/ Trao đổi - Ý kiến
/ Những bất cập, hạn chế và giải pháp hoàn thiện trong quy định của Bộ luật Hình sự về tội “Trốn tránh nghĩa vụ quân sự”

Những bất cập, hạn chế và giải pháp hoàn thiện trong quy định của Bộ luật Hình sự về tội “Trốn tránh nghĩa vụ quân sự”

26/06/2021 03:14 |

(LSVN) - “Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân”. Đó là quy định rất cụ thể trong Luật Nghĩa vụ quân sự 2015. Tuy nhiên hiện nay, ngoài bộ phận thành niên nhận thức rõ nghĩa vụ, quyền hạn của mình trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, sẵn sàng tình nguyện lên đường nhập ngũ thì vẫn còn đó một bộ phận thanh niên chưa nhận thức được trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc nên đã tìm mọi cách để trốn tránh khi Tổ quốc gọi. Bộ phận thanh niên đó không coi việc được thực hiện nghĩa vụ quân sự là một nghĩa vụ vẻ vang và thiêng liêng mà lại xem đó là một “trách nhiệm” và là một sự “gò bó”, làm “hạn chế” quyền tự do và ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của bản thân. Tình trạng trốn tránh nghĩa vụ quân sự không còn xa lạ mà trở nên phổ biến hơn trong xã hội. Thủ đoạn “trốn tránh” ngày càng đa dạng và tinh vi hơn. Mặt khác những quy định của pháp luật về việc xử lý đối với các hành vi này chưa thật sự rõ ràng, khó áp dụng để xử lý trong thực tế nên tình trạng trốn tránh nghĩa vụ quân sự vẫn còn xảy ra.

Ảnh minh họa.

Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, đã phần nào hạn chế được tình trạng trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, qua thời gian triển khai thực hiện vẫn còn phát sinh nhiều khó khăn trong cách hiểu, vận dụng dẫn đến việc áp dụng trong thực tiễn chưa được đồng bộ, mỗi nơi mỗi cách, cụ thể như sau:

Thứ nhất, quy định của tội “Trốn tránh nghĩa vụ quân sự” còn hạn chế về dấu hiệu định tội

Theo khoản 1 Điều  332 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định tội “Trốn tránh nghĩa vụ quân sự” như sau: “Người nào không chấp hành đúng quy định pháp luật  về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”. 

Về cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự của tội phạm này, trước tiên người phạm tội hiệu bắt buộc phải có dấu hiệu “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”. Điều đó có nghĩa là người nào đã vi phạm một trong ba hành vi được mô tả trong cấu thành cơ bản của tội này (về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện ) và đã bị xử lý hành chính hoặc hình sự và chưa được xóa án tích thì mới xem xét xử lý trong khung hình phạt này. Như là người đó đã vi phạm không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ thì lần sau đó người đó phải vi phạm đúng hành vi không chấp hành lệnh lệnh gọi nhập ngũ một lần nữa và hành vi trước chưa được xóa án tích thì mới bị xử phạt ở khoản 1 của Điều 332 Bộ luật Hình sự hiện hành. Nếu người phạm tội không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, chưa được xóa án tích nhưng vi phạm hành vi không chấp hành đúng quy định pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, lệnh gọi tập trung huấn luyện thì chỉ bị xử phạt hành chính chứ không thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này theo quy định của điều luật.

Việc quy định như trên còn tạo ra nhiều cách hiểu, vận dụng khác nhau tại nhiều địa phương. Có địa phương lại hiểu theo hướng chỉ cần một người đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì sẽ xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này. Điều đó có nghĩa là trước đó đã bị xử lý về một trong ba hành vi được mô tả trong cấu thành của tội phạm này mà không bắt buộc lần vi phạm thứ hai phải đúng như hành vi bị xử lý lần trước thì đã có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự. Nhưng có địa phương lại hiểu theo cách ngược lại, có nghĩa là nếu muốn xem xét trách nhiệm hình sự đối với tội này thì trước đó phải bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Hành vi này nghĩa là lần xử lý sau phải cùng hành vi với lần bị xử lý trước thì mới có cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự về tội này.

Thứ hai, điều luật chưa mô tả đầy đủ khái niệm “trốn tránh nghĩa vụ quân sự” được quy định trong Luật Nghĩa vụ quân sự.

Theo đó, quy định về xử lý hình sự đối với các trường hợp không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe mang tính chất tái phạm thiếu tính thống nhất giữa Bộ luật Hình sự 2015 và Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 dẫn đến ách tắc, không xử lý hình sự được.

Khoản 1 Điều 332 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tính mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”. Như vậy, đối chiếu với quy định mang tính liệt kê trên thì về mặt khách quan của tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự chỉ 03 hành vi độc lập, bao gồm: không đăng ký, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện; hành vi không chấp hành lệnh khám sức khỏe chưa được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015 và được hiểu là độc lập với hành vi “không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự” như quy định tại Khoản 1 Điều 332 Bộ luật Hình sự.

Trong khi đó, tại Khoản 8 Điều 3 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định “Trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự là hành vi không chấp hành lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập…”. Tại Nghị định số 13/2016/NĐ-CP ngày 19/2/2016 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục đăng ký, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự thì việc sau khi công dân đăng ký, Ban chỉ huy quân sự cấp giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự cho công dân; Chương 2 của Nghị định quy định về trình tự, thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự; tuy nhiên, việc gọi công dân khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự không được đề cập như một bước thủ tục, quy trình của sau việc đăng ký nghĩa vụ quân sự. Như vậy, việc gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự được thực hiện sau khi đăng ký nghĩa vụ quân sự; là bước trung gian, mang tính độc lập giữa đăng ký nghĩa vụ quân sự và gọi công dân nhập ngũ. Do đó, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự không được xem là tình tiết “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”.

Thứ ba, bất cập về tình tiết định tội “đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”

Theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành, trong một số trường hợp sẽ có một số đối tượng sẽ không được đăng ký nghĩa vụ quân sự, trong đó có trường hợp công dân “Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hình phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế hoặc đã chấp hành xong hình phạt tù nhưng chưa được xóa án tích” sẽ không được đăng ký nghĩa vụ quân sự.

Do đó, quy định tại Điều 332 Bộ luật Hình sự về tình tiết định tội “đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” là chưa phù hợp với các quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành. Một công dân muốn được hiện nghĩa vụ quân sự ngoài việc đáp ứng yêu cầu về độ tuổi, sức khỏe, trình độ học vấn… thì lý lịch chính trị cũng là một yêu cầu rất quan trọng trong việc tuyển chọn công dân lên đường nhập ngũ. Một công dân dù có đáp ứng đầy đủ các yếu tố khác và dù có tình nguyện để được phục vụ trong quân ngũ nhưng nếu không đảm bảo các điều kiện về lý lịch chính trị cũng sẽ không được đăng ký nghĩa vụ quân sự. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ không có trường hợp một người đã bị kết án về tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Bởi vì, căn cứ vào các điều kiện về chính trị được quy định trong Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành thì sẽ không có trường hợp người một người phạm tội chưa được xóa án tích mà lại được gọi nhập ngũ. Và cho dù một người nào đó có được gọi nhập ngũ trong trường hợp này đi nữa thì nếu họ có vi phạm thì cũng không thể xem xét để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ bởi bản chất của việc gọi nhập ngũ trong trường hợp này đã sai từ cấp có thẩm quyền nên người được gọi nhập ngũ trong trường trường hợp này đương nhiên sẽ không bị coi là có hành vi vi phạm. Do đó, việc quy định như hiện hành là không cần thiết và không phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành.

Thứ tư, chưa quy định rõ về tình tiết định khung tăng nặng “tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình” và tình tiết “lôi kéo người khác phạm tội”

 Để trốn tránh nghĩa vụ quân sự, người phạm tội có nhiều thủ đoạn khác nhau, trong đó có thủ đoạn tự gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của mình.

Việc người phạm tội tự gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của mình có thể được thực hiện bằng nhiều phương pháp khác nhau như: chặt đứt ngón trỏ của bàn tay phải, uống thuốc làm cho mắt giảm thị lực, uống thuốc làm tăng nhịp tim, huyết áp... Tuy điều luật lại không quy định việc tự gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của mình có tỷ lệ thương tật là bao nhiêu phần trăm (%) thì mới có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự ở tình tiết định khung tăng nặng này.

Ngoài ra, tại điểm c khoản 2 Điều 332 Bộ luật hình sự hiện hành có quy định tình tiết định khung tăng nặng với hành vi “lôi kéo người khác phạm tội”. Quy định trên có thể hiểu, trên cơ sở cấu thành tội phạm có dấu hiệu bắt buộc là người lôi kéo ở đây phải bị xử phạt và cấu thành tội phạm về hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự mà lôi kéo người khác phạm tội, người khác phạm tội ở đây phải thỏa điều kiện phải bị xử phạt hình sự về tội “Trốn tránh nghĩa vụ quân sự” thì người phạm tội mới được áp dụng trong khung hình phạt tăng nặng tại điểm c khoản 2 Điều 332 của Bộ luật Hình sự hiện hành.

Nếu người bị lôi kéo phạm tội mà bị xử phạt ở hình thức xử phạt hành chính vì tội này thì người phạm tội lôi kéo không vi phạm vào điểm c khoản 2 Điều 332 Bộ luật Hình sự hiện hành, vì người bị lôi kéo chỉ bị xử hành chính về tội này và không được xem là phạm tội nên không thể xem là hành vi “lôi kéo người khác phạm tội”.

Nhằm để khắc phục những bất cập như đã trình bày ở trên cũng như góp phần vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trốn tránh nghĩa vụ quân sự, theo tác giả, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung như sau:

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 332 theo hướng bổ sung thêm một số hành vi được mô tả thế nào là trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự được quy định trong Luật Nghĩa vụ quân sự. Cụ thể, bổ sung thêm hành vi “không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự”, “không chấp hành lệnh gọi diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu”. Bên cạnh đó, đề nghị sửa đổi cụm từ “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” thành cụm từ “đã bị xử phạt hành chính một trong các hành vi này mà còn vi phạm” nhằm mở rộng đối tượng chịu trách nhiệm hình sự đối với loại tội phạm này.

Thứ hai, đề nghị bãi bỏ cụm từ “đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích” trong quy định tại khoản 1 Điều 332 Bộ luật Hình sự. Như đã phân tích ở trên, việc quy định điều kiện này trong điều luật là không cần thiết và không áp dụng được trong thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm và trái với các quy định của pháp luật chuyên ngành.

Thứ ba, đề nghị hướng dẫn rõ quy định đối với hành vi “tự gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của mình” được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 332 Bộ luật Hình sự hiện hành. Cần quy định cụ thể hành vi tự gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của mình với tỷ lệ thương tật bao nhiêu phần trăm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tình tiết này để thuận tiện cho việc áp dụng trong thực tiễn.

Thứ tư, đề nghị sửa đổi tình tiết “lôi kéo người khác phạm tội” được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 332 Bộ luật Hình sự hiện hành thành “lôi kéo người khác trốn tránh nghĩa vụ quân sự”.

TRẦN TRỌNG TUÂN

Thư ký Toà án quân sự Quân khu 9

Giải quyết tranh chấp trong hợp đồng nhượng quyền thương mại

Loan B T Thanh