/ Trao đổi - Ý kiến
/ Vài suy nghĩ về nghề báo và nghề Luật sư

Vài suy nghĩ về nghề báo và nghề Luật sư

17/06/2021 22:48 |

(LSVN) - Ai cũng biết nghề báo và nghề Luật sư có các đặc trưng nghề nghiệp khác nhau được điều chỉnh bằng hai đạo luật và hai hệ thống văn bản pháp luật khác nhau. Chức năng xã hội của báo chí là thông tin, nhà báo là “người chiến sĩ trên mặt trận thông tin” ấy; còn chức năng xã hội của Luật sư là góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; trong đó, sứ mệnh bảo vệ quyền con người, bảo vệ sự độc lập của tư pháp nổi lên như một yêu cầu cấp thiết trong hoạt động nghề nghiệp Luật sư hiện nay.

Mặc dù là hai nghề nghệp có chức năng xã hội khác nhau nhưng cũng có những điểm chung xuất phát từ mục tiêu và nội dung hoạt động nghề nghiệp. Đó là vấn đề đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng hành nghề. Một bài báo hay một bài bào chữa có sức thuyết phục người đọc, người nghe, có tác dụng giáo dục, định hướng dư luận xã hội phải xuất phát từ những chuẩn mực đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp, nếu không bảo đảm được điều đó sẽ có tác dụng ngược lại, nhất là những bài báo phản ánh về các vụ án hình sự, các bài bào chữa cho bị can bị cáo thường liên quan đến số phận pháp lý, trong đó có cả chuyện sinh tử của một đời người. Về điểm này, khía cạnh pháp luật và đạo đức nổi lên như một lời cảnh báo nghiêm khắc về trách nhiệm của người cầm bút trước sự việc và trách nhiệm của người bào chữa trước thân chủ của mình. Bởi vì, khi một bài báo được công bố trên phương tiện thông tin đại chúng sẽ có sức lan tỏa rộng rãi, chi phối, định hướng dư luận xã hội theo hướng tốt hay xấu đến lợi ích cá nhân đối tượng được phản ánh và lợi ích chung của cộng đồng xã hội.

Vì vậy, các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp hiện đã được “quy phạm hóa” trong các quy định về đạo đức nghề nghiệp. Đối với nhà báo, để điều chỉnh các hành vi đạo đức, Hội Nhà báo Việt Nam đã công bố 10 điều quy định về đạo đức của người làm báo, trong đó xác định rõ nhà báo khi hành nghề phải: trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi; bảo vệ công lý và lẽ phải; không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật, gây chia rẽ, kích động xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc (Điều 3); nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người; không xâm phạm đời tư, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân (Điều 4). Đối với nghề Luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng đã ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam (mới) với 32 quy tắc, trong đó cũng có những quy tắc khá tương đồng với quy tắc đạo đức của người làm báo như: Luật sư phải độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, không vì lợi ích vật chất, tinh thần hoặc bất kỳ áp lực nào khác để làm trái pháp luật và đạo đức nghề nghiệp (Quy tắc 2); về những việc Luật sư không được làm trong quan hệ với khách hàng (Quy tắc 9), trong quan hệ với đồng nghiệp (Quy tắc 21), trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng (Quy tắc 28)…

Đây là những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp mà muốn thực hiện cho tốt, đòi hỏi mỗi người làm báo cũng như từng Luật sư, trong hành nghề phải chú ý đến thái độ, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp. Chẳng hạn, khi nhà báo đưa tin, phản ánh một vụ việc nào nó, trước hết phải có thái độ trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi… Muốn vậy, về kỹ năng hành nghề, từng nhà báo phải bỏ công sức thu thập tài liệu, thông tin đa chiều, nghiên cứu, đánh giá, xử lý thông tin… để bảo đảm tính chân thực của thông tin tài liệu, không vì động cơ vụ lợi mà làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật, gây chia rẽ trong xã hội. Nói về tính chân thật của nghề báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dặn:  Viết phải đúng sự thật, không bịa đặt; không nên nói ẩu; chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết.

Với nghề Luật sư, một Luật sư, khi nhận bào chữa một vụ việc hình sự (hay phi hình sự) cũng cần phải có một thái độ và kỹ năng đánh giá chứng cứ một cách toàn diện, đầy đủ, các luận cứ đưa ra phải là kết quả của một quá trình nghiên cứu toàn diện, đầy đủ, bảo đảm tính trung thực, khách quan… tránh tình trạng như có ý kiến đã từng cho rằng “Luật sư nhận tiền rồi thì cãi lấy được để vừa lòng khách hàng”…

Vì những điểm tương đồng ấy mà giữa nghề báo và nghề Luật sư có mối quan hệ khá phổ biến trong hoạt động nghề nghiệp. Mối quan hệ ấy thể hiện: Nhà báo tìm kiếm đề tài qua công việc của giới Luật sư, trao đổi với Luật sư về nội dung chuyên môn của vấn đề cần viết; từng Luật sư cũng gặp gỡ các nhà báo để mong muốn có sự hỗ trợ về mặt truyền thông. Trao đổi nghề nghiệp giữa họ xuất phát từ vị trí chức năng của mỗi người, mỗi loại vụ việc. Nếu nhà báo và Luật sư cùng tôn trọng các chuẩn mực đạo đức, xuất phát từ mục đích tốt đẹp là bảo vệ công lý, công bằng xã hội, tránh oan sai, bảo vệ quyền con người thì sự phối hợp, hỗ trợ giữa họ thường đạt kết quả tốt. Trong thực tế, khi Luật sư tác nghiệp, nhà báo cũng kết hợp đi cùng để tìm hiểu thu thập tài liệu thực tế dưới góc độ người làm báo để có một hồ sơ chuyên môn theo lĩnh vực nghề nghiệp của mình. Có những bài báo có tính thuyết phục được chuẩn bị và ra đời trong mối quan hệ vô tư như thế. Tôi được biết có nhiều Luật sư đã có sự ủng hộ của các nhà báo công tâm, trong đó có nữ Luật sư Nguyễn Thị Minh Châu (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), mặc dù tuổi đã cao nhưng vẫn dấn thân bào chữa miễn phí cho người nghèo, trong các vùng sâu vùng xa, đặc biệt là các vụ án có dấu hiệu oan sai, khi được sự hỗ trợ của các nhà báo trên phương diện truyền thông, có những vụ đã có kết quả tốt. Nhưng nếu nhà báo và Luật sư cùng xuất phát từ động cơ không trong sáng bằng những toan tính cá nhân hay lợi ích nhóm nào đó… thì hiệu quả bài báo sẽ ngược lại, có khi gây tác động tiêu cực đến từng cá nhân hoặc cho cả cộng đồng, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của nhà báo và Luật sư.

Trên thực tế, đây là những bài học quan trọng cho cả người làm báo và từng Luật sư, cũng là những kinh nghiệm nghề nghiệp cho những người quản lý báo chí và các biên tập viên trong quá trình thẩm định đề tài, triển khai thực hiện đề tài và cuối cùng là duyệt bài, công bố trên phương tiện truyền thông mà mình quản lý.

Hiện nay, ngoài mối quan hệ có tính chất giữa các cá nhân như thế, trong đội ngũ Luật sư cũng có những người làm báo, dẫn đến một thực tế là có sự kết hợp giữa nghề Luật sư và nghề báo trong cùng một con người. Việc một người vừa làm Luật sư vừa làm nhà báo có những lợi thế nhất định trong hành nghề như việc thu thập tài liệu, chứng cứ, nghiên cứu, phân tích hồ sơ, so sánh đánh giá, hệ thống hóa các tài liệu để cơ cấu một bài báo với tư cách một nhà báo, mà các nhà báo khác bị hạn chế chuyên môn luật khó có thể có được. Tuy nhiên, ttrên thực tế, trong quá trình tác nghiệp Luật sư, cũng có hiện tượng (có thể là không phổ biến) Luật sư viết bài với tư cách nhà báo. Có thể những bài báo do Luật sư viết có tương đối đầy đủ tài liệu, hồ sơ, nhưng về mặt chủ quan, bài báo vẫn có bóng dáng của tư cách Luật sư trong đó, dẫn đến những quan điểm phân tích hoặc kết luận đưa ra có thể chưa bảo đảm tính khách quan, vô tư khi nêu vụ việc. Trong thực tế đã có những ý kiến về bài báo loại này, chẳng hạn như: “Luật sư bào chữa trên tòa không thành công thì dùng tư cách nhà báo của mình để bào chữa trên báo chí để tạo dư luận” (!). Có những Luật sư - nhà báo viết bài vội vã trong quá trình vụ án mới đang ở giai đoạn điều tra, các tài liệu chứng cứ còn đang trong giai đoạn này lại được công bố trên bài viết dẫn đến tình trạng có thể làm lộ bí mật điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Đây cũng là một kinh nghiệm các Luật sư cần chú ý khi kết hợp tư cách Luật sư - nhà báo trong hành nghề trong từng vụ việc cụ thể.

Tạp chí Luật sư Việt Nam với hai phiên bản ra đời (bản giấy và bản điện tử) là phương tiện truyền thông của Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã và đang góp phần tích cực đối với hoạt động của nghề nghiệp Luật sư về vị trí vai trò của tổ chức xã hội - nghề nghiệp Luật sư, góp phần thúc đẩy công cuộc cải cách tư pháp ở nước ta.

Vượt qua những khó khăn ban đầu trong quá trình gây dựng, củng cố và phát triển, khắc phục những thiếu sót về quản lý và tác nghiệp do thiếu nhân sự, được sự quan tâm của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đến nay Tạp chí đã có sự đổi mới rất cơ bản về nhân sự lãnh đạo, về đội ngũ phóng viên, biên tập viên chuyên nghiệp, yêu nghề, có trụ sở ổn định, khang trang… Đó là những nhân tố quan trọng góp phần đổi mới bộ mặt của Tạp chí về giao diện, về nội dung, bảo đảm tuân thủ đúng tôn chỉ mục đích, ngày càng được sự quan tâm rộng rãi của giới Luật sư cùng bạn đọc trong và ngoài nước, tạo nên một hiệu ứng phấn khởi về tinh thần cho đội ngũ những người làm báo đầy tâm huyết, gắn bó và tin tưởng vào tương lai phát triển của Tạp chí.

Một đặc điểm quan trọng của những người làm báo trong Tạp chí Luật sư Việt Nam là nói lên tiếng nói của giới Luật sư, phản ánh về những vấn đề thuộc lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp của Luật sư, các đoàn Luật sư và Liên đoàn Luật sư Việt Nam; về xây dựng pháp luật, thực hiện và hoàn thiện pháp luật; về yêu cầu cải cách và xây dựng một nền tư pháp văn minh… Lĩnh vực này đòi hỏi các nhà báo của Tạp chí phải có kiến thức pháp luật sâu sắc, để các bài viết của Tạp chí thể hiện được bản sắc riêng, có hiệu quả chuyên môn thiết thực. Vì vậy, bên cạnh việc thường xuyên bồi dưỡng về đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng làm báo, rất cần có một kế hoạch đào tạo chuyên môn luật cho các nhà báo của Tạp chí. Một bài báo trên Tạp chí Luật sư mà còn những hạt sạn về câu chữ, đặc biệt là các thuật ngữ về pháp luật, hoặc có những sai sót cơ bản về kiến thức pháp luật khi phản ánh về các vụ việc pháp luật thì là điều thật đáng buồn. Bên cạnh đó, việc tiếp tục bồi dưỡng về đạo đức nghề nghiệp người làm báo, khơi dậy tính tự giác tuân thủ các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của phóng viên tác nghiệp, cùng những biện pháp quản lý chặt chẽ của lãnh đạo Tạp chí, hạn chế đến mức thấp nhất các “rủi ro” về đạo đức nghề nghiệp là điều kiện quan trọng để nâng cao vị thế, uy tín của Tạp chí trong xã hội.

Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi có một vài suy nghĩ về nghề báo và nghề Luật sư, xin gửi đến Ban lãnh đạo cùng toàn thể đội ngũ phóng viên, biên tập viên và nhân viên Tạp chí Luật sư Việt Nam lời chúc sức khỏe và xin bày tỏ niềm tin tưởng, dưới sự lãnh đạo tâm huyết, chuyên nghiệp của Ban lãnh đạo mới, Tạp chí Luật sư Việt Nam sẽ ngày càng phát triển, có vị trí xứng đáng trong cộng đồng báo chí Việt Nam, là cơ quan ngôn luận thực sự tin cậy của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đáp ứng kỳ vọng của đội ngũ Luật sư và bạn đọc rộng rãi trong cả nước.

Luật sư NGUYỄN MINH TÂM

Phó Tổng thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Luật sư trong công cuộc phổ biến, tuyên truyền và giáo dục pháp luật

Lê Minh Hoàng