì thấy có một chiếc thuyền máy đi từ Hương Sơn xuống. Phóng viên ai ai cũng hỏi người trên thuyền về tình hình lũ lụt ở Hương Sơn. Nghe xong, mấy đồng nghiệp của tôi ra phà Linh Cảm chụp mấy bức ảnh rồi vội vàng quay về. Tôi nghĩ đến lời thầy dặn: “Chưa đến tận nơi xảy ra vụ việc, chưa thấy, chưa nghe là chưa viết”. Tôi ở lại chờ một lúc rất may gặp được đoàn cán bộ tỉnh Hà Tĩnh đi kiểm tra lũ lụt ở Hương Sơn sau đó cho tôi đi cùng đoàn.
Sau khi lũ lụt xảy ra được hơn 10 ngày, mấy anh phóng viên đến Vinh gặp tôi bảo: “Bài lũ lụt ở huyện Hương Sơn địa phương có ý kiến, viết không đúng sự thật. Xã Sơn Thịnh ngập nặng thiệt hại nhất, chúng tôi lại viết xã Sơn Lễ. Tình hình cứu trợ ở xã Sơn Hòa bọn tôi viết cũng sai. Tòa soạn đang bắt làm tường trình”. Tôi thầm nghĩ may hôm đó đinh ninh lời thầy dặn, không thì cũng vấp phải sai lầm như họ.
Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, tôi viết bài này như một lời cảm tạ thầy, cảm tạ những phóng viên kỳ cựu Báo Quân đội nhân dân giúp tôi và nhiều đồng nghiệp của tôi trở thành những nhà báo, được bạn đọc yêu mến. Cũng muốn nói với những ai mới vào nghề báo, mỗi lời thầy dặn chúng tôi.
HẢI HƯNG