/ Trao đổi - Ý kiến
/ Những dấu hiệu bất thường trong một vụ án hình sự

Những dấu hiệu bất thường trong một vụ án hình sự

29/06/2022 16:33 |

(LSVN) - Tôi cùng một số Luật sư đang tham gia bào chữa cho 03 bị cáo (nguyên là Chủ tịch xã, cán bộ địa chính và nhân viên đo đạc) trong vụ án hình sự về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 360, Bộ luật Hình sự tại địa bàn huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Có thể nói, đây là một vụ án khá hy hữu trong thực tế tố tụng nước ta do có nhiều vấn đề bất cập cần phải xem xét.

Ảnh minh họa.

Theo nội dung, diễn biến vụ án cho thấy, phần diện tích đất hơn 80ha thuộc diện thu hồi có nguồn gốc là đất rừng hoang, không còn cây rừng, chỉ còn bụi rậm, cỏ dại, do một số hộ dân khai phá, sử dụng từ những năm 1990 đến nay. Năm 2017, UBND tỉnh Ninh Thuận có chủ trương chấp thuận cho Công ty CP Hoàng Sơn thuê hơn 80ha đất tại địa bàn xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn để đầu tư dự án điện mặt trời theo diện được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư miễn tiền thuê đất (phía doanh nghiệp cam kết chi trả hỗ trợ về đất theo các quyết định hỗ trợ của UBND huyện). Sau khi được phê duyệt, tháng 03/2017, các bên liên quan đã tiến hành thủ tục khảo sát, đo đạc diện tích dự án. Tại lần khảo sát, đo đạc thứ nhất, phía Trung tâm Kỹ thuật TN&MT trực thuộc Sở TN&MT tỉnh Ninh Thuận đã cử nhân viên Nguyễn Thành Đô phối hợp với phía Trung tâm Phát triển quỹ đất, cán bộ địa chính xã Mỹ Sơn cùng với phía doanh nghiệp tiến hành khảo sát, đo đạc và xác định diện tích hơn 72ha đất thuộc vùng dự án hiện do 27 hộ dân sử dụng. Tuy nhiên, tại lần đo đạc này không mời các hộ sử dụng đất tham gia nên sau đó có 08 hộ dân đã khiếu nại, yêu cầu đo đạc lại vì họ cho rằng việc xác định diện tích đất chưa chính xác. Người dân cho rằng những phần đất họ để trống do canh tác theo mùa, những phần ranh đất chống cháy, những phần lối đi nội bộ cần phải đo thêm và xác định diện tích này cho họ.

Vì vậy, đến tháng 09/2017 các cơ quan liên quan cùng phía doanh nghiệp tổ chức đo đạc lại và xác định thêm hơn 08ha đất cho 08 hộ dân nói trên. Lần đo thứ hai này ông Đô cho rằng không lập “bản vẽ mô tả” vì không có ai tranh chấp và không cần thiết. Sau khi đo đạc, hồ sơ được chuyển sang phía Trung tâm Phát triển quỹ đất, UBND xã và Sở TN&MT để tổ chức xem xét nguồn gốc, thẩm định, phê duyệt. Đến năm 2018, UBND huyện Ninh Sơn ra quyết định thu hồi đất đối với 27 hộ dân với tổng diện tích hơn 80ha đất (trong đó có hơn 08ha đất được đo đạc, xác định thêm) và tổ chức hỗ trợ với mức 7.000 đồng/m2. Phía UBND huyện cho rằng đây là diện tích do các hộ dân lấn chiếm đất rừng nên không được bồi thường, còn người dân thì cho rằng đất do họ khai hoang, đủ điều kiện để được bồi thường và doanh nghiệp phải thỏa thuận với họ.

Một điều đáng chú ý là khi phía chính quyền đang tổ chức hỗ trợ, phía Công an tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức điều tra vì họ cho rằng có vi phạm trong việc hỗ trợ cho một số hộ dân đối với diện tích đất được đo đạc thêm hơn 08ha. Sau đó, phía Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 03 người, trong đó có ông S. - Chủ tịch xã, ông H. - cán bộ địa chính xã và ông Đ. - nhân viên đo đạc. Sau nhiều lần thay đổi tội danh, cuối cùng 03 bị can bị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo khoản 1, Điều 360, Bộ luật Hình sự với thiệt hại được xác định là 341.000.000 đồng.

Việc điều tra sau đó được chuyển cho phía Cơ quan điều tra huyện Ninh Sơn tiếp tục điều tra, kết luận. Cơ quan điều tra và phía Viện kiểm sát cho rằng diện tích hơn 08ha đất được đo đạc thêm lần hai do người dân lấn chiếm đất rừng sau tháng 03/2017 (sau 01/7/2014) nên không thuộc diện được hỗ trợ, số tiền 341.000.00 đồng được xác định thiệt hại là số tiền đã chi trả hỗ trợ về đất và tài sản trên đất cho một số hộ dân.

Sau khi tham gia vụ án chúng tôi nhận thấy:

Thứ nhất, về quy trình, thủ tục, việc Cơ quan điều tra Công an tỉnh Ninh Thuận chủ động tiến hành điều tra, khởi tố vụ án này khi chưa có kết luận từ phía cơ quan quản lý đất đai, Cơ quan Thanh tra là chưa phù hợp. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), Luật Thanh tra, các văn bản quy liên quan và thực tiễn tố tụng cho thấy loại án này trước khi điều tra, khởi tố thường đã có kết luận của phía Cơ quan Thanh tra hoặc đơn thư tố cáo. Trường hợp này, phía chính quyền địa phương và Cơ quan Thanh tra chưa tổ chức kiểm tra, thanh tra, chưa có kết luận về sai phạm, chưa kiến nghị khởi tố nhưng Cơ quan điều tra đã tiến hành điều tra, khởi tố là chưa phù hợp.

Mặt khác, về nguồn gốc, quá trình sử dụng diện tích đất bị thu hồi hiện đang có hai luồng quan điểm khác nhau. Căn cứ theo Bản án hình sự phúc thẩm số 41/2020 ngày 01/9/2020 của TAND tỉnh Ninh Thuận thể hiện ý kiến của UBND huyện Ninh Sơn cho rằng “Các hộ dân lấn chiếm đất từ năm 2010, sử dụng cho đến trước khi có thông báo thu hồi đất. Cơ quan điều tra xác định các hộ dân lấn chiếm sau khi có thông báo thu hồi đất là không có cơ sở”. Đồng thời, bản án này đã nhận định: “…thấy rằng việc điều tra của cấp sơ thẩm là chưa khách quan, chưa thu thập đầy đủ các chứng cứ chứng minh đối với hành vi gây thiệt hại của các bị cáo và nguồn tiền mà các bị cáo đã gây thiệt hại” nên đã tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại. Vì vậy, việc Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát chủ động điều tra, khởi tố, truy tố các bị can khi chưa có kết luận từ cơ quan quản lý đất đai, Cơ quan Thanh tra là chưa phù hợp.

Thứ hai, lời khai của hầu hết 08 hộ dân tại Cơ quan điều tra Công tỉnh Ninh Thuận và Cơ quan điều tra Công an huyện Ninh Sơn đều thể hiện họ lấn chiếm phần diện tích hơn 08ha đất sau tháng 03/2017. Tuy nhiên, căn cứ vào lời khai của họ tại phiên tòa sơ thẩm lần 1, phúc thẩm lần 1, họ cho rằng sỡ dĩ lời khai thể hiện như vậy vì bị cán bộ điều tra, điều tra viên ép khai, nhục hình. Đặc biệt, trong số đó có bà Phan Thị Gái và bà Nguyễn Thị Như Hòa cho rằng họ đã bị điều tra viên ép khai và hành hung trong quá trình lấy lời khai. Bà Phan Thị Gái khai rằng, vào một buổi chiều bà thấy Công an đến tống đạt giấy triệu tập và dẫn bà lên tỉnh làm việc đến 20h mới cho bà về. Bà Gái còn khai, phần đất hơn 23.000m2 (hơn 2,3ha) do bà mua lại của con gái và sử dụng từ năm 2006 nhưng điều tra viên không chấp nhận, vì vậy, biên bản lấy lời khai bị xé bỏ nhiều lần. Đến gần 22h đêm khi con trai bà lên tìm bà và phản ứng, bà thấy vậy sợ con trai bị bắt nên ký đại vào biên bản rồi ra về.

Còn bà Hòa khai rằng, thời gian đó bà đang bị tạm giam tại Công an tỉnh Ninh Thuận vì bị kết tội trong vụ án chống người thi hành công vụ khi cùng một số người dân khác ngăn cản phía doanh nghiệp Hoàng Sơn chiếm đất khi chưa có lệnh cưỡng chế từ phía UBND huyện Ninh Sơn. Bà Hòa còn khai, khi các điều tra viên lấy lời khai đã ép bà phải khai lấn chiếm một phần đất sau tháng 03/2017 nhưng bà không chịu nên họ đã hành hung, bóp cổ bà chảy máu miệng, ngất xỉu phải đưa đi cấp cứu. Bà Hòa cho rằng việc các cán bộ điều tra và điều tra viên hành hung, bóp cổ đều được các can phạm và các cán bộ trại tạm giam, tạm giữ chứng kiến.

Chính vì vậy, khi bản án sơ thẩm bị tuyên hủy, vụ việc được đưa ra xét xử sơ thẩm lần 2, các Luật sư đã đề nghị TAND huyện Ninh Sơn phải triệu tập các cán bộ điều tra và điều tra viên liên quan tham gia phiên tòa để làm rõ những tình tiết này và hiện Hội đồng xét xử đang xem xét đề nghị của các Luật sư.  

Thứ ba, sau khi trả hồ sơ điều tra bổ sung, phía Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân huyện Ninh Sơn kết luận các bị cáo đã có hành vi thiếu trách nhiệm, gây thiệt hại cho phía Công ty Hoàng Sơn với số tiền 341.000.000 đồng - tương đương với số tiền thực tế đã chi trả hỗ trợ hơn 3,4ha đất theo một số quyết định hỗ trợ của UBND huyện. Một vấn đề đáng bàn luận ở đây, đó là phía Công ty Hoàng Sơn từ trước tới nay họ luôn cho rằng họ không bị thiệt hại. Tại phiên tòa họ khai rằng phía Công ty Hoàng Sơn chính là bên yêu cầu, đề nghị đo đạc lại diện tích 08ha đất, thống nhất với diện tích này và tự nguyện bỏ tiền để hỗ trợ cho các hộ dân, không khiếu nại về diện tích và cũng không yêu cầu điều tra, xử lý. Bên cạnh đó, quan điểm của các Luật sư cũng như phía đại diện UBND huyện, tỉnh cũng đều nhận thấy, giả sử các cán bộ nói trên có sơ suất, sai sót về nghiệp vụ trong quá trình đo vẽ, xem xét nguồn gốc 08ha đất được đo đạc thêm thì cũng không có thiệt hại xảy ra cho Nhà nước hoặc doanh nghiệp vì phía doanh nghiệp là người đã đề nghị, yêu cầu đo lại diện tích, đã thống nhất diện tích trên, đã tự nguyện chi tiền hỗ trợ và không khiếu nại, yêu cầu điều tra, xử lý. Điều 360, Bộ luật Hình sự quy định về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" bắt buộc phải có 02 yếu tố cấu thành tội phạm, đó là hành vi thiếu trách nhiệm và gây hậu quả nghiêm trọng, khi không có hậu quả xảy ra thì không đủ cơ sở buộc tội.

Thứ tư, sau khi điều tra bổ sung, Cơ quan điều tra kết luận các hộ dân đã lấn chiếm hơn 7,6ha đất sau tháng 03/2017 cũng có dấu hiệu chưa chính xác. Căn cứ theo kết quả đối chiếu tại “Biên bản làn việc” ngày 30/11/2020 (có 14 thành phần tham gia, trong đó có các đại diện phòng ban thuộc UBND huyện Ninh Sơn, phía Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và bị cáo S. nguyên là Chủ tịch xã) kết luận có hơn 05ha đất  trong số hơn 8,2ha đất đo đạc lần 2 thuộc diện tích do các hộ dân lấn chiếm trước năm 2012 theo Kết luận thanh tra số 17/KL-UBND ngày 14/02/2012 của UBND huyện Ninh Sơn - có nghĩa phần diện tích này đủ điều kiện được hỗ trợ. Nếu theo Kết luận này, số tiền thực tế đã chi trả hỗ trợ đối với 03ha còn lại chưa đến 100.000.000 đồng - chưa đủ mức để xử lý hình sự.

Tuy nhiên, sau đó theo ý kiến của phía Hạt kiểm lâm huyện Ninh Sơn tại Công văn số 71/2021 lại cho rằng có hơn 7,6ha đất do người dân lấn chiếm sau tháng 3/2017. Điều đáng nói là việc đối chiếu, kết luận của phía Hạt kiểm lâm lại dựa vào việc đối chiếu các sơ đồ, bản đồ, các ảnh chụp từ thiết bị viễn thông qua các thời kỳ và chưa phù hợp với Kết luận thanh tra số 17/2012 của UBND huyện Ninh Sơn. Tuy nhiên, sau đó Cơ quan điều tra và phía Viện kiểm sát lại chỉ lấy kết luận này để làm cơ sở xác định hiệt hại là có dấu hiệu chưa phù hợp, chưa khách quan.

Trên đây là một số trong nhiều dấu hiệu bất cập trong hồ sơ vụ án đã được thể hiện tại phiên xử sơ thẩm lần 2 vào ngày 18/4/2022. Cũng chính vì những lý do này, phía Hội đồng xét xử đã ngưng và hoãn phiên tòa để nghiên cứu và thu thập thêm thông tin, tài liệu từ cơ quan chức năng.

Tại lần xử này, các Luật sư chúng tôi đều nhận thấy Hội đồng xét xử đã thể hiện đúng mô hình tranh tụng theo nghị quyết của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, đặc biệt dấu hiệu cho thấy phía Hội đồng xét xử rất cẩn trọng và khá khách quan khi xem xét, đánh giá tài liệu, chứng cứ cũng như đề nghị của phía Luật sư. Chúng tôi mong rằng phiên tòa sắp tới sẽ có quyết định chính xác, khách quan, nhằm bảo vệ pháp luật cũng như quyền lợi của các bị cáo.

Luật sư NGUYỄN DUY BÌNH

Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh

Cần bổ sung đối tượng được xét miễn nghĩa vụ thi hành án phần án phí

Admin