Ảnh minh họa.
Năm 2020, khi 8 hộ dân này hoàn tất được hồ sơ thì quy định về việc tái định cư thay đổi nên việc của họ không được giải quyết, chính quyền thị xã cũng đã đề nghị tỉnh tháo gỡ vướng mắc này, tuy nhiên, đề nghị đó không được đáp ứng. Vì thế, ông Bí thư giúp người dân đi tìm lẽ công bằng con đường tố tụng, tức là khởi kiện ra tòa án.
Một điều hiển nhiên do pháp luật quy định rằng khi những khiếu nại hành chính không được giải quyết thì có thể kiện ra tòa. Tuy nhiên, tâm lý “con kiến kiện củ khoai” vẫn làm người dân e ngại và thực tế, có nhiều vụ kiện hành chính “không đi đến đâu cả” khiến người dân vẫn e dè khi thực hiện quyền khởi kiện được pháp luật bảo vệ. Một hệ quả tất yếu mà quy định pháp luật này mang lại là khi tư pháp đủ mạnh và công minh thì hành pháp buộc phải nghiêm túc trong việc thực hành quyền lực của mình theo đúng pháp luật và chức trách của mình.
Động thái của ông Bí thư Đức Phổ là một sự thể hiện vì dân, đặc biệt, động thái này rất khác với cách hành xử đang xảy ra hiện tại là có không ít các vị chủ tịch UBND các cấp không chịu trực tiếp tiếp dân trong nhiều tháng, bỏ qua những quy định của Chính phủ trong lĩnh vực này.
Trước đây, một Phó tổng Thanh tra Chính phủ từng yêu cầu cán bộ thanh tra trong việc giải quyết khiếu nại của người dân trong lĩnh vực bồi thường đất khi bị giải tỏa là phải đặt mình trong hoàn cảnh người dân bị mất đất mà giải quyết thấu lý, đạt tình, vì quyền lợi của dân.
Đã có những động thái và cách hành xử từ những người lãnh đạo địa phương theo tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, ví dụ như cách “phá rào” cứu dân của hai vị nữ lãnh đạo địa phương ở TP. Hồ Chí Minh trong cơn nguy biến của đại dịch.
Hoặc, mới đây là lời khuyên của Bí thư Đồng Nai về việc cán bộ lãnh đạo tỉnh nên đọc Facebook để hiểu tình hình và tâm tư, nguyện vọng người dân cũng như những diễn biến trong xã hội. Dám nghĩ, dám làm và hành động quyết liệt chống tội phạm và vì dân như Đại tá, Giám đốc Công an An Giang nhận được sự ủng hộ và tin yêu, cảm phục từ phía người dân.
Hoặc, mới đây, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thành lập 12 đoàn thanh tra thực hiện gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong đại dịch cũng chính là đảm bảo quyền lợi người dân được thụ hưởng, tránh việc khiếu nại dằng dai sau này về sự hỗ trợ mà cơ quan tiếp dân của trung ương đã dự báo có thể xảy ra.
Đang có một chủ trương khuyến khích và bảo vệ những cán bộ “dám nghĩ, dám làm” hẳn sẽ là động lực thúc đẩy các cán bộ tâm huyết, vì dân có những động thái, việc làm mạnh mẽ hơn trong việc thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội.
NHỊ NGỌC