Ảnh minh họa.
“Bộ phận không nhỏ” và luận điệu kích động, chống phá
Cho đến bây giờ, đông đảo cán bộ đảng viên vẫn không quên nội dung nhìn thẳng vào sự thật, lần đầu tiên được nêu trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” (Nghị quyết số 12-NQ/TW do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ban Chấp hành Trung ương ký ban hành ngày 16/12/2012).
Nghị quyết nêu: “Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Nổi lên một số vấn đề cấp bách sau đây:
Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”.
Nghị quyết cũng chỉ rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến sự suy thoái của “một bộ phận không nhỏ” này. Trong đó, có nguyên nhân tác động từ khủng hoảng của CNXH trên thế giới sau sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu; từ mặt trái của cơ chế thị trường… Nhưng nguyên nhân sâu xa, chủ yếu, trước hết là do bản thân cán bộ đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn bổn phận trước Đảng, trước dân.
Nghị quyết không đề cập toàn diện về công tác xây dựng Đảng, mà tập trung vào 3 vấn đề cấp bách nhất và 4 nhóm giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến trong công tác xây dựng Đảng.
Nghị quyết ra đời đã phản ánh đúng tâm nguyện của nhân dân, đồng thời khẳng định niềm tin của dân với Đảng. Nghị quyết nói đúng thực trạng, là sự dũng cảm và trung thực chính trị của Đảng. Đảng không ngần ngại, né tránh, tự phê phán, tự chỉ ra những yếu kém của mình, nhất là những suy thoái nghiêm trọng, phổ biến đang diễn ra trong Đảng.
Thực tiễn cách mạng thế giới đã chứng minh: Đảng cầm quyền nếu không thường xuyên đổi mới, xây dựng, chỉnh đốn thì vai trò cầm quyền sẽ bị lu mờ và tự đánh mất vai trò lãnh đạo. Đó là một nguyên tắc.
Chính vì vậy, Đảng ta luôn xác định, xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải làm thường xuyên. Đặc biệt, trong những năm đổi mới, bước vào kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế thì xây dựng, chỉnh đốn Đảng càng đặt ra bức thiết hơn, với yêu cầu cao hơn. Từ Đại hội VI (tháng 12/1986) đến nay, không có nhiệm kỳ nào mà Trung ương không có nghị quyết về đổi mới, chỉnh đốn Đảng. Do nhiều nguyên nhân, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng chưa đạt được yêu cầu mong muốn.
Đấy cũng là “bối cảnh” ra đời của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI.
Cũng từ đây xuất hiện những luận điệu xuyên tạc: Đảng nêu thế là để mị dân. “Bộ phận không nhỏ” ở đâu còn lâu mới rõ? Chống tham nhũng vẫn chỉ là “tắm từ vai trở xuống”, vẫn “có vùng cấm”, “có ngoại lệ”…
Đến khi bắt đầu có một số vụ án được đưa ra xét xử với các bị cáo là nguyên Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị,… thì luận điệu chống phá lại trơ tráo chuyển thành “chống tham nhũng chỉ là đấu đá nội bộ, phe cánh”.
Chúng không ngờ rằng, thực tiễn xây dựng, chỉnh đốn Đảng lần này lại thuyết phục đến mức trở thành câu trả lời đanh thép.
Từ tháng 02/2013, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thành lập do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban và triển khai ngày càng bài bản, đi vào chiều sâu, có lý luận và thực tiễn sinh động. Thành công lớn nhất là được nhân dân đồng tình ủng hộ, trở thành “một phong trào, một xu thế không thể đảo ngược”. Tên gọi “Người đốt lò vĩ đại” được nhân dân dành cho Tổng Bí thư là một minh chứng.
Với quyết tâm chính trị rất cao - kiên quyết, kiên trì phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch vững mạnh - sau 10 năm thực hiện, đã đạt được những kết quả chưa từng có.
“Bộ phận không nhỏ” được chỉ ra cụ thể, thuyết phục; khẳng định phương châm: “không có vùng cấm, ngoại lệ”; bác bỏ luận điệu “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”...
Trong 10 năm (2012 – 2022) Đảng đã xử lý kỷ luật 2.740 tổ chức đảng và hơn 167.700 cán bộ, đảng viên. Trong đó, có hơn 190 cán bộ diện Trung ương quản lý (có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 36 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương; hơn 50 sĩ quan cấp tướng). Qua thanh tra, kiểm toán, kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân, chuyển cơ quan điều tra, xử lý gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm (1).
Đấy là chưa kể nhiều trường hợp cán bộ lãnh đạo phải từ chức do tự thấy có sai phạm, không xứng đáng hoặc không đủ uy tín, trong đó có Chủ tịch nước và 2 Phó Thủ tướng Chính phủ.
Thuyết phục nhân dân còn là quá trình xử lý đã chú trọng việc thu hồi tài sản tham nhũng. Năm 2013, tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án chỉ đạt dưới 10%; đến nay, đã thu hồi đạt 34,7%. Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo, tỉ lệ thu hồi đạt 41,3%, nhiều vụ đã kê biên, thu giữ hàng nghìn tỉ đồng. Như vụ Hứa Thị Phấn hơn 10.000 tỉ; vụ Phan Văn Anh Vũ hơn 22.000 tỉ; vụ Phạm Công Danh hơn 9.000 tỉ; vụ AVG hơn 8.770 tỉ… Các bản án đã tuyên không chỉ nhân dân đồng tình mà hầu hết các bị cáo đều “tâm phục khẩu phục”, cúi đầu nhận tội, xin lỗi Đảng, Nhà nước và nhân dân (2).
Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành mới đây, tuyệt đại đa số ý kiến của người dân (93%) đã bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng (2).
Những con số thuyết phục người dân, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, đã làm cho những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trở nên trơ trẽn, nực cười.
Ai quyết tâm, ai “chùn bước”?
Trước kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng chưa từng có, xuất hiện một số ý kiến cho rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm “nhụt chí”, “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm và làm “chậm” sự phát triển của đất nước.
Thực tiễn ở một số bộ ngành, như hoạt động đăng kiểm bị hạn chế do khởi tố hàng loạt cán bộ; hay việc thiếu thiết bị vật tư y tế ở các bệnh viện do hoạt động đấu thầu chững lại… thoạt tiên có vẻ “cổ súy” cho ý kiến đó.
Nhưng đó chỉ là hiện tượng đơn lẻ và có tính nhất thời. Bởi chỉ có người có sai phạm hoặc năng lực kém mới “chùn bước”, “nhụt chí”. Bởi tiếp theo đó sẽ là hoạt động đúng pháp luật, là lợi ích bền vững cho đất nước và người dân. Nếu không xử lý nghiêm minh, tham nhũng sẽ tiếp tục lũng đoạn ngành y, người dân tiếp tục gánh chịu chi phí khám chữa bệnh vô lý, chất lượng khám chữa bệnh sẽ chạy theo đồng tiền tham nhũng, tiêu cực không biết đến bao giờ? Cũng như vậy, ngành đăng kiểm không chỉ tiếp diễn tham nhũng, mà những chiếc xe kém chất lượng vẫn được đăng kiểm sẽ tiếp tục gây họa cho biết bao người dân tham gia giao thông.
Trong phát biểu kết luận tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu và trả lời các ý kiến này: “Thực tiễn cho thấy hoàn toàn ngược lại. Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần rất quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đặc biệt là đã từng bước lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân. Chúng ta cần thống nhất quan điểm: Mục tiêu của công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực là nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước, để phát triển đất nước. Đây là cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”, không phải là cuộc đấu giữa các “phe cánh” hay “đấu đá nội bộ”, như có người không hiểu hoặc cố tình xuyên tạc với động cơ sai, dụng ý xấu” (3).
Đồng thời, xuyên suốt các Phát biểu kết luận tại các Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực vào các năm 2014, 2018, 2020 và 2022, Tổng Bí thư luôn khẳng định: “Phải bảo vệ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo vì sự nghiệp chung”.
Trong 10 năm qua, hơn 250 văn bản quy định về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã được ban hành. Ban Chỉ đạo Trung ương đang tiếp tục chỉ đạo: Hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ; phát hiện, xử lý kịp thời nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, nâng cao đời sống cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm… để không dám, không thể, không cần và không muốn tham nhũng, tiêu cực.
Có nghĩa là, không chỉ xử lý “bộ phận không nhỏ” mà Đảng còn kiên quyết, kiên trì triệt tiêu mầm mống sản sinh ra nó. Đây cũng chính là tâm nguyện của nhân dân. Dẫu còn trường kỳ, gian khó, nhưng lịch sử đã chứng minh, khi ý Đảng hợp lòng dân thì tất thành công, không một thế lực nào ngăn cản nổi./.
(1)(2)(3): Nguyễn Phú Trọng (2023), Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, HN, tr.26, tr.29, tr.14. |
ĐOÀN QUANG